Vài ngày trở lại đây, hàng chục tấn dưa hấu hắc mĩ nhân chất đống trên vỉa hè đường Giải Phóng (Thanh Xuân, Hà Nội) và được rao bán với giá rẻ, chỉ 8.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các cửa hàng, chợ trên địa bàn Hà Nội, dưa hấu loại này vẫn bán giá 20.000-25.000 đồng/kg.
Giá rẻ, người dân sống quanh khu vực này và người đi đường kéo nhau đến mua ủng hộ. Có người mua 1-2 quả, có người mua 4-5 quả.
Theo lời người bán, dưa hấu này là dưa miền Nam, được thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc, có dán tem nhãn. Song, dịp này phía bên kia dừng nhập, hàng ế không xuất được nên chủ hàng quyết định chở dưa về khu vực này rồi thuê người đứng bán nhằm thu hồi vốn.
Trong lúc chờ đến lượt cân 3 quả dưa hấu để tính tiền tại đây, bà Nguyễn Ngọc Minh ở Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) nói: "Không biết họ ế sao, nhưng thấy giá rẻ nên tôi mua ủng hộ. Hôm qua mua thử một quả ăn thấy ngon, nay ra mua thêm 3 quả chia để chia cho gia đình 2 đứa con nữa".
Thực tế, những ngày gần đây, tại các tỉnh miền Nam cũng có thông tin chôm chôm tại các nhà vườn ở Vĩnh Long, Bến Tre giảm xuống chỉ còn 9.000-10.000 đồng/kg, trong khi trước Tết giá vẫn ở mức 16.000 đồng/kg. Còn so với cùng kì năm ngoái giá chôm chôm giảm xuống chỉ còn 1/3.
Các nhà vườn cho biết, giá chôm chôm giảm là do đóng biên. Với mức giá này, họ đối diện cảnh thua lỗ nặng, bởi tiền bán chôm chôm không đủ tiền trả công thu hái.
Trước đó, giá thanh long ruột trắng ở các nhà vườn miền Nam cũng giảm mạnh xuống còn 10.000 đồng/kg cân xô, thanh long ruột đỏ loại 1 giảm xuống còn 25.000-27.000 đồng/kg, loại 2 giảm còn 20.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do những ngày cận Tết Nguyên đán, thị trường Trung Quốc đang giảm nhập hàng, cùng với đó nguồn cung tăng mạnh khiến giá thanh long ở các tỉnh phía Nam đồng loạt lao dốc.
Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã gửi cảnh báo về tình hình buôn bán hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản với Trung Quốc khi dịch viêm phổi cấp do virus corona vẫn đang hoành hành.
Qua trao đổi nhanh với Sở Công Thương các tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai, Cục Xuất nhập khẩu được biết các cặp cửa khẩu thuộc địa bàn thị Bằng Tường của Trung Quốc sẽ kéo dài thời gian đóng cửa đến hết ngày 8/2 (trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan mở cửa vào ngày 3/2) với lý do đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Đơn vị này cũng nhận định, nếu dịch bệnh kéo dài, việc thông thương, đi lại tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế thì chắc chắn lưu lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh nông sản, cần lường trước tình huống doanh nghiệp Trung Quốc không thể nhận hàng, để có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước cho phù hợp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần bám sát tình hình, trao đổi thường xuyên với đối tác, để nắm được những thay đổi phát sinh trong trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh gây ra.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020