Giữa đại dịch, giới công sở Nhật được làm những việc chưa từng có

Những nhân viên công sở chăm chỉ Nhật Bản chưa từng dám phá vỡ quy củ cho đến khi đại dịch đến. Họ cảm thấy làm việc từ xa có nhiều thuận lợi hơn là cố gắng thể hiện trước mặt sếp.

Cho đến vài tuần trước, Tsutomu Okada vẫn không thể tưởng tượng được sẽ có ngày ông vừa làm việc vừa nghe vợ và con gái trò chuyện, hay trao đổi với đồng nghiệp qua màn hình máy tính.

Nhưng ở Nhật Bản, cũng như ở các nơi khác trên thế giới, đại dịch Covid-19 đã buộc ngay cả những công ty cứng nhắc nhất phải suy nghĩ lại về cách hoạt động ngay tại đất nước chưa từng ủng hộ ý tưởng làm việc tại nhà.

Giữa đại dịch, giới công sở Nhật được làm những việc chưa từng có - Ảnh 1.

Đại dịch đã thay đổi thói quen của dân công sở Nhật. (Ảnh: Alamy).

“Thường thường, tôi mất một tiếng cả đi lẫn về, nên tôi rất vui vì tôi không phải làm điều đó trong thời điểm hiện tại”, ông Okada gần 50 tuổi nói. “Việc tổ chức các cuộc họp trực tuyến không còn là vấn đề”.

Làm việc từ xa không phải công việc thực sự

Ông Okada là nhân viên của một công ty lớn ở Tokyo. Ông bắt đầu được làm việc tại nhà hai ngày một tuần từ cuối tháng 2, và chuyển sang toàn thời gian từ cuối tháng 3, khi các ca nhiễm Covid-19 ở thủ đô tăng mạnh.

Công ty của ông với hơn 40.000 nhân sự đã lên kế hoạch cho nhân viên làm ở nhà trong vài tháng, để giảm bớt tắc nghẽn giao thông trong thời điểm diễn ra Thế vận hội Tokyo. Đến nay, đại hội thể thao đã bị dời lại một năm vì dịch bùng phát trên toàn thế giới.

“Tất nhiên, thi thoảng tôi vẫn phải lên văn phòng, nhưng về cơ bản mọi người tiếp tục làm việc từ xa”, ông Okada nói rằng khoảng 80% đồng nghiệp đang làm việc từ xa.

Đại dịch buộc các công ty Nhật thay đổi cách hoạt động theo đúng như khuyến cáo chính phủ đã đưa ra trong vài năm qua.

Động lực của nó là hi vọng với giờ làm việc ít hơn, nhiều phụ nữ sau khi sinh con có thể trở lại làm việc, hay đàn ông sẽ làm việc nhà và chăm sóc con cái nhiều hơn, theo Guardian.

Trước đại dịch, rất ít công ty làm theo lời khuyên của chính phủ. Một khảo sát năm ngoái cho thấy 19% các công ty cho nhân viên chọn làm việc từ xa, nhưng chỉ 8,5% làm như vậy.

Sự phản đối làm việc tại nhà bắt nguồn từ văn hóa doanh nghiệp coi trọng việc nhân viên có mặt tại nơi làm việc, thường là để vắt kiệt sức trong nhiều giờ và để thể hiện lòng trung thành của họ.

“Người Nhật vẫn có quan niệm là làm việc từ xa không phải công việc thực sự, bởi vì bạn không ngồi trong văn phòng”, Haruka Kazama, nhà kinh tế từ viện nghiên cứu Mizuho, cho biết.

Giữa đại dịch, giới công sở Nhật được làm những việc chưa từng có - Ảnh 2.

Nhà hàng Nhật Bản không một bóng người ở quận nổi tiếng sầm uất Ginza của Tokyo hôm 2/4. (Ảnh: Reuters).

Các công ty lớn bắt đầu thay đổi

Trong khi Nhật Bản tránh được sự bùng nổ số ca nhiễm và tử vong so với Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, thì dịch bệnh đang là thử trách với hình ảnh truyền thống của dân công sở, những người thường ăn vận chỉnh tề trong bộ vest và làm việc mệt mỏi đến nỗi ngủ quên trên tàu đi làm về.

“Tình hình (dịch bệnh) đã dồn các công ty ‘vào đường cùng”’, ông Kazama nói. “Họ buộc phải cho nhân viên của mình lựa chọn làm việc từ xa”.

Đến nay, Nhật Bản đã ghi nhận 2.617 ca nhiễm, 63 người tử vong vì Covid-19. Toàn cầu có hơn 1 triệu người nhiễm và hơn 53.000 người tử vong.

Ngay sau khi Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi bố trí giờ đi làm lệch nhau và cho làm việc từ xa vào cuối tháng 2, một thăm dò chỉ ra rằng gần 70% các công ty đã tiến hành cho việc làm từ xa hoặc đang lên kế hoạch cho điều này.

Gã khổng lồ điện máy Hitachi đã cho 50.000 nhân viên tại trụ sở Tokyo làm việc từ xa. Công ty quảng cáo Dentsu có trụ sở ở Tokyo đã yêu cầu 5.000 nhân viên làm việc tại nhà vì một người dương tính với virus corona.

Daiwa Securities với khoảng 10.000 nhân sự đã cho nhân viên có con nhỏ làm việc ở nhà.

Cơ hội cân bằng lại cuộc sống

Đại dịch cũng là cơ hội để giới công sở cân bằng lại cuộc sống.

Yuki Sato, nhân viên văn phòng ở Tokyo, đã biến nhà mình thành nơi làm việc, chia sẻ không gian chung với vợ và hai con nhỏ. Làm việc tại nhà đồng nghĩa với việc anh không phải đi một quãng đường dài và có nhiều thời gian hơn cho con cái khi trường học của chúng bị đóng cửa.

“Tôi cũng có thể tắm cho chúng vào buổi tối, điều mà trước đây tôi không thể làm được vì chưa bao giờ về nhà trước 8 giờ tối”, ông Sato, nhân viên công ty khởi nghiệp làm việc tại nhà từ tháng 2, nói với AFP. “Trải nghiệm này đã thay đổi hoàn toàn quan niệm của tôi về làm việc từ xa”.

Xu hướng làm việc từ xa đã làm tăng doanh thu cho các mặt hàng như webcam và tai nghe. Việc ký kết văn bản cứng nhắc với nhiều con dấu rắm rối ngay trong thời đại số đã phải thay đổi.

Giữa đại dịch, giới công sở Nhật được làm những việc chưa từng có - Ảnh 3.

Người đàn ông đeo khẩu trang tại con phố đi bộ mua sắm và vui chơi vắng bóng người ở quận nổi tiếng sầm uất Ginza của Tokyo hôm 2/4. (Ảnh: Reuters).

Mariko Kitano, làm việc cho một hãng sản xuất TV, tin rằng vài tuần qua đã chứng minh rằng phương thức làm việc linh hoạt hơn sẽ được tiếp tục ngay cả khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh lắng xuống.

“Vẫn có khi bạn phải lên văn phòng, nhưng khoảng 80% đồng nghiệp của tôi đã làm việc tại nhà kể từ cuối tháng 2”, cô nói. “Tôi sống một mình nên thấy rằng việc này thực sự hữu ích. Tôi vẫn đáp ứng thời gian làm việc và có thể đi làm việc khác như giặt đồ hoặc ra ngoài ngay sau khi kết thúc”.

Tuy nhiên, vẫn có đôi lúc làm việc từ xa không thể thay thế cho gặp mặt trực tiếp, cô Kitano nói thêm. “Tôi hướng dẫn cho các đồng nghiệp cấp dưới và thỉnh thoảng tôi thấy nản lòng khi không thể nhìn thấy những gì họ làm và đưa ra lời khuyên”.

“Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng có thể quay lại cách làm việc trước đây dù quan điểm truyền thống ở Nhật Bản là bạn chỉ có thể chứng minh năng lực bản thân bằng cách làm việc chăm chỉ trước mặt sếp. Vài tuần qua đã chứng minh rằng làm việc từ xa có quá nhiều thuận lợi”.

* Tên các nhân vật đã được thay đổi theo nguyện vọng của họ.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.