Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me vừa công bố khảo sát về tình hình sử dụng dịch vụ giao thức ăn nhanh tại Việt Nam trong thời kì cao điểm đại dịch Covid-19. Khảo sát thực hiện trên 840 người tại TP HCM và Hà Nội vào tháng 4/2020, nhằm tìm hiểu xu hướng mới nhất của các dịch vụ giao hàng, cũng như nhu cầu đã tăng lên như thế nào trong lúc đại dịch hoành hành.
Q&Me nhận xét: "Dịch vụ giao thức ăn tại Việt Nam đã tăng mức độ phổ biến hơn nữa do sự cách li xã hội của Covid-19". Trong số hàng trăm người được hỏi, 1/4 người cho biết đã từng sử dụng qua dịch vụ giao thức ăn. Trong đó có đến 24% người dùng lần đầu tiên sử dụng dịch vụ trong giai đoạn cao điểm đại dịch Covid-19.
Với 75% người được hỏi đã từng sử dụng dịch vụ giao thức ăn, có đến 70% cho biết nhu cầu sử dụng dịch vụ của họ đã tăng trong thời gian qua. Con số này dễ dàng được giải thích khi có đến 58% người được hỏi giải thích họ chọn dịch vụ giao thức ăn để an toàn trong thời điểm có dịch.
Ngoài ra, lí do lớn nhất để người tiêu dùng lựa chọn dịch vụ là tiết kiệm thời gian di chuyển. Nhiều người còn cảm thấy dịch vụ này tiện dụng, vì có thể lựa chọn đa dạng món ăn và thường xuyên nhận được các chương trình khuyến mãi, giảm giá.
Về phương thức sử dụng dịch vụ, ứng dụng giao thức ăn là sự lựa chọn hàng đầu của người dân hai thành phố lớn. Trong khi có đến 95% người được hỏi tại TP HCM ưu tiên sử dụng ứng dụng giao thức ăn, thì 87% người được hỏi tại Hà Nội thường đặt thức ăn qua mạng xã hội hoặc gọi điện.
Ứng dụng giao thức ăn được ưu ái hơn hẳn là do phần lớn người tiêu dùng đều hài lòng với mức phí giao hàng đang áp dụng. Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, các nền tảng hầu như không tăng mức phí này, mà còn tung thêm nhiều khuyến mãi miễn phí giao hàng rầm rộ.
Tuy nhiên, đối với những người đặt trên ứng dụng của chính các đơn vị cung cấp thức ăn, họ lại cảm thấy an tâm hơn về chất lượng và giá thành sản phẩm. Do thực hiện và giao hàng đều từ một mối, nên ứng dụng của chính các đơn vị cung cấp thức ăn có thời gian giao hàng nhanh hơn rất nhiều.
Có 25% người được hỏi cho biết hoàn toàn không sử dụng dịch vụ giao thức ăn. Trong đó, có đến 66% giải thích họ có thể tự nấu ăn. Còn lại, đa số người tiêu dùng lo ngại về chất lượng thức ăn và chi phí giao hàng.
Xét riêng về các ứng dụng giao thức ăn, theo khảo sát, có đến 79% người tiêu dùng xác nhận họ sử dụng ít nhất 1 lần mỗi tuần. Tần suất dễ bắt gặp nhất là 1-2 lần/tuần và 3-4 lần/tuần.
"Giờ vàng" để các ứng dụng giao thức ăn hốt bạc là buổi ăn trưa và thời điểm nghỉ giữa buổi chiều.
80% người được hỏi hài lòng về các ứng dụng giao thức ăn, phần nhiều là do chất lượng phục vụ tốt và thời gian giao hàng nhanh. Với những người không hài lòng, phí giao hàng cao là yếu tố cản trở lớn nhất.
Về các chiêu thức khuyến mãi, khảo sát của Q&Me cho rằng cả voucher giảm giá hay mã miễn phí giao hàng đều mang lại hiệu quả trong việc thu hút người sử dụng. 67% người tiêu dùng ưu ái lựa chọn các cửa hàng có mã giảm giá. Nhưng mã miễn phí giao hàng vẫn có sức hấp dẫn hơn khi con số này là 85%.
Cuối cùng, Q&Me đưa ra bảng xếp hạng các ông hoàng trong lĩnh vực ứng dụng giao thức ăn. Quán quân thuộc về GrabFood với 79% người được hỏi cho biết thường xuyên chọn nền tảng này sử dụng. Tiếp theo là Now, khi hơn 1/2 người tiêu dùng ưu ái. Các nền tảng thắng thế còn lại, lần lượt là GoFood, Baemin và Loship.
So với các đối thủ còn lại, Grab có lợi thế cạnh tranh mạnh nhất là ví điện tử GrabPay được tích hợp trực tiếp vào siêu ứng dụng. Now cũng có "người anh em" AirPay hỗ trợ, nhưng ví điện tử này hoạt động độc lập, tính tích hợp chưa cao.
Thực tế, theo báo cáo của riêng Grab Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy một bộ phận người dân lần đầu tiên tiếp cận với các phương thức thanh toán trực tuyến. Theo dữ liệu của Moca, đối tác chiến lược của Grab, số người dùng lần đầu tiên thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab vào tháng 3/2020, đã tăng đến 22,5% so với tháng trước đó.
Cũng theo đối tác Moca, nhìn trên tổng thể hệ sinh thái Grab, trong thời kì cao điểm đại dịch, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên toàn bộ nền tảng Grab chiếm đến 43%.
Thế nhưng, nền tảng giao thức ăn này của Grab lại vướng phải lùm xùm xoay quay việc thu thêm "phí dịch vụ" ngay trong thời kì dịch Covid-19. Mỗi đơn hàng GrabFood sẽ tăng thêm 2.000 đồng do Grab triển khai "phí dịch vụ".
Chưa hết, Grab còn thu thêm "phí đơn hàng nhỏ" là 3.000 đồng (tại HN, TP HCM) và 2.000 đồng (tại các tỉnh/thành phố khác) nếu như đơn có giá trị tiền hàng (chưa bao gồm phí giao hàng) dưới 50.000 đồng.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020