Hà Nội phát triển mới 19,69 triệu m2 nhà ở thương mại đến 2025

Theo Dự thảo Chương trình phát triển nhà ở, TP Hà Nội đặt mục tiêu phát triển mới khoảng 19,69 triệu m2 sàn nhà ở thương mại đến 2025; căn hộ có diện tích tối thiểu 40 m2/căn hộ.

Tại Hội nghị lần thứ 8 BCH Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn đã trình bày Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố về dự thảo Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, theo báo Kinh tế và Đô thị

Hà Nội phấn đấu phát triển phát triển mới 19,69 triệu m2 nhà ở thương mại đến 2025. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Theo Tờ trình, thành phố xác định phát triển đa dạng các loại hình nhà ở. Trong đó chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhằm giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở. Đồng thời phát triển đô thị bền vững, hiện đại, góp phần đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Mục tiêu đến năm 2025, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố phấn đấu đạt 29,5 m2/người, trong đó khu vực đô thị đạt 31 m2/người và khu vực nông thôn đạt 28 m2/người.

Trong đó, về nhà ở xã hội, mục tiêu phát triển mới 1,25 triệu m2 sàn, chuẩn bị đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật.

Thành phố cũng sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch để bố trí, quy hoạch bổ sung quỹ đất đề đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ các thiết chế công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp. 

Tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu theo quy định của Trung ương, nhà ở cho - thuê mua phải đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án.

Về nhà ở tái định cư, mục tiêu phát triển mới khoảng 0,565 triệu m2. Thành phố thực hiện mua nhà ở thương mại làm nhà ở tái định cư bằng nguồn vốn từ ngân sách, trong đó ưu tiên đối với quỹ nhà đang thực hiện cơ chế đặt hàng mua nhà ở thương mại làm nhà ở phục vụ tái định cư; thực hiện thí điểm mô hình xây dựng nhà ở xã hội làm nhà ở phục vụ tái định cư.

Về nhà ở thương mại, mục tiêu phát triển mới khoảng 19,69 triệu m2 sàn; căn hộ có diện tích tối thiểu 40 m2/căn hộ. Thành phố sẽ rà soát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang triển khai và ưu tiên triển khai cải tạo, xây dựng lại 6 khu có nhà nguy hiểm cấp D. Tiếp tục cải tạo, chỉnh trang nhà ở, khu phố cũ. 

Về nhà ở riêng lẻ, phát triển mới khoảng 22,5 triệu m2 sàn (khoảng 4,5 triệu m2 sàn/năm).

Trong giai đoạn này, thành phố cũng sẽ tập trung xóa bỏ nhà tạm, nhà đơn sơ tại các khu nhà “ổ chuột” khu vực chân cầu, dọc theo ven các sông, kênh trên địa bàn thành phố. Phấn đấu tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn thành phố đạt 90%, trong đó khu vực đô thị đạt 95%, khu vực nông thôn đạt 85%.

Mục tiêu đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố đạt 32 m2 sàn/người, trong đó khu vực đô thị đạt 33 m2/người và khu vực nông thôn. Phát triển mới khoảng 5,55 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Trong đó, triển khai đầu tư xây dựng 1 - 2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và chuẩn bị đầu tư đối với các khu còn lại. 

Về nhà ở tái định cư, thành phố đặt mục tiêu phát triển mới khoảng 1,3 triệu m2 sàn nhà ở. Nhà ở thương mại phát triển mới khoảng 15,19 triệu m2. Thành phố triển khai cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ. Về nhà ở riêng lẻ, thành phố phát triển mới khoảng 22,5 triệu m2 sàn (khoảng 4,5 triệu m2 sàn/năm)….

Về quy hoạch xây dựng, kiến trúc và đất đai, Hà Nội xác định đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị TP Hà Nội…

Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030 sau khi được Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII cho ý kiến, hoàn thiện, sẽ được trình HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.