Hòa Bình dự kiến lỗ trong năm 2023, còn công nợ hơn 9.000 tỷ tại 9 doanh nghiệp bất động sản

Phó Chủ tịch Lê Viết Hiếu cho biết khả năng để Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đạt được kế hoạch kinh doanh 2023 thật sự khó khăn. Tính đến hiện tại, ban điều hành đã có số liệu ước tính.

ĐHĐCĐ bất thường 2023 lần 2 của Xây dựng Hòa Bình vào chiều ngày 17/10. (Ảnh chụp màn hình).

Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Lê Viết Hiếu tại ĐHĐCĐ bất thường 2023 lần 2 diễn ra vào chiều ngày 17/10, khả năng để CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) đạt được kế hoạch kinh doanh 2023 thật sự khó khăn. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu mảng xây dựng của tập đoàn, các chủ đầu tư vẫn chưa xử lý được vấn đề pháp lý cũng như bán hàng.

Xây dựng Hòa Bình đặt kế hoạch tổng doanh thu 12.500 tỷ đồng trong năm 2023, trong đó doanh thu ghi nhận từ backlog 7.500 tỷ đồng, doanh thu hợp đồng mới 2.000 tỷ đồng, doanh thu từ xuất khẩu vật liệu xây dựng 1.300 tỷ đồng,... Lợi nhuận sau thuế là 125 tỷ đồng.

Công ty có kế hoạch chuyển nhượng 100% vốn tại công ty con là Công ty TNHH Máy Xây dựng Matec cho Ashita Group. Dự kiến tổng giá trị chuyển nhượng và một phần thiết bị đã khấu hao hơn 1.100 tỷ đồng và sẽ được bổ sung vào vốn lưu động cho công ty.

Tính đến hiện tại, ban điều hành ước tính doanh thu hợp nhất năm đạt 7.800 tỷ đồng và lợi nhuận âm vì không thực hiện thanh lý tài sản của Công ty TNHH Máy Xây dựng Matec như kế hoạch ban đầu. 

(Nguồn: Nguyên Ngọc tổng hợp; Đồ họa: Nguyên Ngọc).

Tổng Giám đốc Lê Văn Nam chia sẻ thêm, đối tác gặp khó khăn trong việc xoay xở tài chính, không sắp xếp được nguồn thu như cam kết. Đồng thời, sau khi cân nhắc lại, ban điều hành nhận thấy nếu thanh lý tài sản này và chuyển nhượng tài sản công ty Matec cho đối tác, Hòa Bình chịu áp lực phải cam kết doanh thu hàng năm khá lớn.

"Phương án chuyển nhượng này ổn trong ngắn hạn vì công ty cân đối được dòng tiền nhưng về trung và dài hạn không tốt. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định không chuyển nhượng Matec cũng như chuyển nhượng tài sản mà để lại phục vụ cho chiến lược trung và dài hạn của tập đoàn", Tổng Giám đốc Lê Văn Nam cho hay.

Cũng theo Tổng Giám đốc Xây dựng Hòa Bình, để giải quyết khó khăn về dòng tiền, thời gian qua công ty đã đẩy nhanh tốc độ quyết toán đối với những dự án đã thi công công xong. Trong hai tháng 7 - 8, dòng tiền thu được từ các dự án này tăng 40 - 50% so với những tháng trước đó, trung bình mỗi tháng thu về 150 - 200 tỷ đồng.

Đối với một số khách hàng chây ì trong việc thanh toán nợ, công ty buộc phải áp dụng các giải pháp pháp lý là đưa ra tòa. Trong số 26 vụ, công ty đã kiện 12 vụ và hầu hết đều thắng. Riêng vụ FLC, Xây dựng Hòa Bình đã thu vượt nợ gốc 57%.

Theo lộ trình sắp tới, Xây dựng Hòa Bình tiếp tục thu hồi nợ của chủ đầu tư Cocobay. Hiện công ty đã thu được 22 tỷ đồng trong hôm nay (17/10) và dự kiến thu được thêm 28 tỷ đồng trong tháng này. Gần đây nhất, Hòa Bình bước đầu thắng trong vụ kiện với Sunshine.

"Hòa Bình đang thi công 22 dự án và độ luân chuyển dòng tiền cho các dự án này tương đối ổn. Chúng tôi đang tìm đối tác chuyển nhượng một số dự án bất động sản và tìm đối tác phát hành cổ phiếu. Hiện có một số đối tác quan tâm và đang trong quá trình thương thảo. Nếu phát hành thành công, khó khăn về dòng tiền sẽ giải quyết được", ông Nam chia sẻ.

Cập nhật về công nợ, Phó Chủ tịch Lê Viết Hiếu cho biết tổng nợ tính đến hiện tại bao gồm lãi chậm thanh toán còn khoảng 9.192 tỷ đồng. Các chủ đầu tư nợ nhiều nhất gồm: Novaland, Sun Group, Sunshine, Gamuda Land, Vingroup, Cocobay, Ecopark, MIKGroup, My Way Group.

Trong quý IV/2023, công ty dự thu 2.836 tỷ đồng trong tổng số nợ nói trên và lũy kế đến Tết Nguyên đán 2023 có thể thu được 4.846 tỷ đồng. Trong quý III, công ty hoàn nhập dự phòng được 23 tỷ đồng, quý IV trích lập thêm 1,5 tỷ đồng nên số liệu trích lập hoàn nhập không thay đổi nhiều.

chọn
Cầu vượt thép Mai Dịch chờ thông xe
Cầu vượt thép Mai Dịch nằm trên nút giao Vành đai 3 - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã hoàn thành, không còn hoạt động thi công từ lâu nhưng chưa thông xe.