Đồng Nai hết dịch tả heo châu Phi, hộ nuôi phải có đơn đăng kí với chính quyền và thực hiện kiểm tra nếu muốn tái đàn

Từ ngày 15/3/2020, toàn bộ địa phương trong tỉnh Đồng Nai đã qua 30 ngày không tái phát dịch tả heo châu Phi.

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành văn bản công bố tỉnh đã hết dịch tả heo châu Phi.

Cụ thể, từ ngày 15/3/2020, toàn bộ 137/137 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã qua 30 ngày không tái phát dịch tả heo châu Phi. 

Thủ phủ Đồng Nai tuyên bố hết dịch tả heo châu Phi - Ảnh 1.

Đồng Nai tuyên bố hết dịch tả heo châu Phi. (Ảnh: Báo Đồng Nai).

Việc công bố hết dịch tả heo châu Phi của Đồng Nai được thực hiện đảm bảo theo quy định của Luật Thú y năm 2015 và theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Đồng thời, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, tiêu thụ heo và sản phẩm từ heo trên địa bàn Đồng Nai và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Dịch tả heo châu Phi lần đầu tiên xâm nhập vào Đồng Nai hồi giữa tháng 4/2019. Tính đến nay, dịch gây thiệt hại cho 5.371 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh với 450.000 con heo bị tiêu hủy.

Dù đã công bố hết dịch tả heo châu Phi, khuyến khích người chăn nuôi tập trung tái đàn, nhưng Đồng Nai cấm tái đàn nếu không đủ điều kiện, tức chỉ cho phép tái đàn khi người chăn nuôi phải tuân thủ chặt chẽ mọi quy định về an toàn sinh học cũng như các quy định theo Luật Chăn nuôi mới có hiệu lực từ đầu năm 2020. 

Báo Đồng Nai dẫn lời Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh - ông Nguyễn Trường Giang, cho biết Đồng Nai đã căn bản khống chế được dịch tả heo châu Phi. 

Đây là điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi trong việc tính đến chuyện tổ chức tái đàn heo. Tuy nhiên, Đồng Nai đã ban hành văn bản quy định điều kiện tái đàn đối với các cơ sở chăn nuôi chưa xảy ra dịch tả và cả các cơ sở đã xảy ra dịch tả. 

Các cơ sở trên phải có đơn đăng kí với UBND xã, nơi tổ chức chăn nuôi để thực hiện các bước kiểm tra, và chỉ được phép tái đàn khi đủ các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.

"Những cơ sở tái đàn tự phát không đăng kí hoặc không thực hiện đúng cam kết về đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi sẽ không được nhận hỗ trợ của Nhà nước, khi dịch tả heo châu Phi tái phát", ông Giang nói,

Theo ông Đỗ Hữu Phương, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tùy vào điều kiện của từng địa phương mà hỗ trợ cho người chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn hoặc chuyển nghề. 

Trong trường hợp người nuôi muốn tái đàn phải tuân thủ các quy định về điều kiện tái đàn, đặc biệt đảm bảo điều kiện về an toàn sinh học trong chăn nuôi.

chọn