Sáng 16/9, bước sang ngày thứ 14 xét xử đại án Oceanbank với phần bào chữa của các luật sư. Luật sư Hoàng Văn Được là người bào chữa đầu tiên cho nhóm 7 bị cáo là kế toán trưởng, cựu giám đốc khối của Oceanbank với cáo buộc Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo luật sư Được, sau khi nghiên cứu tài liệu chứng cứ, tham gia phần thẩm vấn công khai nhiều ngày qua và nghe VSK công bố quan điểm luận tội, đề nghị mức án cho các thân chủ mà ông nhận bào chữa, ông thấy cần phải bàn kỹ về khoản tiền bị cáo buộc “thiệt hại của Oceanbank” để xác định họ có cố ý làm trái hay không.
"Chúng tôi cho rằng, vấn đề đặt ra với các cơ quan tiến hành tố tụng là cần làm rõ hành vi khách quan của bị cáo có Cố ý làm trái quy định của Nhà nước không? Có gây ra hậu quả hay không? Khi làm rõ được 2 câu hỏi này mới có cơ sở xác định có hay không hành vi Cố ý làm trái", luật sư nói.
Luật sư Được tham gia bào chữa cho Nguyễn Thị Nga (kế toán trưởng Oceanbank). Ảnh: Việt Hùng.
Vậy, số tiền 1.576 tỷ có phải là hậu quả của vụ án không?, Ông Được nêu câu hỏi rồi nói: "Đọc bản kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước thì nghe ra ngay không có việc đó".
Dẫn đề nghị trưng cầu giám định thiệt hại cơ quan điều tra với cơ quan giám định, ông Được có 2 yêu cầu là: Số tiền Oceanbank chi trả ngoài huy động vốn có vi phạm không và nếu có thì thiệt hại cho Oceanbank là bao nhiêu?
Tuy nhiên, ông Đỗ Anh Quân - Trưởng đoàn giám định của Ngân hàng Nhà nước được giao trưng cầu giám định thiệt hại của Oceanbank trình bày tại tòa lại khẳng định: Đoàn không có chức năng giám định về thiệt hại.
"Đi giám định mà nói không có thiệt hại?”, vị luật sư hỏi và bỏ ngỏ câu trả lời.
Ông Được nói mình và nhiều đồng nghiệp đã lần giở rất kỹ kết luận giám định để cẩn trọng tìm ra nội dung kết luận giám định ghi nhận 1.576 tỷ là thiệt hại. Tuy nhiên, ông nói: "Chúng tôi tìm không thấy có dòng nào kết luận thiệt hại 1.576 tỷ".
Vậy kết luận giám định của đoàn giám định có giá trị pháp luật không? - ông Được đặt câu hỏi đồng thời chỉ ra 6 bất cập của kết luận giám định này.
Luật sư bào chữa cho nhóm các bị cáo làm việc ở hội sở Oceanbank nêu quan điểm, thứ nhất quyết định giám định vi phạm Luật giám định tư pháp 2012. Ông chỉ ra rằng giám định viên của đoàn đã không từ chối giám định khi vượt quá khả năng chuyên môn và với những tài liệu giám định cung cấp không đầy đủ.
Đoàn giám định có vô tư, khách quan không?. Bản giám định vi phạm như thế vẫn được dùng làm căn cứ luận tội các bị cáo thì việc kết tội “dễ dàng quá” - ông Được đặt câu hỏi khi tham gia tranh tụng.
Luật sư Hoàng Văn Được. Ảnh: Việt Hùng.
Thứ 2, ông Được cho rằng kết luận này “không vô tư khách quan”, bởi dù đoàn không giám định được thiệt hại nhưng lại đề nghị cơ quan công an làm rõ việc này. “Việc đề nghị cơ quan công an làm rõ có khách quan, vô tư không, thay vì việc phải từ chối giám định vì không đủ cơ sở”?.
Thứ 3, theo luật sư kết luận giám định vi phạm điều 31 Luật giám định: Luật quy định người giám định phải ghi nhận kịp thời nội dung buổi làm việc, kết luận của đoàn giám định. Tuy nhiên, “tôi và các đồng nghiệp không thấy tìm thấy những bút ký, chương trình, văn bản…” nào trong hồ sơ vụ việc.
Thứ 4, ông Được chỉ ra rằng kết luận giám định còn vi phạm điều 32 Luật giám định tư pháp về thời gian, địa điểm hoàn thành việc giám định. Tại tòa, ông Quân trình bày đoàn giám định làm việc tại trụ sở cơ quan cảnh sát điều tra chứ không đơn thuần như trong kết luận giám định ghi là ở cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng ở quận Hoàn Kiếm.
"Nó cho thấy bản kết luận này không tuân thủ ít nhất tình đúng đắn về địa điểm. Biên bản khoa học dùng để buộc tội bị cáo như vậy có không đúng đắn không?", vị luật sư bào chữa cho giám đốc các khối hội sở Oceanbank nói.
Thứ 5, vị luật sư nhắc lại lời ông Quân trả lời tại tòa rằng đoàn giám định do Thống đốc ngân hàng Nhà nước ký thành lập để giám định thiệt hại của Oceanbank “không có chức năng giám định tư pháp”. Luật sư Hoàng Văn Được đặt vấn đề “quyết định này có căn cứ pháp lý hay không?.
Thứ 6, ông Được nói luật giám định hiện không có điều luật nào có điều khoản quy định về “Đoàn giám định”. Vậy khi thành lập đoàn giám định mà không có trong quy định của pháp luật, rồi để cơ quan tiến hành tố tụng bám vào đó xem xét trách nhiệm hình sự các bị cáo có đúng không?, ông Được nói và tự trả lời: “Xin thưa là không? Đó là vi phạm luật giám định”.
Vị luật sư bào chữa cho nhóm 7 bị cáo là kế toán trưởng, cựu giám đốc khối của ngân hàng Oceanbank sau đó tập trung nêu ra nhiều lý lẽ để gỡ tội cho thân chủ của mình. Trong đó, luật sư dẫn 2 văn bản do 2 cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, Nguyễn Văn Bình ký ban hành (chỉ thị 02 và văn bản 4605) nêu những người có hành vi như các bị cáo chỉ bị xử lý hành chính.
Với lý lẽ đó, ông Được đề nghị HĐXX xử lý hành chính nhóm thân chủ của mình và cho đó là "đủ để răn đe, giáo dục cho họ nhớ và chấp hành đúng các quy định của pháp luật".
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Nga (nguyên Kế toán trưởng Oceanbank), luật sư Được cho rằng cáo buộc quy kết thân chủ của ông đồng phạm trong tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là không đúng. Theo phân tích của luật sư, không thể sử dụng thông tư 05 của Bộ Tài chính làm căn cứ để quy buộc bị cáo Nga về số tiền 66 tỷ không có chứng từ kế toán. “Thông tư này được ban hành sau (tháng 1/2013) thì càng không thể coi đó là căn cứ được”, luật sư Được nói đồng thời cho biết Ban kiểm toán nội bộ Oceanbank đã nhìn nhận số tiền này thì không thể nói là trái, chi sai, chi không đúng.
Đối với số tiền 109 tỷ còn lại, ông Được cho rằng trên chứng từ liên quan không có chữ ký của Nga, Nga cũng không phê duyệt, chỉ đạo thì không thể quy buộc cho bị cáo.
Liên quan tới nhận định của VKS trong phần luận tội cho rằng bị cáo Nga, Đỗ Đại Khôi Trang... là không thành khẩn, luật sư Hoàng Huy Được cho rằng phải nhìn nhận bị cáo Nga không cố tình che giấu. Nga đang cố gắng chứng minh cho mình. Bị cáo Nga không những không che giấu mà hạch toán rất rõ tiền chi lãi ngoài vào tài khoản 801 để ai nhìn cũng thấy. Điều này cũng được bị cáo Hà Văn Thắm thừa nhận.
"Thắm khai ở cơ quan điều tra là báo cáo tài chính rất minh bạch, nếu không minh bạch thì còn lâu mới tìm ra được. Việc này giống như ngày xưa Mị Châu rải áo lông ngỗng để Trọng Thủy tìm mình”, luật sư bào chữa cho bị cáo Nga ví von.
Tiếp lời, vị luật sư dõng dạc đề cập tới số tiền hơn 1.500 tỷ đồng có phải là thiệt hại không.Trước khi đưa ra nhận định của mình là không thiệt hại, ông Được nhắc lại lời của luật sư Nguyễn Huy Thiệp khi thấy thân chủ bị quy kết đồng phạm giúp sức bị cáo Sơn chiếm đoạt tiền của Oceanbank: “Chỉ có người điên mới đưa tiền của mình cho người khác chiếm đoạt”. Nói rồi ông Được bảo: “Còn tôi nói ông Thắm đưa diêm cho người khác đốt nhà mình”.
Cũng trong phần bào chữa, ông Được cho rằng bị cáo Nguyễn Hoài Nam (nguyên Gám đốc khối nguồn vốn Oceanbank) không lợi dụng chức vụ quyền hạn. Bằng chứng ông Được đưa ra là bị cáo Nam là giám đốc nhưng cũng chỉ là người lao động, phải chấp hành các cam kết của người lao động…
Ngoài đưa ra quan điểm, viện dẫn các quy định pháp luật, căn cứ để chứng minh thân chủ mình không phạm tội, luật sư Được còn đưa ra câu hỏi ngỏ có công bằng với Nga, Nam và nhiều bị cáo khác không khi họ bị truy tố còn 227 người cũng được cơ quan điều tra nói có chi lãi ngoài nhưng vì muốn tái cơ cấu, ổn định ngân hàng nên không xử lý hình sự. “Hiến pháp quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, ông Được nói.
Cũng trong sáng nay, luật Nguyễn Khánh Toàn và Nguyễn Tiến Huấn tập trung bào chữa cho bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang (nguyên Giám đốc Khối khách hàng cá nhân Oceanbank). Theo luật sư: "Trang phải gánh chịu hậu quả do người khác phạm tội, điều này có thể dẫn tới oan ức, xin HĐXX xem xét.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: Việt Hùng.
Trước đó, trong ngày xét xử thứ 13, các luật sư bào chữa cho Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Oceanbank), Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank) tiếp tục trình bày phần bào chữa cho thân chủ của mình. Các vị luật sư lần lượt đưa ra nhiều luận cứ, tài liệu nhằm gỡ tội cho 2 bị cáo chính. Họ đề nghị HĐXX trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, làm rõ các tình tiết mới.
Trải qua gần 2 ngày tranh tụng, HĐXX đã mời các luật sư bào chữa cho 8 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Oceanbank. Trong các phần bào chữa, tất cả luật sư đều đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ của mình hoặc thay đổi tội danh theo hướng có lợi cho họ.
Đồ họa: Hiền Đức.
Pháp luật 11:13 | 16/04/2019
Pháp luật 14:57 | 11/03/2019
Kinh doanh 07:01 | 04/05/2018
Pháp luật 23:07 | 03/05/2018
Pháp luật 10:52 | 03/05/2018
Pháp luật 01:31 | 03/05/2018
Kinh doanh 01:11 | 03/05/2018
Pháp luật 09:57 | 02/05/2018