Đầu tư 1 USD vào Bitcoin trong thập kỉ này thì giờ đây nó sẽ có giá trị hơn 90.000 USD. (Ảnh: Vents).
Một Bitcoin hiện có giá trị khoảng 7.000 USD. Mặc dù vẫn thấp hơn đáng kể so với mức giá cao nhất của nó, là 20.000 USD vào hai năm trước đó, nhưng nó vẫn là một khoản đầu tư có tính đầu cơ cao.
Trong một thập kỉ qua, Bitcoin đã tăng vọt và nổi lên như một loại tiền điện tử phổ biến nhất, và được chấp nhận rộng rãi.
Nhiều nhà bán lẻ đang chấp nhận Bitcoin như một hình thức thanh toán, và một số công ty đầu tư, trao đổi đã thực hiện các giao dịch tương lai bằng Bitcoin, một động thái giúp hợp pháp hoá đồng tiền này.
Facebook, mạng xã hội lớn nhất hành tinh, đã lên kế hoạch phát hành đồng tiền kĩ thuật số Libra của riêng mình trong năm nay, cũng phải thừa nhận Bitcoin được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng hơn cả.
Tuy vậy, báo cáo của Bank of America Securities cũng cho thấy nếu nhà đầu tư đang dự phòng bằng đồng nội tệ của Myanmar, thì sẽ không quá hạnh phúc. Xung đột sắc tộc, bạo lực và bất ổn ở quốc gia này đã khiến một đồng USD đầu tư vào Kyat trong đầu thập kỉ thì hiện thời giá trị chỉ bằng 4/10 đồng xu của Mỹ.
Tương tự như vậy ở Hy Lạp, quốc gia Địa Trung Hải tiếp tục chìm trong cuộc khủng hoảng nợ nần. Các chiến lược gia tại Bank of America Securities, cho biết 1 USD đầu tư vào thị trường chứng khoán Hy Lạp năm 2010 hiện chỉ còn giá 7 xu.
Trong khi đó, Mỹ là thị trường chứng khoán tốt nhất trên thế giới, với 1 USD chứng khoán Mỹ hiện thu về khoảng 3,46 USD, tăng 250%.
Trái phiếu Mỹ cũng là lựa chọn tốt nhất cho khoản thu nhập cố định. 1 USD trong năm 2010 nếu đầu tư vào trái phiếu Mỹ thì hiện cũng có giá lên tới 2,08 USD.
Trong khi trái phiếu Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kì lại là hai loại trái phiếu có mức sinh lợi tồi tệ nhất trong thập kỉ vừa qua. 1 USD trái phiếu Thổ Nhĩ Kì vào năm 2010 hiện có giá 61 xu.
Bên cạnh đó, thập kỉ vừa qua cũng đã chứng kiến việc hàng loạt ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã giảm lãi suất xuống dưới 0, để cố gắng thúc đẩy các nền kinh tế trì trệ.
Nói về các ngân hàng trung ương, Bank of America Securities cho biết các đời chủ tịch Fed như Ben Bernanke, Janet Yellen và Jerome Powell đã thay đổi lãi suất nhiều nhất trong thập kỉ qua. Nhưng điều đó không là gì nếu so với Brazil. Quốc gia Nam Mỹ này đã có 25 lần cắt giảm lãi suất và 24 lần tăng lãi suất kể từ năm 2010.
Nhật Bản được đánh giá là quốc gia có ngân hàng trung ương ít biến động nhất. Nước này chỉ hạ lãi suất một lần trong 10 năm qua, vào năm 2016.
Khi lãi suất giảm, các nhà đầu tư đã đổ xô vào vàng. Đây là danh mục đầu tư hàng đầu trong năm 2010. 1 USD đầu tư vào vàng sinh lợi khoảng 1,34 USD. Tuy nhiên, dầu thô lại là mặt hàng đầu tư kém sinh lợi nhất, 1 USD đầu tư vào dầu thô hiện chỉ là 74 cent.
Giá dầu giảm một phần do nhu cầu chậm chạp của nền kinh tế và nguồn cung dôi dư nhiều hơn, từ các nhà khai thác đá phiến ở Mỹ.
Báo cáo của Bank of America Securities cũng cho thấy, thập kỉ vừa qua là một thập kỉ đầy sóng gió với thị trường: Chứng khoán hồi phục từ mức đáy trong cuộc Đại suy thoái, và đạt mức cao mới bất chấp chiến tranh thương mại, cuộc tấn công Cục dự trữ liên bang của Tổng thống Trump, Brexit, khiến cho tăng trưởng chậm lại ở châu Âu và nền kinh tế chứa nhiều rủi ro ở Nhật Bản.