‘Giá trị đầu tư bất động sản thương mại của Việt Nam có thể lên tới hàng chục tỷ USD’

Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng bất động sản thương mại là ‘gã khổng lồ vô hình’ mà thị trường cần phải tập trung phát triển trong thập kỷ tới.

Thời gian gần đây, tin tức trên thị trường bất động sản chủ yếu xoay quanh lĩnh vực nhà ở với việc giảm thanh khoản, tác động của siết tín dụng, trái phiếu, lãi suất. Trong khi đó, có một mảng bất động sản rất lớn khác, kém ồn ào hơn và có phần độc lập với sự thăng trầm của bất động sản nhà ở. Đó là thị trường bất động sản thương mại. 

Theo Cushman & Wakefield, bất động sản thương mại là dòng bất động sản tạo ra dòng tiền, bao gồm các loại tài sản như tòa nhà văn phòng, dãy căn hộ cho thuê với ít nhất năm phòng, cửa hàng, cửa hiệu, mặt bằng bằng bán lẻ, khách sạn và nhà hàng, khu vực phục vụ sản xuất, kho bãi, trung tâm chăm sóc sức khỏe, bệnh viện, nhà dưỡng lão, trường học, trung tâm đào tạo,...

“Nhìn vào tháp nhu cầu bất động sản của Cushman & Wakefield, có thể thấy các nhu cầu từ cơ bản đến nâng cao của con người đều phải gắn liền với bất động sản. Chúng tôi ước tính giá trị đầu tư bất động sản thương mại của Việt Nam có thể lên tới hàng chục tỷ USD để phục vụ cho các nhu cầu của đô thị”, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết.

 Tháp nhu cầu bất động sản thương mại.(Nguồn: Cushman & Wakefield).

Thị trường bất động sản thương mại tại Việt Nam vẫn còn khá non trẻ và chỉ tập trung chủ yếu tại TP HCM và Hà Nội. Tỷ trọng dân số tại Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới với gần 100 triệu người, theo báo cáo từ World Bank. Tỷ lệ đô thị hoá toàn quốc cũng đạt mức trên 40%, theo Bộ Xây dựng. Trong khi đó, các thành phố hàng năm cũng đón số lượng lớn dân nhập cư và sự nổi lên của thế hệ bùng nổ nối tiếp (Millennials và Generation Z). 

Đơn cử, với thị trường văn phòng, tổng nguồn cung văn phòng hạng A tại TP HCM và Hà Nội đạt khoảng 820 nghìn m2. Con số này đang thấp hơn nhiều lần so với các thị trường văn phòng trong khu vực như Tokyo (khoảng 10 triệu m2), Seoul (4,3 triệu m2) hay Singapore (2,6 triệu m2).

“Nhà đầu tư thường hỏi ‘thời điểm tốt để đầu tư bất động sản thương mại là khi nào?’. Và câu trả lời của tôi là ‘ngay bây giờ, nếu bạn đang tiếp cận đúng loại bất động sản tại Việt Nam với mức giá hợp lý”, bà Trang Bùi nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, bà Trang lưu ý, hầu hết các bất động sản thương mại đều có vòng đời trung bình nhất định. Khi vượt quá tuổi thọ được định sẵn đó, giá trị của tài sản sẽ giảm dần và lỗi thời. 

Ví dụ, một tòa nhà văn phòng được xây dựng với tuổi đời quá cao có thể sẽ chưa lắp đặt hệ thống Internet tốc độ cao hoặc các thiết bị thông minh tân tiến. Chính vì thế, nhiều công ty công nghệ, nhóm khách thuê lớn trong những năm gần đây, không thể chọn đặt văn phòng tại các tòa nhà lỗi thời này dù ở vị trí đắc địa.

Bên cạnh đó, việc thiếu các chính sách ưu đãi là một trong những trở ngại lớn nhất cho tốc độ phát triển của bất động sản thương mại tại Việt Nam. Các nhà đầu tư và chủ đầu tư cần nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ về các vấn đề liên quan đến pháp luật và thuế.

Chuyên gia của Cushman & Wakefield nhận định việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch hơn sẽ đóng vai trò như một chất xúc tác để thúc đẩy nhanh tiến độ phát triển bất động sản thương mại của Việt Nam.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.