Giá thịt lợn lên mức 100.000 đồng/kg, dân không còn để bán

Giá thịt lợn hơi tăng phi mã, lên mức 98.000-99.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử, vượt xa mức giá đỉnh điểm trước Tết năm ngoái.

Thương lái sẵn sàng mua 100.000 đồng/kg lợn hơi

Vừa nghe liền 2 cuộc điện thoại, ông Trần Văn Toản ở (Khoái Châu, Hưng Yên) - chủ trang trại lợn hơn 1.000 con lợn thương phẩm và 200 con lợn nái, nói: “Thương lái gọi điện hỏi mua lợn thịt thương phẩm. Gần đây ngày nào tôi cũng nhận vài cuộc gọi như vậy, nhưng phải đầu tháng sau nhà tôi mới có lứa lợn đến kì xuất chuồng”.

Ông Toản cho biết giá lợn hơi đang tăng chóng mặt. Đầu tháng 5, ông mới xuất bán lứa lợn gần 200 con với giá 94.000 đồng/kg lợn hơi, nay thương lái đã trả 98.000 đồng/kg.

Chăn nuôi lợn hơn 20 năm nay, ông Toản thấy rằng đây là mức giá cao nhất trong lịch sử và đà tăng có thể chạm mốc 100.000 đồng/kg trong vài ngày tới.

“Nửa đầu năm 2019 thua lỗ nặng, tôi phải phá đàn nái vì giá lợn thương phẩm quá thấp. Lợn đến lứa xuất chuồng không có người mua. Cuối năm ngoái, giá lợn tăng cao nhưng chưa thể bù được khoản lỗ trước đó. Còn từ đầu năm nay đến nay, tôi xuất bán khoảng 600 con lợn. Tiền lời được một khoản khá khá, tôi vừa sắm thêm trang trại rộng 2 mẫu để tăng đàn”, ông khoe.

Giá thịt lợn lên mức 100.000 đồng/kg, dân không còn để bán - Ảnh 1.

Lợn hơi tăng lên mức giá cao nhất trong lịch sử

Đại diện ban quản lí chợ đầu mối gia súc, gia cầm ở Hà Nam cũng thừa nhận giá lợn hơi tại chợ những ngày này đang có xu hướng tăng, trong khi nguồn cung tiếp tục suy giảm.

Sáng 18/5, giá lợn hơi đổ về chợ dao động từ 95.000-97.000 đồng/kg, lợn đẹp đạt mốc kỉ lục 99.000 đồng/kg, vị này cho hay.

Trong khi đó, tại khu vực miền Trung, miền Nam, giá lợn hơi cũng tăng lên mốc 88.000-97.000 đồng/kg tuỳ địa phương.

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, giá lợn hơi xuất chuồng tại Đồng Nai tăng lên mức 95.000-97.000 đồng/kg, ngang ngửa giá lợn hơi tại miền Bắc  - khu vực luôn có giá lợn hơi cao nhất cả nước. Theo ông Đoán, đây là mức giá kỉ lục, chưa bao giờ giá lợn hơi lại cao như vậy.

Năm 2011, ngành chăn nuôi lợn bị khủng hoảng vì dịch lở mồm long móng và dịch lợn tai xanh. Trung tuần tháng 8 năm đó, giá lợn hơi cán mốc 60.000 đồng/kg, nhưng cũng chỉ duy trì được khoảng 1 tuần rồi hạ nhiệt.

Đến cuối năm 2019, dịch tả lợn châu Phi xảy ra dẫn đến thiếu nguồn cung, đẩy giá lợn hơi tăng dựng đứng, đạt mức 92.000 đồng/kg vào trước Tết. Còn bây giờ giá lợn hơi đã đạt mức cao nhất trong lịch sử.

“Như ngày hôm qua, tại Đồng Nai, một số trang trại thương lái sẵn sàng trả giá 100.000 đồng/kg lợn hơi nhưng vẫn khó mua”, ông nói.

Phải cuối năm giá thịt lợn mới hạ nhiệt

Ghi nhận của PV. VietNamNet, giá thịt lợn tại các chợ truyền thống hiện dao động từ 165.000-250.000 đồng/kg tuỳ loại, còn tại hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội có giá từ 160.000-320.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn lên mức 100.000 đồng/kg, dân không còn để bán - Ảnh 2.

Nếu kiểm soát tốt dịch bệnh, việc tái đàn tăng nhanh thì cuối năm nay sẽ giải quyết được tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Trả lời về việc giá thịt lợn neo quá cao tại cuộc họp báo thường kì của Bộ Công Thương mới đây, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng bản chất vấn đề nằm ở cung - cầu. Theo đó, nguồn cung thịt lợn cho thị trường nội địa đang thiếu khoảng 20%. Để xử lí tận gốc, cần giải quyết được bài toán về nguồn cung. Trong đó, phương án được ưu tiên là tái đàn và phương án còn lại nhập khẩu.

Song, tái đàn thì không phải một lúc có thể bù đắp được lượng thiếu. Sớm nhất cuối năm nay, lượng lợn cung cấp ra mới tương đương như khi chưa có dịch tả lợn châu Phi, ông Đỗ Thắng Hải cho hay.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, các địa phương đang đẩy mạnh tái đàn lợn. 4 tháng đầu năm nay, việc tái đàn, tăng đàn đã đáp ứng 80%, song tổng lượng vẫn đang thiếu.

Muốn giải quyết vấn đề cung cầu đưa giá thịt lợn về mức hợp lí, theo Bộ trưởng, cần tái đàn, tăng đàn lợn theo hướng bền vững, an toàn.

Hiện tốc độ tái đàn, tăng đàn ở các doanh nghiệp chăn nuôi lớn rất nhanh. Nhưng muốn khôi phục đàn lợn bằng con số trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi thì quý III và quý IV năm nay toàn ngành phải cố gắng. Nếu tái đàn ồ ạt mà không chú ý đến biện pháp an toàn sinh học thì dịch bệnh có thể tái phát. Lúc đó nguồn cung thịt lợn chưa thể trở lại trạng thái cân bằng, ông nhấn mạnh.

Gần đây, Bộ NN-PTNT đang khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu lợn giống bố mẹ về để sản xuất con giống phục vụ việc tái đàn, tăng đàn. Sau khi nhập về 4-5 tháng lợn giống bố mẹ mới bước vào thời kỳ sinh sản. Do đó, việc khan hiếm con giống, thiếu hụt nguồn cung thịt lợn vẫn chưa thể giải quyết dù lượng thịt nhập khẩu về từ đầu năm đã tăng tới 300%.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.