Tại thị trường Hà Nội, giá chung cư đã tăng liên tục trong 15 quý, theo Savills Việt Nam. Tính đến quý III/2022, giá sơ cấp trung bình đã ở mức 47 triệu đồng/m2, cao hơn 53% so với quý I/2019.
Nguồn cung hạn chế, giá vật liệu xây dựng tăng, chất lượng các dự án ngày càng cao là nguyên nhân thúc đẩy giá căn hộ tăng.
Trong khi đó, các căn hộ bình dân phục vụ nhu cầu của đại bộ phận người dân ngày càng thu hẹp thị phần. Theo thống kê của Savills, các căn hộ giá dưới 2 tỷ đồng/căn chỉ chiếm 12% nguồn cung tại Hà Nội, căn hộ giá 2 - 4 tỷ đồng chiếm 85%, còn lại là các căn hộ có giá trên 4 tỷ đồng.
Giá chung cư tăng mạnh, thiếu các dự án phân khúc dưới 2 tỷ đồng/căn nên xu hướng khách hàng phải mua những dự án ở vị trí khá xa trung tâm như Thanh Trì, Đông Anh hay Hoài Đức ngày càng trở nên rõ ràng.
Trao đổi với người viết, anh Trần Đại, môi giới tại Đất Xanh Miền Bắc cho biết, các dự án xa trung tâm như Tecco Diamond (huyện Thanh Trì), Melody Residences (quận Hoàng Mai), Imperia Smart City (quận Nam Từ Liêm), Hoàng Thành Pearl (quận Nam Từ Liêm)… đã ghi nhận lượng giao dịch rất tốt thời gian qua.
“Thị trường đang khá trầm lắng. Khách mua đầu tư giảm nhiều do ngân hàng siết cho vay nhưng lượng cầu ở thực vẫn rất lớn. Phân khúc chung cư vẫn đang có số bán tốt, trong khi nguồn cầu ngày càng khan. Giá chung cư vẫn tăng đều 30 - 35% so với năm 2021”, anh Đại cho hay.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại thị trường TP HCM. Hơn 60% căn hộ mới trong quý III có giá trên 11 tỷ đồng/căn. Thanh khoản thấp và giá sơ cấp ngày càng tăng từ thị trường căn hộ và biệt thự/liền kề dẫn đến do dự và khó khăn cho nhiều người muốn sở hữu hoặc đầu tư nhà ở.
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Việt Nam đánh giá nhu cầu của người dân về nhà ở rất lớn, đặc biệt tại các đô thị như Hà Nội và TP HCM. Song giá nhà ở tại các thị trường này đang vượt khả năng chi trả của họ, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ, mới lập gia đình. Quá trình hỗ trợ lãi suất mua nhà linh hoạt cho nhóm này cũng còn nhiều hạn chế. Do đó, nhu cầu nhà ở của người dân tại các thành phố lớn có thể đẩy sang tỉnh thành vùng ven.
Theo chuyên gia Savills, với lượng đất dồi dào và sự quan tâm từ các nhà đầu tư lớn, dự kiến các vị trí vùng ven sẽ là nguồn cung lớn để đáp ứng cho nhu cầu mua căn hộ và bất động sản liền thổ của người dân.
Thực tế, xu hướng dịch chuyển nhà ở từ trung tâm tới các khu đô thị ven không phải là điều gì quá xa lạ hay đặc thù trên thế giới, theo Savills Global.
Năm 2020, Thụy Điển đã chứng kiến làn sóng dịch chuyển kỷ lục từ tỉnh Stockholm ra các khu vực lân cận như Knivsta, Habo và Gnesta. Nguồn cung khan hiếm và giá cả đắt đỏ đã khiến 8.495 người rời khỏi thành phố trong năm đó, đa số là người tuổi vị thành niên. Hiện tượng này cũng xuất hiện tại các nước châu Âu khác như Hà Lan hoặc Tây Ban Nha.
Ngoài lý do giá cả nhà ở, đại dịch Covid-19 và xu hướng làm việc từ xa cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều người khi dịch chuyển khỏi các thành phố lớn.
Quay lại với thị trường Việt Nam, ông Sử Ngọc Khương cho biết Chính phủ đang đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông kết nối giữa các vùng đô thị lớn, thúc đẩy nguồn cung giá phải chăng. Ngoài ra, chuyên gia cũng khuyến nghị Chính phủ cần có những kế hoạch khai hoang bài bản để bổ sung quỹ đất, thu hút nhà đầu tư trong việc phát triển nhà ở xã hội cho người dân.