Khác máu tanh lòng, sao lại bắt mẹ chồng đi chăm con dâu đẻ?

Tôi thấy thế hệ các bà ngày xưa và chúng mình bây giờ khác xa nhau nhiều lắm, nên kiểu gì cũng có mâu thuẫn thôi. Muốn sướng thì đẻ xong tự chăm, việc gì phải nhờ đến mẹ chồng.
 
khac mau tanh long sao lai bat me chong di cham con dau de
Khác máu tanh lòng, sao lại bắt mẹ chồng đi chăm con dâu đẻ. (Ảnh: Khám phá)

Hôm qua vô tình đi ngang một group, tôi thấy chị em đang gân cổ lên cãi nhau sôi nổi về một nhà nọ có cô dâu trưởng mới sinh con, còn cô dâu út thì đang bầu 4 tháng. Do già yếu, sức khỏe không đảm bảo nên bà mẹ chồng có nhờ dâu út vào chăm dâu trưởng sinh mổ vài hôm hộ bà. Cô dâu út không chịu nghe theo, mặt nặng mày nhẹ với nhà chồng rồi bỏ về bên ngoại.

Lướt qua một vòng comment, tôi thấy chị em đa phần kết tội bà mẹ chồng là ích kỷ, không thương con dâu, vô tình…. Rồi thì là trách nhiệm chăm con dâu đẻ từ xưa đến nay vẫn là của mẹ chồng nên dù đau ốm bà cũng nên tìm cách khác chứ không nên nhờ con dâu đang chửa đẻ. Con dâu chỉ khi ốm đau, sinh nở mới nhờ đến bà. Mà chỉ 5 – 7 ngày thôi nên mẹ chồng thế nào cũng phải có trách nhiệm. Rất nhiều lý lẽ đưa ra để bảo vệ quan điểm của cô dâu út và lên án mẹ chồng.

Tôi đọc xong thì lặng lẽ đi ra vì thấy các chị em bỉm sữa đúng là vô lý. Ngày ngày họ kêu gào không muốn mẹ chồng can thiệp nhiều vào cuộc sống gia đình, chồng con họ. Nhưng hễ nhà có công có việc gì như khi sinh nở, ốm đau, ở cữ, giỗ chạp…là các chị em mặc nhiên đó cũng là trách nhiệm của mẹ chồng. Nếu bà không sang giúp, sang chăm hộ thì y như rằng con dâu âm thầm oán trách, cho rằng mẹ chồng vô tâm hoặc không coi mình ra gì. Người tế nhị thì giữ trong lòng, kẻ vô duyên thì tung hê cho cả xã hội cười chê.

Tôi thì nghĩ rằng, việc chăm con, sinh nở hay bất kỳ công việc gì cũng đều là việc của riêng mình, cho dù có sống chung với mẹ chồng hay không. Bà có lòng thì sang chăm, nếu bà đau yếu hoặc ngại việc thì tôi cũng vẫn vui vẻ không oán trách gì.

khac mau tanh long sao lai bat me chong di cham con dau de
Bà ở với tôi 3 tháng thì cả 3 tháng đó cuộc sống của tôi và mẹ chồng y như ngục tù dù cả hai đã rất cố gắng làm hài lòng nhau. (Ảnh: Pinterest)

Còn nhớ cách đây 5 năm khi tôi sinh đứa con đầu lòng. Do không có kinh nghiệm nên tôi phải nhờ mẹ chồng từ quê ra chăm. Bà bị bệnh khớp nhiều năm nên sức khỏe yếu, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi trong người. Ban đầu bà gợi ý sẽ cho tôi tiền thuê giúp việc hoặc nhờ bà ngoại ra chăm giúp. Nhưng vì sợ hàng xóm bàn tán, nhất là sợ bị tôi quở trách mà bà cắn răng gật đầu.

Bà ở với tôi 3 tháng thì cả 3 tháng đó cuộc sống của tôi và mẹ chồng y như ngục tù dù cả hai đã rất cố gắng làm hài lòng nhau.

Vì đẻ mổ nên sữa của tôi về chậm và rất ít. Bác sĩ dặn phải uống nhiều nước mới có sữa thì bà phản đối, kêu là uống nhiều loãng sữa. Tôi mua các loại bỉm đắt tiền để con dùng thì bà không chịu vì sợ cháu nóng, mất vệ sinh…Rồi bà ra chợ mua khăn xô loại rẻ tiền về đóng hàng ngày. Khi được bác sĩ góp ý dùng bỉm sẽ tiện và sạch sẽ hơn, bà mặt nặng mày nhẹ nói thẳng: Bây giờ anh chị có điều kiện nên hay phung phí, chứ thời tôi có khăn tã như vậy là tươm tất rồi.

Việc cơm cữ cũng không mấy suôn sẻ khi bà bắt tôi kiêng gần như mọi đồ ăn. Từ rau cải thìa, còn cải canh, cải cúc, xu hào, bắp cải, rau muống, rau đay, mùng tơi, chuối xanh, bầu bí…đến tôm, cua, cá, thịt...

Vậy là trong tháng đó, đồ ăn của tôi chỉ là trứng gà luộc, thịt nạc thăn rim và rau ngót. Đồ ăn thì nguội lạnh. Đồ ăn thừa bữa tối trước, trưa hôm sau chị và bà phải ăn cho hết. Tôi không dám không ăn, món nào cũng phải đụng đũa, không thì sợ mẹ chồng lườm nguýt, cho là chảnh chọe. Hết tháng đó bà tuyên bố cho tôi ăn cùng mọi người là được rồi, nhà có 3 người mà nấu 2 nồi thì mệt quá.

Nhà gần đường, xe cộ ầm ầm suốt ngày, con mới sinh hay giật mình. Ngay lập tức bà đổ lỗi tại tôi không chịu bó tay con vào nên mới thế. Bà cũng luôn luôn nói tôi rằng: Chị cậy khoa học, không nghe lời các cụ dạy, sau này ốm đau bệnh tật ra thì chỉ khổ con, khổ cháu tôi. Tôi giận đến đỏ bừng mặt mũi, nhưng không dám nói lời nào.

Sau 3 tháng stress, cuối cùng tôi gợi ý cho bà về quê vì lý do sức khỏe bà không đảm bảo. Rồi sau đó tôi thuê ngay một chị giúp việc ngoài 30 tuổi chăm mình.

khac mau tanh long sao lai bat me chong di cham con dau de
Các chị đã quên câu “Khác máu tanh lòng” rồi ư? (Ảnh: Dân Trí)

Năm ngoái khi ngày sinh bé thứ hai đã sát nút, thấy tôi không nhờ vả ra chăm, bà nóng ruột gọi điện hỏi. Tôi từ chối ngay vì hiện tại nhà đã có giúp việc rồi, bà cứ nghỉ ngơi tĩnh dưỡng là được. Nghe tôi nói thế, bà bảo chỉ hỏi lấy lệ để hàng xóm láng giềng đỡ nghĩ bà là mẹ chồng không có trách nhiệm.

Nằm trong bệnh viện chờ sinh, tôi thấy nhà nào cũng có 1 – 2 bà vào chăm con dâu. Thiếu ai thì được chứ thiếu mẹ chồng là không xong với mấy cô con dâu. Như bà chị nằm gần giường tôi, cả tuần ở viện cứ khó chịu gì là chị lại trách mẹ chồng ăn ở không có đức. Chị sinh mổ đau đớn, rạch vết to thế này mà mẹ chồng không thấy mặt. Rồi là sau này bà ốm đau gì chị cũng không màng…

Tôi thì trộm nghĩ, sau khi ra viện thì chị mới thấy mình may mắn thế nào khi không phải chịu đựng thói nuôi con theo cách cũ của các bà mẹ. Đến lúc ấy có khi chị chỉ mong "tống khứ" mẹ chồng về quê ấy chứ. Tự nuôi con theo ý mình sung sướng, thoải mái biết bao. Thế mà các chị lại cứ thích mẹ chồng vào chăm và coi đó là trách nhiệm hiển nhiên của các bà thì thật vô lý hết sức. Các chị đã quên câu “Khác máu tanh lòng” rồi ư?

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.