Giá thịt heo 280.000 đồng/kg, hàng trăm hộ nông dân Hà Nội liều nuôi heo chui

Ông Phạm Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết thành phố có nhu cầu thịt heo cao nhưng dịch tả châu Phi khiến địa phương mất 30% tổng đàn. Hiện có hơn 3.500 hộ tái đàn, tổng số heo 290.000 con, nhưng qua kiểm tra có 196 hộ tái đàn không khai báo, với tổng đàn hơn 7.500 con.

Tại tọa đàm trực tuyến liên quan tình hình dịch tả heo châu Phi và những ảnh hưởng của nó diễn ra ngày 26/11, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - ông Hoàng Anh Tuấn, cho biết Bộ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm điều tiết giá cả thịt heo từ nhiều năm nay.

Không phải đợi đến khi dịch tả xảy ra mới điều tiết giá heo

Nói về vai trò của Bộ Công Thương trong việc điều tiết giá thịt heo, mà đặc biệt là thời gian qua giá heo hơi liên tục tăng cao, một số địa phương gần chạm ngưỡng 80.000 đồng/kg, kéo theo thịt heo bán lẻ trên thị trường cũng vượt mốc 200.000 đồng/kg, nhiều loại thịt đắt nhất lên đến 280.000 đồng/kg, ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định đây là nhiệm vụ thường xuyên của Bộ Công Thương, không phải đến khi có dịch thì mới thực hiện điều tiết.

heo heo

Thịt heo tại các chợ dân sinh hiện cao ngất, tối đa lên đến 250.000 đồng/kg sườn rút xương. (Ảnh: Phúc Minh).

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết thịt heo là nhóm hàng hóa có giá đan xen, lên xuống thất thường, nhiều năm qua, Bộ vẫn đảm nhận trách nhiệm điều tiết giá cả thị trường.

"Chúng tôi điều tiết từ lúc chưa có dịch tả, hay ngay cả khi nguồn cung dư thừa thì cũng phải điều tiết. Tôi đánh giá cao khả năng đáp ứng đủ nguồn cung thực phẩm, thịt heo những năm qua", ông Tuấn nói.

Riêng dự báo 3 tháng cuối năm sẽ thiếu hụt hơn 200.000 tấn thịt heo, ông Tuấn cho biết Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp đã đề xuất nhập khẩu, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng đồng thời, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người chăn nuôi.

Về giá heo hơi, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng có hiện tượng giá "ngất ngưởng" cục bộ tại một số địa phương do nguồn cung của các hộ nhỏ lẻ ít. Bộ đã chỉ đạo đưa hàng cung cấp trở lại bình thường.

Đồng thời, ông Hoàng Anh Tuấn thừa nhận có hiện tượng vận chuyển heo qua biên giới qua Trung Quốc để hưởng giá gấp đôi so với trong nước. Trong khi đó, tại biên giới phía Nam, có hiện tượng heo vận chuyển từ Campuchia vào Việt Nam để hưởng mức giá cao trong nước.

"Vụ thị trường hồi tháng 8-9 đã kiểm tra các tỉnh biên giới, cơ quan quản lí thị trường địa phương đã kiểm soát ra vào, nhất là chợ biên giới 2 bên ra vào. Tới đây, các địa phương phải thực hiện nghiêm biên giới chặt ra vào nguồn sản xuất, phục vụ người tiêu dùng", ông Tuấn cho biết.

Hà Nội có gần 200 hộ tái đàn "chui"

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết thêm ngành chăn nuôi heo phải phát triển theo hướng nhu cầu của thị trường, sản xuất theo chuỗi chuất lượng mới mong phát triển bền vững.

Về trước mắt, bên cạnh nhập khẩu thịt nhằm đảm bảo nguồn cung các tháng cuối năm, thì Bộ Nông nghiệp cũng khuyến khích người chăn nuôi tái đàn nhưng không tái đàn ồ ạt làm tăng nguy cơ dịch quay trở lại.

hinh-3-1507802291433

Hà Nội có khoảng hơn 3.500 hộ tái đàn, tổng số heo tái đàn là 290.000 con. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Ông Phạm Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết thành phố có nhu cầu thịt heo cao nhưng dịch tả châu Phi khiến địa phương mất 30% tổng đàn, vì vậy nhu cầu tái đàn của địa phương hiện rất lớn.

"Giá con giống hiện rất đắt, hơn 2 triệu mỗi con. Các hợp tác xã lẫn người chăn nuôi đều rất nôn nóng tái đàn nhưng chúng tôi cho rằng tuyệt đổi phải thận trọng không để dịch quay lại. Nguyên tắc tái đàn là các địa phương qua 30 ngày không phát sinh dịch, đồng thời phải báo cáo chính quyền địa phương. Con giống phải rõ ràng về nguồn gốc, cả nguồn cung trong và ngoài thành phố", ông Thắng nói.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Hà Nội cho biết thêm hiện Hà Nội có khoảng hơn 3.500 hộ tái đàn, tổng số heo tái đàn là 290.000 con. 

Tuy nhiên, qua kiểm tra của cơ quan chức năng thì có 196 hộ tái đàn nhưng không khai báo với tổng đàn hơn 7.500 con.

"Những hộ tự ý tái đàn phải cam kết nếu có dịch thì sẽ không được hỗ trợ, đồng thời, còn bị xử phạt. Hiện đã xử phạt gần 30 triệu đồng vì có trường hợp tái đàn nhưng heo phát sinh dịch tả", ông Thắng cho biết.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Hà Nội cho biết sắp tới đây sẽ tiếp tục kiểm tra tình trạng tái đàn trên địa bàn, để hạn chế tối đa dịch tả heo châu Phi quay trở lại và có nguy cơ xảy ra phức tạp hơn. Việc tái đàn chỉ được thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp, sản lượng thịt heo trong nước giảm khoảng 380.000 tấn, tương đương mức giảm 10% so với năm 2018 do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi xảy ra từ đầu năm đến nay tại 63 tỉnh thành trên cả nước. 

Hiện nhiều địa phương đã công bố hết dịch và Bộ Nông nghiệp cho rằng dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát tốt hơn so với trước, vì vậy, phải thận trọng trong việc tái đàn, vận chuyển heo qua lại biên giới tránh lây lan mầm bệnh.