Gía đỡ màn hình 1.000 đôla.
Trong sự kiện WWDC 2019 vào hôm thứ Hai, John Ternus, phó giám đốc kỹ thuật phần cứng của Apple nói rằng màn hình cho chiếc Mac Pro mới của hãng với tên gọi là Pro Display XDR có giá lên tới gần 5.000 đôla.
Với những tính năng cao cấp mà nó mang lại, nhiều người cho rằng mức giá trên cho món phụ kiện này là chấp nhận được. Tuy nhiên, ngay sau đó, John Ternus giới thiệu thêm một phụ kiện đi kèm khác, một chân giá đỡ màn hình với mức giá…1.000 đôla.
Với mức giá này, người dùng sẽ có một giá đỡ được trang bị bản lề snazzy, có khả năng lên xuống dễ dàng, thậm chí còn cho phép màn hình lật từ ngang sang dọc.
Và tất cả chỉ có thế! So với cấu trúc bản lề linh hoạt của Microsoft Studio 2, thậm chí nó còn kém xa. Cả một chiếc Microsoft Studio 2 full-option cũng mới dừng lại ở mức giá 3.500 đôla, vậy nhưng chỉ một giá đỡ cho màn hình Mac Pro đã có giá bằng 1/4 thiết bị này.
Đơn giản hơn, với mức giá này, theo trang Gizmodo, người dùng có thể mua được một chiếc iPhone XS mới, hai chiếc TV 4K và ba bộ Nintendo Swich, thậm chí là bằng giá của một chiếc Macbook mới… Sau khi biết được mức giá của giá đỡ này, nhiều người đặt ra câu hỏi: Apple đang nghĩ gì vậy?
Tất nhiên đây không phải là lần đầu tiên Apple định giá sản phẩm của mình cao hơn giá trị thực tế sử dụng gấp nhiều lần. Trong quá khứ, Apple đã ra mắt những sản phẩm có tính năng được cho là "nửa vời", không cần thiết nhưng vẫn được định giá ở mức cao cắt cổ. Và với các fan nhà Táo, mức giá này không có gì là bất ngờ cả.
Nhìn lại Macbook Pro, sau khi Apple quyết định thay các phím chức năng bằng Touch Bar cảm ứng, sau một thời gian dài được ra mắt, nó vẫn chỉ là một tính năng nửa vời, làm chưa tới. Mặc dù thế, Apple vẫn định giá sản phẩm này ở mức cao ngất ngưởng 3.500 đôla.
Với mức giá này, chiếc máy tính xách tay cao cấp nhất của Apple thậm chí chỉ được trang bị một USB-C và giắc cắm tai nghe. Không có bất kỳ khe cắm thẻ nhớ nào mà người dùng chuyên nghiệp thực sự cần và bạn có thể quên HDMI và Ethernet đi được rồi nếu không sử dụng thiết bị chuyển đổi đi kèm.
Với mức giá bằng 1/2 thậm chí là bằng 1/4 Macbook, ở phía bên kia các nhà sản xuất laptop Windows như Dell hay Lenovo đã tạo ra những laptop có thiết kế thực sự bóng bẩy, mạnh mẽ, trang bị đầy đủ cổng kết nối.
Hay ở một sản phẩm khác là iPad Pro, chiếc máy tính bảng hấp dẫn nhất mà Táo khuyết từng sản xuất, sau rất nhiều năm cũng chỉ được coi là một phiên bản của chiếc iPhone phóng to và không thể phục vụ công việc được. Tất nhiên, giá vẫn rất "trên trời".
Và chúng ta không thể quên "thùng rác" Mac Pro trước đó. Một sản phẩm có giá cao nhất trong các thiết bị nhà Táo, được ra đời từ năm 2013 với mức giá 2.000 đôla so với thời điểm 6 năm trước, đây là giá khá đắt đỏ.
Với số tiền này, người dùng nhận được một thiết kế kiểu "thùng rác" mà đến tận bây giờ nó vẫn được lấy ra làm ví dụ cho những mẫu thiết kế thất bại của Apple. Ngoài ra, sản phẩm này còn bị lỗi quá nhiệt và người dùng bị khóa cứng trong cấu hình mà Apple cung cấp, không thể tự nâng cấp hay thay đổi bất cứ thành phần nào trong đó.
Ngoài ra, các sản phẩm iPhone của hãng này cũng có giá ngày một cao. Nếu như năm 2016, giá khởi điểm của chiếc iPhone 7 là 649 đôla thì tới năm 2018, giá chiếc iPhone rẻ nhất là XR cũng lên tới gần 900 đôla.
Tương tự như vậy, một máy Mac mini chỉ có giá 499 đôla vào năm 2017 nhưng đã tăng lên 799 đola chỉ sau một năm sau đó.
Do đó, việc Apple định giá một giá đỡ màn hình 1.000 đôla cũng không phải là một việc gì đó quá bất ngờ với nhiều người.
Mất tiền mà không có chức năng mới, người dùng than thở trên Twitter.
Tuy không mấy bất ngờ nhưng sau sự kiện ngày 3/6 vừa qua, nhiều người đã lên twitter để chỉ trích chính sách giá "hút máu" của Apple.
"Có phải Apple đã mất khả năng đánh giá thực tế", một người dùng Twitter có nickname @Sikorade bình luận. "Với mức giá đó, có thể mua được những thứ tốt hơn", tài khoản Twitter @Harpersbazaar viết.
Những người khác thì gọi phụ kiện này là "không tưởng", "tham lam", và cho rằng đây là động thái "chọc giận khách hàng". Một người khác lại đưa ra quan điểm: "Có ai trong số nhân viên Apple đủ tỉnh táo để đánh giá mức giá họ đưa ra? Không thể có một lí do gì để giải thích cho việc một giá đỡ màn hình có giá lên tới 1.000 đôla cả!".
Trước những phản ứng của người dùng, Apple đã không đưa ra được lời bình luận nào. Theo một khảo sát trên tờ The Verge mới đây, một bản full-option của chiếc Mac Pro mới nhà Táo có thể có giá lên tới 45.000 đôla, tức hơn 1 tỉ đồng, một mức giá quá cao và quá kén người dùng.