Hướng dẫn viên du lịch phải đi bán nước rửa tay, khẩu trang, giải cứu dưa hấu, thanh long để có việc làm

“Cách làm này giúp nhân viên có thêm công ăn việc làm, cũng có thể hỗ trợ nông dân. Anh em trong công ty cũng sẵn sàng, không từ chối công việc mới này”, ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, chia sẻ.

4h sáng, anh Tiến - hướng dẫn viên tại một công ty du lịch ở Hà Nội đã phải thức dậy để sửa soạn đến nơi làm việc. Công việc hôm nay của anh không phải là gặp gỡ du khách hay giới thiệu về danh lam thắng cảnh, mà là vận chuyển dưa hấu từ thùng xe tải xuống điểm bán.

Đây là công việc trong nhiều ngày nay của anh Tiến và những đồng nghiệp cùng làm. Thu mua dưa hấu từ vùng dưa Gia Lai vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ giúp bà con nông dân. 

Anh Tiến chia sẻ:  “Dịch bệnh không thể giữ chân con người ta mãi được. Phải xoay sở tìm đủ cách để sống và hi vọng”.

Lao đao vì dịch bệnh, nhân viên ngành du lịch phải đi bán nước rửa tay, khẩu trang, giải cứu nông sản để có việc làm - Ảnh 1.

Nhân viên ngành du lịch “chuyển nghề” đi bán dưa hấu, nước rửa tay dạo. (Ảnh: Thiên Trường).

Nhân viên du lịch “chuyển nghề” đi bán khẩu trang, nước rửa tay dạo 

Dịch bệnh do virus corona bùng phát nên lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong thời điểm này cũng bị giảm sút nghiêm trọng. Nhiều hướng dẫn viên tiếng Trung đã rơi vào tình trạng thất nghiệp trong thời gian dài.

Anh Nguyễn Hoàng Ninh, hướng dẫn viên tiếng Trung tại các tỉnh miền Bắc cho biết: "Từ khi dịch bệnh bùng phát, công việc và thu nhập của mình bị ảnh hưởng rất nhiều. Cuộc sống thiếu thốn hơn trước. Mình đã phải dừng tất cả các tour dẫn đoàn Trung Quốc bắt đầu từ mùng 7 Tết Nguyên đán, và không biết khi nào mới có thể quay trở lại công việc". 

Hiện giờ, Ninh đang làm phục vụ bàn tạm thời tại một quán cơm. Ninh cho biết nhiều lúc cũng buồn và nhớ công việc, chỉ mong muốn nhanh chóng kết thúc đợt dịch này và có thể đi làm trở lại.

Lao đao vì dịch bệnh, nhân viên ngành du lịch phải đi bán nước rửa tay, khẩu trang, giải cứu nông sản để có việc làm - Ảnh 2.

Hàng trăm tấn dưa hấu được một công ty du lịch chuyển từ Gia Lai về Hà Nội để tạo công ăn việc làm cho nhân viên. (Ảnh: Thiên Trường).

Trong khi đó sở hữu hơn trăm nhân sự và để giữ chân người tài trong tình cảnh khó khăn, Công ty Du lịch Việt thống nhất, nếu làm tuần này nhân viên sẽ được nghỉ tuần sau, gối đầu nhau. 

Mặc dù kế hoạch là vậy, nhưng hiện cả công ty chỉ còn 50% nhân sự làm việc.

“Về thu nhập của nhân viên, công ty hiện có thể đảm bảo được 40% so với trước”, ông Long chia sẻ. 

Không cam chịu bị động đợi đến hết mùa dịch, hãng du lịch này còn nhập khẩu hàng trăm nghìn chai nước rửa tay sát khuẩn về bán để tăng thêm thu nhập, và cũng để nhân viên có việc làm, gắn bó với công ty. 

“Để tăng thu nhập cho anh em, chúng tôi kiếm việc làm thêm bằng cách kết hợp với đối tác bán dung dịch rửa tay thiên nhiên sát khuẩn. Công ty đã nhập về 300.000 chai, và triển khai bán qua các kênh online, offline ngay tại trụ sở công ty ở Hà Nội và TP HCM”, ông Long nói. 

Ngoài ra, công ty du lịch này cũng nhập 100 tấn dưa hấu ở Gia Lai và thanh long ở Bình Thuận về bán, phần nào giúp bà con nông dân bớt đi phần nào khó khăn trong thời dịch bệnh, hàng hoá bị ùn ứ không thể xuất khẩu. 

Mỗi kg dưa hấu được công ty này bán với giá 7.000 đồng/kg. “Người dân hưởng ứng nhiệt tình lắm. Trong một ngày bán hết veo 10 tấn dưa. Chúng tôi đang đợi chuyến hàng tiếp theo về Hà Nội”, anh Tiến hồ hởi cho biết.

Cũng theo anh Tiến, từ khi dịch bệnh bùng phát, để đảm bảo an toàn các tour tuyến du lịch đã bị huỷ, nhân viên cũng được yêu cầu ở lại nhà. Với những người hướng ngoại, quanh năm suốt tháng đi đây đi đó như anh Tiến, thì việc ở nhà trong nhiều ngày liền là “không thể tưởng tượng nổi”. 

“Do đó, công việc bán dưa tuy có vất vả nhưng mình và đồng nghiệp được ra ngoài, gặp gỡ nhiều người. Dịch bệnh không thể giữ chân con người ta mãi được. Phải xoay sở tìm đủ cách để sống và hi vọng”, anh Tiến chia sẻ. 

Ngành du lịch có thể bị thiệt hại 5 tỉ USD vì dịch bệnh

Lao đao vì dịch bệnh, nhân viên ngành du lịch phải đi bán nước rửa tay, khẩu trang, giải cứu nông sản để có việc làm - Ảnh 3.

Ngành du lịch có thể bị thiệt hại 5 tỉ USD vì dịch bệnh. (Ảnh: Mai Anh).

Dịch bệnh bùng phát, nhiều công ty du lịch Việt Nam phải đối mặt với việc phải hủy toàn bộ tour đi và đón khách Trung Quốc, cùng với đó các tour du lịch nội địa cũng bị ảnh hưởng theo. 

Ông Nguyễn Trung Quân, Giám đốc công ty du lịch Hàng không Việt Nam (Avitour), chia sẻ: "Những thiệt hại về mặt kinh tế mà các doanh nghiệp lữ hành phải gánh chịu do dịch bệnh là không nhỏ. Toàn bộ tour du lịch Trung Quốc của công ty đã bị hủy bỏ. Số lượng khách phải hủy tour trong quí I/2020 của công ty vào khoảng 2.000 lượt khách. Ước tính thiệt hại là vài tỉ đồng”.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung Quốc luôn đứng đầu trong tổng lượng du khách quốc tế đến Việt Nam những năm qua. Trong đó, tại các vùng du lịch trọng điểm như Khánh Hoà, Quảng Ninh, lượng khách Trung Quốc chiếm tỉ trọng tới 60%.

Về tổng mức chi tiêu của khách quốc tế tại Việt Nam, dựa vào kết quả điều tra chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam, khách Trung quốc đến nước ta chi tiêu bình quân khoảng 743,6 USD/khách, các khách đến từ các quốc gia khác chi tiêu bình quân 1.141,5 USD/khách.

Với mức chi tiêu này, Bộ KHĐT ước tính nếu dịch kéo dài hết quí I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỉ USD, nếu dịch kéo dài hết quí II, thiệt hại khoảng 5 tỉ USD.