Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết các hãng chip gồm Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đã nói với nhân viên rằng họ sẽ không cung cấp linh kiện cho Huawei đến khi có thêm thông báo. Google cũng đã ngừng cung cấp phần cứng và một số dịch vụ phần mềm cho đại gia viễn thông Trung Quốc. Việc này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến doanh số bán điện thoại Huawei ở nước ngoài.
Đây là các động thái đã được dự báo từ lâu, nhằm vào Huawei - hãng cung cấp thiết bị mạng viễn thông lớn nhất và sản xuất smartphone lớn nhì thế giới. Các động thái này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước kí sắc lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông mà Bộ Thương mại coi là rủi ro với an ninh quốc gia. Cùng ngày, Bộ thương mại Mỹ đưa Huawei và khoảng 68 chi nhánh vào danh sách những bên bị cấm mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ, nếu không có sự chấp thuận của chính phủ.
Một khách hàng sử dụng điện thoại của Huawei tại sự kiện ra mắt ở Paris. Ảnh: Bloomberg
Huawei "chủ yếu dựa vào các hãng sản xuất sản phẩm bán dẫn Mỹ và sẽ tê liệt nghiêm trọng nếu không có nguồn cung này", Ryan Koontz - nhà phân tích tại Rosenblatt Securities nhận xét. Intel hiện là hãng cung cấp chip server chính cho Huawei, Qualcomm cung cấp vi xử lí và modem cho smartphone, Xilinx bán chip có khả năng lập trình dùng trong thiết bị mạng. Còn Broadcom bán thiết bị chuyển mạch.
Dù vậy, việc ngừng bán linh kiện cần thiết cho Huawei cũng có thể làm gián đoạn việc kinh doanh của các hãng chip lớn như Micron Technology (Mỹ), cũng như việc triển khai mạng 5G trên toàn cầu. Các công ty Mỹ sẽ chịu thiệt hại, khi họ ngày càng phụ thuộc vào nền kinh tế lớn nhì thế giới. Lệnh cấm của Mỹ "có thể khiến Trung Quốc hoãn xây dựng mạng 5G cho đến khi lệnh này được gỡ. Việc này sẽ có tác động ngược lại đến nhiều nhà cung cấp trên toàn cầu", Koontz cho biết.
Huawei được cho là đã tích trữ đủ chip và các linh kiện cần thiết khác để đảm bảo hoạt động trong ít nhất 3 tháng. Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết Huawei đã chuẩn bị cho tình huống này ít nhất từ giữa năm 2018. Họ vừa tích trữ linh kiện, vừa thiết kế chip riêng. Tuy vậy, các lãnh đạo công ty tin rằng họ chỉ là quân bài trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Vì thế, nếu hai nước đạt thỏa thuận, họ sẽ lại được mua hàng từ Mỹ.
Giới phân tích lo ngại động thái của các công ty Mỹ có thể khiến căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, châm ngòi cho cuộc chiến tranh lạnh kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài đối đầu thương mại với Trung Quốc, Mỹ cũng đang gây sức ép lên các nước khác, ngăn họ sử dụng sản phẩm của Huawei để xây dựng mạng 5G.
"Nếu mảng thiết bị viễn thông của Huawei thất bại, Trung Quốc sẽ bị kéo tụt trong nhiều năm. Họ có thể coi đây là một động thái chiến tranh", Koontz cảnh báo.