Hiến kế phục hồi, phát triển thị trường bất động sản

Ngày 25/11, được sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức hội thảo: “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay".
Hiến kế phục hồi, phát triển thị trường bất động sản - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, hội thảo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ, góp phần cùng Bộ Xây dựng hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Từ các đánh giá, nhận định khó khăn, thách thức và cơ hội của tình hình thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay sẽ có đề xuất, kiến nghị về giải pháp mang tính đột phá nhằm khôi phục, phát triển ổn định thị trường BĐS.

Đây là những đóng góp quan trọng để Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách về nhà ở và thị trường BĐS.

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tích cực nghiên cứu trình Thủ tướng chính phủ ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, cũng như nghiên cứu, đề xuất sửa đổi 2 bộ Luật quan trọng là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS.

Trong số đó, Bộ Xây dựng đề xuất, kiến nghị nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, đặc biệt là khuyến khích và đẩy mạnh phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở có giá phù hợp với người thu nhập thấp; đẩy mạnh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ...

Hiện Bộ Xây dựng vẫn tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ những chồng chéo, vướng mắc về thủ tục pháp lý, tạo cơ chế thông thoáng cho thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, đề xuất bố trí gói tín dụng để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà cho công nhân theo phương thức cấp bù lãi suất cho ngân hàng chính sách và ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.

Cùng đó, Bộ Xây dựng sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực BĐS nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường BĐS luôn phát triển một cách ổn định và lành mạnh, góp phần vào ổn định chung cho cả nền kinh tế.

Đồng thời theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS tránh rủi ro kép, ngăn chặn việc sử dụng nguồn vốn cho vay sản xuất, tiêu dùng vào đầu tư, kinh doanh BĐS.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, các địa phương cần lập, phê duyệt và thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm 2021 – 2025 và kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở, làm cơ sở để chấp thuận chủ trương và triển khai các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các địa phương cần khẩn trương thực hiện việc rà soát, rút ngắn thời gian xem xét, sớm phê duyệt, cấp mới, điều chỉnh các dự án nhà ở, dự án BĐS đã đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; tập trung đẩy mạnh phát triển để tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân khu công nghiệp, nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập trung bình; điều chỉnh cơ cấu thị trường nhà ở, BĐS cho phù hợp với nhu cầu của thị trường...

Đáng chú ý, các địa phương cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch BĐS, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới BĐS; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường BĐS - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch thường trực VNREA cho biết, tổng thể về bức tranh chung của thị trường BĐS đang có rất nhiều bất cập, khó khăn và đã diễn ra trong thời gian dài. Do đó, doanh nghiệp cần chung tay với chuyên gia, bộ ngành để đề xuất, tháo gỡ từng bước cho thị trường phát triển.

Theo ông Khôi, đợt phòng chống dịch vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, Nghị quyết số 128/NQ-CP về Ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19"… 

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã có chương trình hành động cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, BĐS và giữ ổn định thị trường.

Trong những khó khăn đó, quan trọng nhất vẫn là đồng bộ sửa đổi giữa các Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh BĐS… Nếu không làm rõ và đồng bộ thì sẽ tiếp tục phải sửa và sửa mãi và cùng đó còn các Nghị định hướng dẫn.

Bản thân doanh nghiệp BĐS đang đi theo một hướng đúng là đa dạng hoá nguồn lực dành cho BĐS. Nhưng vẫn rất cần khuôn khổ pháp lý cho các lĩnh vực, sản phẩm, mô hình BĐS mới.

Ngành BĐS hiện chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, do đó doanh nghiệp BĐS cũng cần phải nhận được sự hỗ trợ về cơ chế, thuế tương tự như doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác, tránh bị phân biệt đối xử.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, BĐS và xây dựng luôn gắn chặt với nhau. 

Vì vậy, doanh nghiệp ngành xây dựng rất quan tâm đến việc làm thế nào để tháo gỡ cho BĐS phát triển.

"Để giải quyết những ách tắc trước mắt, cần đặc biệt quan tâm đến vướng mắc tại Nghị định số 30/2021/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở đã khiến các dự án nhà ở thương mại gần như tắc 100%. 

Chỉ khi vấn đề chuyển đổi sử dụng đất khác sang đất ở được sửa đổi thì mới có nguồn cung lớn hơn cho thị trường. Tất cả các doanh nghiệp đều mong muốn sửa đổi vấn đề này", ông Hiệp cho hay.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký VNREA - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam đồng tình với quan điểm tiếp tục rà soát mâu thuẫn, chồng chéo của pháp luật, rào cản thủ tục phê duyệt đầu tư dự án BĐS để có quyết định tháo gỡ kịp thời, trước khi đợi sửa luật.

Theo đó, cần thành lập cơ quan chuyên biệt có năng lực và khả năng tiếp nhận, xử lý vướng mắc thuộc thẩm quyền Chính phủ nhằm hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục phê duyệt đầu tư các dự án; đôn đốc địa phương đẩy mạnh tiến độ phê duyệt thủ tục đầu tư cho các dự án BĐS; xử lý những địa phương không tích cực hỗ trợ các đơn vị phát triển, để tồn đọng và kéo dài nhiều hồ sơ, thủ tục dự án đầu tư BĐS - ông Đính kiến nghị.

Ngoài ra, để ổn định thị trường giao dịch BĐS, theo ông Đính cần công bố thông tin dữ liệu về dự án BĐS được chấp thuận đầu tư, kế hoạch và quy hoạch sử dụng đất đai tại địa phương, dự án được phép giao dịch trên thị trường, biến động giá BĐS...

Đây cũng là thời điểm cần đánh giá lại rủi ro của tín dụng BĐS bởi thời gian qua có hiện tượng sốt nóng. 

Tuy nhiên, cần thay đổi cách nhìn để tín dụng có thể giúp ổn định thị trường. Nhất là thời gian gần đây, các doanh nghiệp BĐS cũng đi đầu và chiếm tỷ trọng lớn trong phát hành trái phiếu.

Trong khi chưa có quỹ phát triển BĐS thì phát hành trái phiếu là kênh huy động vốn tốt nhất. Với những doanh nghiệp lớn, có uy tín, họ phát hành trái phiếu để huy động vốn và để giảm rủi ro cho doanh nghiệp. Nên vẫn cần có quy định về trái phiếu giúp doanh nghiệp phát triển ổn định.

Năm 2022, khả năng phục hồi nền kinh tế sẽ giúp thị trường BĐS Việt Nam phát triển trong trạng thái bình thường mới với nhiều triển vọng sáng hơn năm 2021. 

Tuy nhiên, thị trường chưa có nhiều cải thiện do thủ tục đầu tư vẫn chưa thể tháo gỡ triệt để vướng mắc, nhất là tại Hà Nội và TP HCM nên xu hướng giá BĐS có thể tiếp tục tăng ở mức cao.

Trong khi nguồn cung yếu và vẫn chịu nhiều áp lực mạnh thì lực cầu vẫn được duy trì, thậm chí có thể mạnh hơn. Bởi vậy, thị trường BĐS năm 2022 vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, nhất là phân khúc đất nền.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.