Hà Nội bàn cách cho học sinh trở lại trường an toàn

Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết nếu không có gì thay đổi, học sinh sẽ đi học trở lại từ ngày 2/3 tới.

Các địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đã báo cáo công tác phòng chống dịch Covid-19 để đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay trở lại học tập tại hội nghị trực tuyến chiều 25/2.

Tại cuộc họp, nhận định về tình hình, ông Kiều Cao Trinh, Phó Trưởng phòng Chính trị tư trưởng (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, hiện, tại Trung Quốc, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới không ổn định và số ca tử vong vẫn ở mức cao. Nguy cơ dịch lan rộng tại các nước ngoài Trung Quốc là hiện hữu, đặc biệt là tại một số quốc gia khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng gia tăng và đã ghi nhận những ca tử vong. Tại Việt Nam, số lượng mắc Covid-19 duy trì 16 trường hợp, từ ngày 13/2 đến nay chưa ghi nhận ca nhiễm mới.

Tuy nhiên, ông Trinh cho rằng không vì thế mà Hà Nội chủ quan và cần có sự chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Hà Nội bàn cách cho học sinh trở lại trường an toàn - Ảnh 1.

Đây là lần thứ 2 Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến bàn công tác phòng chống covid-19 với sự góp mặt của các phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường trên địa bàn.

Là địa phương rất gần với tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Thế Đại, Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Sơn Tây cho biết, ngoài việc tuyên truyền các biện pháp chống dịch, phòng đã chỉ đạo các nhà trường thường xuyên kết nối với phụ huynh để theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh trong suốt thời gian nghỉ. Cùng đó, chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất để đón học sinh đi học trở lại. Hiện, địa phương đã tiến hành khử khuẩn đối với tất cả các trường trên địa bàn.

“Trước đó, trong thời gian từ 2/2 cho đến 14/2, chỉ duy nhất một trường hợp một phụ huynh của học sinh tiểu học đi từ Vũ Hán về. Chúng tôi đã phối hợp với y tế địa phương, có biện pháp cách ly và đến thời điểm này, sức khỏe của các học sinh đều bình thường”, ông Đại nói.

Theo bà Trần Thị Lan, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng GD-ĐT huyện Mê Linh, do huyện giáp Vĩnh Phúc nên nhiều trường tiểu học và THCS trên địa bàn có số học sinh Vĩnh Phúc chiềm lượng lớn. Để đảm bảo phòng chống dịch, ngày 24/2, phòng đã phối hợp với trung tâm y tế huyện tham mưu UBND huyện mua 1.368 máy đo thân nhiệt, 6.800 chai nước rửa tay khô cho các nhà trường. Các nhà trường tập huấn cho 100% giáo viên, cán bộ, nhân viên nhận biết các dấu hiệu của bệnh để xử lý kịp thời khi phát hiện.

Trưởng phòng GD-ĐT quận Nam Từ Liêm cho hay đây là địa bàn có lượng người nước ngoài tập trung tương đối đông với 1.320 người làm việc tại các cơ sở giáo dục. Trong đó, giáo viên là 200 người, chủ yếu là người Nhật (37 người), người Hàn Quốc (20). Số học sinh người nước ngoài là 970, trong đó, người Nhật là 520 em, Hàn Quốc 200, Trung Quốc 21… Vì vậy, phòng đã phối hợp chặt chẽ với công an quận để điều tra, rà soát số cán bộ, giáo viên, nhân viên đi về từ vùng dịch hoặc có yếu tố nước ngoài. Đến nay, cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục quận Nam Từ Liêm chưa có trường hợp nào đáng tiếc xảy ra.

Phòng cũng yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo và triển khai thực hiện các phương pháp phòng chống dịch hằng ngày. “Qua kiểm tra giám sát, các trường thực hiện rất nghiêm túc việc khử khuẩn theo định kì và có sự kết nối thông tin chặt chẽ với các phụ huynh học sinh”.

Hiện các trường và các nhóm trẻ đã có 650 nhiệt kế điện. “Chúng tôi tiếp tục tham mưu với quận, đối với khối công lập sẽ trích ở tiền chi thường xuyên để bảo đảm cho mỗi lớp có 1 nhiệt kế điện tử. Với các trường ngoài công lập, thực hiện việc này bằng nguồn kinh phí của nhà trường”.

Còn Phòng GD-ĐT huyện Đan Phượng cho biết đã thành lập 8 đoàn kiểm tra toàn bộ các trường trên địa bàn. Trưởng phòng GD-ĐT Bùi Thị Thu Hằng cho hay đã yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch thành lập tổ công tác để giám sát việc thực hiện vệ sinh, khử khuẩn, tuyên truyền nghiêm túc.

“Chúng tôi yêu cầu các trường trong tuần này thực hiện việc vệ sinh khử khuẩn lần thứ 5. Các ngày vệ sinh khử khuẩn, Đan Phượng huy động rất nhiều phụ huynh đến cùng giúp đỡ với nhà trường”,

Các trường cũng được yêu cầu chuẩn bị đầy đủ nhiệt kế và cố gắng mỗi lớp có một nhiệt kế điện tử. “Các trường học ở Đan Phượng hiện có tổng 1.100 lớp. Hiện, chúng tôi đã huy động chuẩn bị được 600 nhiệt kế điện tử, phấn đấu đến Thứ 6 tuần này sẽ đạt 100% số lớp được trang bị thiết bị này”.

Ngoài ra, phòng GD-ĐT Đan Phượng cũng yêu cầu các trường lắp thêm vòi nước để học sinh rửa tay, đảm bảo tối thiểu 2 lớp có 1 vòi.

Trong tuần này, phòng GD-ĐT Đan Phượng cũng yêu cầu các trường tổ chức mời y tế của xã và huyện tập huấn cho toàn thể cán bộ giáo viên và nhân viên những việc cơ bản, cần thiết để có thể hướng dẫn học sinh khi đến trường. “Chúng tôi cũng yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm mỗi lớp đều có một quyển sổ để theo dõi sức khỏe học sinh”.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, Thứ Bảy và Chủ nhật tuần này, 83 cơ sở giáo dục trên địa bàn sẽ phun thuốc khử trùng. “Huyện cũng thành lập ban chỉ đạo đi kiểm tra các cơ sở giáo dục. Đơn vị nào thực hiện tốt, đúng quy định thì chúng tôi cho phép đón trẻ. Còn ngược lại, chúng tôi sẽ thông báo không cho phép đón trẻ và xem xét kỷ luật đối với cán bộ quản lý của trường đó. Với những trường hợp này, ban chỉ đạo của huyện sẽ trực tiếp chỉ đạo việc vệ sinh để đón trẻ đảm bảo đúng quy định”.

Ông Hồng cho biết, các trường sẽ chuẩn bị thêm các bồn rửa nước và xà phòng để học sinh trước khi vào trường, lên lớp phải vệ sinh.

Còn theo ông Nguyễn Khắc Thắng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quốc Oai, tính đến thời điểm tại, huyện đã tổ chức tổng vệ sinh, khử khuẩn với 100% các cơ sở giáo dục với khoảng 8 tạ hóa chất.

Quốc Oai cũng cập nhật thường xuyên số lượng phụ huynh, học sinh về từ vùng dịch. Đến nay, tổng số người được theo dõi là 34 và hiện chỉ còn 7 người trong diện tạm cách li. Trong đó có 6 người đến từ Vĩnh Phúc, 1 người từ Hàn Quốc mới về”.

Hiện, phòng GD-ĐT huyện Quốc Oai đã bằng nhiều kênh để nắm bắt thông tin từ phụ huynh, học sinh để báo cáo cho trung tâm y tế nhằm phối hợp triển khai cách ly đối với những trường hợp nghi ngờ hoặc đến từ vùng dịch.

Hà Nội bàn cách cho học sinh trở lại trường an toàn - Ảnh 2.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ những thông tin tới các nhà trường, giáo viên. (Ảnh: Thanh Hùng)

Nhiều địa phương bày tỏ thực tế khó khăn trong việc mua đủ mỗi lớp một nhiệt kế điện tử như chỉ đạo của UBND TP bởi số lượng lớp học là quá lớn.

Về việc này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho hay “kể cả có tiền nhưng chưa chắc đã mua được một lúc với số lượng lớn bởi ngoài thị trường không có đủ”. Do đó, các nhà trường cần linh hoạt, không quá máy móc, làm sao vẫn giám sát, theo dõi được sức khỏe của học sinh. “Không có máy đo điện tử thì chúng ta có thể sử dụng nhiệt kệ cặp nách, vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phát hiện, nhận thấy thân nhiệt của trẻ có dấu hiệu sốt”, ông Hạnh nói.

Đồng quan điểm, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho rằng, trong tình hình thực tế, khó có thể đáp ứng được số lượng nhiệt kế điện tử lớn. Do đó cần linh hoạt trong việc kiểm soát được nhiệt độ cơ thể học sinh để phát hiện ra học sinh có thân nhiệt cao.

Hà Nội bàn cách cho học sinh trở lại trường an toàn - Ảnh 3.

Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ tại cuộc họp. (Ảnh: Thanh Hùng)

Ông Dũng cho hay, nếu không có gì thay đổi, ngày 2/3 tới đây, học sinh Hà Nội sẽ quay trở lại trường học. Nếu vậy, phải tổ chức khử khuẩn vệ sinh lớp sau khi học sinh tan học. Tổ chức cho các học sinh chào cờ ngay trong lớp học để hạn chế việc tập trung đông người. Bố trí giờ giải lao giữa tiết học, ăn bán trú các khối lớp lệch giờ, không tập trung vào một thời gian.

Ông Dũng cũng đề nghị trước ngày Thứ 6 tuần này 28/2, tất cả các trường học, nhóm trẻ triển khai tập huấn đến 100% cán bộ giáo viên, nhân viên công tác phòng covid-19 khi học sinh quay trở lại. “Yêu cầu các đơn vị đều phải có Ban chỉ đạo cấp cơ sở, phân công rõ trách nhiệm và quán triệt đến từng thành viên thực hiện các công việc gì. Với giáo viên chủ nhiệm, hằng ngày tiếp nhận, đón học sinh như thế nào, đo thân nhiệt ra sao, rồi khi phát hiện học sinh có thân nhiệt cao hơn bình thường thì chuyển đến các đơn vị y tế ra sao. Tất cả phải được phân vai một cách cụ thể, gắn trách nhiệm sau này”, ông Dũng nói.

“Chúng ta không chủ quan được bởi mức độ lây lan của covid-19 rất nhanh. Trong khi quy mô trường học lớn. Không cận thận, sơ suất có thể sẽ phải nhận hậu quả khôn lường”.

Ông Dũng cũng yêu cầu bộ phận thường trực các trường đôn đốc việc xây dựng và phân công công việc cụ thể, có kịch bản chi tiết để giáo viên biết được công việc của mình. Cha mẹ học sinh biết để cùng phối hợp. “Tôi tin nếu làm được như vậy thì cha mẹ học sinh sẽ yên tâm hơn rất nhiều, mà công việc của các giáo viên cũng được an toàn hơn”, ông Dũng nói.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.