Mùa báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) quí II/2019 ghi nhận nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận tăng đột biến, gấp nhiều lần so với cùng kì. Điển hình như Tổng công ty Phát điện 3 (PGV) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí II/2019 với lãi ròng gấp 5 lần cùng kì năm 2018, đạt 30 tỉ đồng, cho dù doanh thu thuần chỉ tăng 14%.
Theo PGV, lãi ròng quí II/2019 tăng mạnh do sản lượng điện thương phẩm tăng 106 triệu kWh so với cùng kì năm 2018.
Nhiều doanh nghiệp trên sàn HOSE công bố báo cáo tài chính lãi trong quí II/2019. (Ảnh: Thành Hoa).
Hay Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG) cũng ghi nhận lãi ròng gần 173 tỉ đồng trong quí II/2019, nâng lãi lũy kế 6 tháng lên hơn 380 tỉ đồng, tăng hơn 10 lần so với cùng kì năm 2018. Kết quả này xuất phát từ sự tăng trưởng doanh thu mảng bất động sản và năng lượng.
Một trường hợp khác là Công ty cổ phần Đầu tư LDG (LDG) có lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm nay tăng 12 lần so với cùng kì năm trước, lên 198 tỉ đồng.
Ấn tượng không kém là Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI), công ty này đạt 472 tỉ đồng doanh thu và hơn 23 tỉ đồng lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ, tăng lần lượt 6,9 lần và 3,3 lần so với cùng kì 2018. Riêng trong quí II/2019, VPI lãi ròng gần 20 tỉ đồng, gấp 43 lần so cùng kì nhờ ghi nhận doanh thu tại một số dự án như dự án Thảo Điền, The Terra Hào Nam, The Terra An Hưng...
Dù những kết quả như trên là rất nổi bật nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng đột biến một phần do kết quả kinh doanh cùng kì năm trước không cao hoặc là có quy mô nhỏ, nên khi giá trị tuyệt đối tăng thường kéo theo con số tăng trưởng ở mức rất cao. Do đó, đánh giá tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ tăng trưởng đôi khi là chưa đủ.
Đối lập với bức tranh tăng trưởng là sự sụt giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ lớn của nhiều doanh nghiệp.
Điển hình như Công ty cổ phần Thép Dana - Ý (DNY) lỗ 114,5 tỉ đồng trong quí II/2019, nâng lỗ lũy kế sáu tháng đầu năm lên hơn 171 tỉ đồng - là khoản lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết.
DNY còn đang bị dừng sản xuất kinh doanh vì những lùm xùm quanh vấn đề môi trường. Hay Công ty Thép Việt Ý (VIS) cũng ra báo cáo tài chính bán niên với mức lỗ 66 tỉ đồng trong nửa đầu năm. VIS cho biết sản lượng và giá bán phôi thép trong kì giảm mạnh, trong khi đã mua nguyên liệu giá cao từ trước đó, dẫn đến lỗ lớn.
Tiếp theo là khoản lỗ của tập đoàn Yeah1 (YEG), trong quí II/2019, Yeah1 đạt doanh thu thuần hơn 356 tỉ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí bán hàng được cắt giảm, song chi phí quản lý tăng do phát sinh thêm hơn 87 tỉ đồng dự phòng phải thu khó đòi đã khiến YEG chịu lỗ hơn 101 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm ngoái lãi đến 42 tỉ đồng.
Lũy kế sáu tháng đầu năm 2019 công ty đạt doanh thu thuần gần 743 tỉ đồng và ghi nhận lỗ ròng hơn 94 tỉ đồng.
Các doanh nghiệp như RIC, PXS, VE9 cùng báo lỗ trên 30 tỉ đồng trong quí II/2019. Trong đó, việc tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn khiến Quốc tế Hoàng Gia (RIC) lỗ ròng 34,4 tỉ đồng trong quí II, nâng mức lỗ sáu tháng lên hơn 78 tỉ đồng.
Năm 2019, RIC đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng so với cùng kì, trong đó ước lợi nhuận sau thuế đạt 1,676 triệu đô la, tương đương hơn 38 tỉ đồng.
Tình cảnh khó khăn vẫn tiếp tục diễn ra ở PXS, do phần lớn các dự án đang thực hiện là chuyển tiếp từ năm trước, giá trị không nhiều, dự án lớn như hóa dầu Long Sơn triển khai chậm nên sản lượng, doanh thu không đủ bù đắp chi phí quá lớn như chi phí khấu hao, chi phí quản lý..., khiến PXS lỗ ròng 34 tỉ đồng.
Lũy kế sáu tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của PXS đạt 123,7 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kì nhưng giá vốn ở mức cao nên lỗ ròng trên 50 tỉ đồng. Mục tiêu kinh doanh năm 2019 của PXS là đạt 532 tỉ đồng doanh thu và có lãi 0,7 tỉ đồng.
Hay Công ty VNECO 9 (VE9) báo lỗ tới hơn 32 tỉ đồng trong quí II/2019 và 33,7 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, với nguyên nhân thua lỗ chủ yếu đến từ giá vốn tăng cao do các công trình thi công kéo dài.
Tiếp theo đáng chú ý là Bánh kẹo Hải Hà (HHC), doanh nghiệp bánh kẹo này đã báo lỗ đến gần 17 tỉ đồng - hơn gấp đôi số lỗ cùng kì và cũng là số lỗ lớn nhất từ trước đến nay trong một quí.
Nhờ quí I có lãi, nên lũy kế nửa đầu năm HHC còn lỗ 10,5 tỉ đồng. Với kết quả này, sẽ rất khó để HHC hoàn thành kế hoạch có lãi 57 tỉ đồng trong năm 2019.
Tình cảnh kinh doanh thua lỗ đã được phản ánh trong giá cổ phiếu của hầu hết các doanh nghiệp trên, theo đó đa số những cổ phiếu này đều có mức giá sụt giảm mạnh hoặc nếu không thì lượng giao dịch cũng ở mức rất thấp.
Điển hình phải kể đến là cổ phiếu YEG. Sau sự cố với YouTube, cổ phiếu YEG đã liên tục nằm sàn, vốn hóa bốc hơi hàng nghìn tỉ đồng.
Hiện giá giao dịch của YEG chỉ còn gần 60.000 đồng/cổ phiếu, giảm gần 80% giá trị so với mức giá cao nhất gần 300.000 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, cổ phiếu VIS đã “đo sàn” năm phiên liên tiếp. So với mức giá quanh 26.000 đồng hồi tháng 6, cổ phiếu VIS đã mất hơn 40% giá trị, hiện về quanh mức 13.200 đồng/cổ phiếu.
HHC thì gần như không có thanh khoản nhưng gần đây cũng đã giảm 15%, về mức 110.000 đồng/cổ phiếu.
Chủ đầu tư 08:07 | 17/08/2021
Chủ đầu tư 12:44 | 05/08/2021
Chủ đầu tư 09:21 | 03/08/2021
Chủ đầu tư 12:07 | 02/08/2021
Chủ đầu tư 16:05 | 01/08/2021
Chủ đầu tư 09:44 | 31/07/2021
Chủ đầu tư 06:50 | 31/07/2021
Chủ đầu tư 19:28 | 30/07/2021