Dòng vốn 'khổng lồ' 450.000 tỉ đồng đổ vào Bình Thuận

Tỉnh Bình Thuận đã kí thỏa thuận ghi nhớ đăng kí đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư đăng kí khoảng 450.000 tỉ đồng trên nhiều lĩnh vực.

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận năm 2019 diễn ra hôm qua, 22/9, với mục đích mời gọi trực tiếp các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược có năng lực cao đầu tư vào các dự án trọng điểm của tỉnh này.

Với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 23.152 tỉ đồng.

muinesumer_land_4_copy-crop

Tỉnh Bình Thuận cũng đã kí thỏa thuận ghi nhớ đăng kí đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư đăng kí khoảng 450.000 tỉ đồng. (Ảnh: Zing).

Đồng thời, tỉnh Bình Thuận cũng đã kí thỏa thuận ghi nhớ đăng kí đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư đăng kí 19 tỉ USD (tương đương khoảng 450.000 tỉ đồng) và 30.696 tỉ đồng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Thông qua diễn đàn lần này, Bình Thuận giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các quy hoạch, danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư. 

Trong đó tập trung vào 3 trụ cột chính, thứ nhất là du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị, khu dân cư. 

Theo đó, Bình Thuận kêu gọi các dự án du lịch cao cấp, các khu vui chơi - giải trí cao cấp, các dự án thương mại, đô thị, khu dân cư. Ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia.

Thứ hai là công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo. Bình Thuận ưu tiên thu hút các nhà đầu tư "sếu đầu đàn" có năng lực, chiến lược. Tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án thứ cấp vào các khu công nghiệp, sử dụng công nghệ, kĩ thuật hiện đại, chú trọng các dự án đảm bảo thân thiện với môi trường.

Thứ ba là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kêu gọi các dự án nông nghiệp thông minh, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận trong việc thu hút đầu tư để hiện thực hóa Quyết định của Thủ tướng về quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Bình Thuận sẽ là trung tâm điện gió, điện mặt trời lớn của cả nước

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định Bình Thuận có kết cấu hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời rất lớn, tiềm năng du lịch phong phú, nhất là du lịch về biển đảo sẽ là  các điều kiện thuận lợi để phát triển 3 trụ cột trên.

muine

Thủ tướng đã có quyết định về quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. (Ảnh: Thanh Niên).

Phó Thủ tướng lưu ý muốn đạt được mục tiêu, tỉnh Bình Thuận cần phải làm tốt công tác quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng phù hợp với quy hoạch quốc gia.

Đồng thời, điều chỉnh quy hoạch cũ, xây dưng quy hoạch mới gắn với phát triển 3 lĩnh vực trụ cột là du lịch, năng lượng sạch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn kết với phát triển kinh tế biển. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh quy hoạch khu vực ven biển của Bình Thuận phải lấy hạt nhân là TP Phan Thiết, La Gi và các đô thị khác, trên cơ sở đó thu hút các nhà đầu tư.

Ông tin rằng Bình Thuận sẽ là một trong những trung tâm sản xuất điện gió, điện mặt trời lớn của cả nước. Quan tâm xử lí tốt vấn đề rác thải đô thị, rác thải nông nghiệp, chất thải rắn từ các nhà máy điện. Biến rác thải thành điện và vật liệu xây dựng kè sông, kè biển…

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng cho biết thêm nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư, tính đến nay, tỉnh có 1.525 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 303.000 tỉ đồng, trong đó có khoảng 106 dự án FDI có hiệu lực với tổng vốn đăng kí 3,24 tỉ USD.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.