Viết bài độc quyền trên Project Syndicate, giáo sư Michael Spence, người được giải thưởng Nobel về kinh tế, đã đưa ra những nhận định về triển vọng dài hạn cho nền kinh tế Trung Quốc. Trang Project Syndicate đánh giá cao bài bình luận này, vì tác giả là giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York, và là thành viên cao cấp tại Viện Hoover.
Theo ông, do các nhà dịch tễ học còn chưa phân biệt đầy đủ các cơ chế lây truyền của virus, nên không ai có thể nói chắc chắn khi nào ổ dịch có thể được ngăn chặn, chứ đừng nói đến việc kinh tế của 1,4 tỉ người dân nước này sẽ ra sao.
Nhưng vị giáo sư này cho biết dựa theo kinh nghiệm lịch sử với những cú sốc lớn tương tự, thì thiệt hại kinh tế ngắn hạn cho Trung Quốc có thể nói là đáng kể. Các lĩnh vực được coi là "có mức tiếp xúc lớn nhất" với Covid-19 là du lịch và lữ hành, hàng xa xỉ và ô tô…
Một số ước tính đáng tin cậy cho thấy tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc có thể giảm 2-4 điểm phần trăm mỗi quý, cho đến khi virus đạt đỉnh. Cụ thể, tiêu thụ và xuất khẩu sẽ bị một cú hích tồi tệ, nhất là vì những hạn chế về di chuyển, cả tự nguyện và lệnh cách li. Các vết bôi trơn mà kì nghỉ Tết Nguyên đán cung cấp trước đây cho thị trường cũng đã biến mất.
Câu hỏi được đặt ra là khi nào đỉnh cao đó sẽ đến? Nhiều dự báo đã lạc quan cho thấy sự phục hồi một phần trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ diễn ra trong quý II năm nay. Giáo sư Michael Spence tin rằng sẽ thực tế hơn khi mong đợi sự phục hồi trong quý III, với chất bôi trơn đến từ các dịp mua sắm lớn, cùng xu hướng "cuồng vật chất", thường kích thích đến tăng trưởng toàn cầu hàng năm.
Nhưng vị này cũng nhắc nhở, chúng ta không thể loại trừ khả năng xảy ra đại dịch kéo dài gây thiệt hại lớn hơn nhiều cho các nền kinh tế, do thất bại trong kinh doanh, giảm việc làm, chùn bước đầu tư tư nhân và phản ứng chính sách yếu kém hoặc chậm trễ.
Lịch sử cho thấy các ảnh hưởng lâu dài của virus corona với nền kinh tế Trung Quốc có thể khá nhỏ, thậm chí "không đáng kể". Giáo sư Michael Spence cho rằng có rất nhiều khả năng để dự đoán trên có thể xảy ra, bởi vì nền kinh tế của Trung Quốc giờ đây không còn "mong manh" như chúng ta tưởng.
Khối kinh tế khổng lồ do 1,4 tỉ dân vun đắp đã ít phụ thuộc vào thương mại hơn so với năm 2003, thời điểm hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) diễn ra. Và do đó, kinh tế Trung Quốc đã được "trang bị" để phục hồi từ những cú sốc lớn khá nhanh.
Giáo sư Michael Spence nhấn mạnh, kinh tế nước này còn có một nguồn sức mạnh thường bị đánh giá thấp, là sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế kĩ thuật số của Trung Quốc. Có đến 35,3% (mặc dù có thể gần 25%) tất cả doanh số bán lẻ của Trung Quốc đang có được nhờ trực tuyến; tỉ lệ sử dụng internet di động rất cao, và đang tăng lên; các hệ thống thanh toán di động của Trung Quốc đang ở mức tiên tiến nhất thế giới.
Bởi vì hầu hết mọi người và doanh nghiệp đều được kết nối và hoạt động trực tuyến, nên dễ dàng tạo ra lượng lớn dữ liệu, nhờ trí tuệ nhân tạo, ngay lập tức mở rộng phạm vi và hiệu quả của hệ sinh thái kĩ thuật số.
Điều này sẽ tạo ra sức bật đáng kể hướng tới việc tăng cường khả năng phục hồi của kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là khi đất nước này đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng làm hạn chế khả năng di chuyển. Cơ sở hạ tầng kĩ thuật số tiên tiến có nghĩa là người lao động, trong nhiều công việc và ngành công nghiệp, có thể tiếp tục làm việc tại nhà, ngay cả khi họ bị cách li. Tương tự, các nền tảng giáo dục trực tuyến tinh vi có thể bù đắp một số tác động của việc đóng cửa trường học.
Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp đang gặp phải thách thức về dòng tiền và vốn lưu động, tín dụng có thể được gia hạn và điều chỉnh từ xa. Theo giáo sư, điều này sẽ giảm thiểu thiệt hại lâu dài cho ngành dịch vụ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các sản phẩm bảo hiểm trực tuyến cũng có thể được mở rộng trong một số lĩnh vực, bao gồm cả sức khỏe. Đặt hàng vật tư y tế trực tuyến có thể tránh được tình trạng thiếu hụt do khủng hoảng, vì các thuật toán nhanh chóng phát hiện và ứng phó với tắc nghẽn và tình trạng cầu vượt quá cung.
Các nền tảng trực tuyến cũng có thể cung cấp một lá chắn mạnh mẽ chống lại sự phân chia giá cơ hội. Điều này hạn chế tình trạng các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu bị đẩy giá "trên trời", cướp đi cơ hội tiếp cận của nhiều người, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương nhất.
Amazon là một ví dụ. Nền tảng này đã cảnh báo người bán không được tính giá cắt cổ cho khẩu trang, hoặc họ sẽ bị xoá tài khoản vĩnh viễn.
Khi một phần nền kinh tế, thậm chí lớn hơn, được đưa lên trực tuyến, việc theo dõi hiệu suất của nó trở nên dễ dàng hơn, nhanh hơn và chính xác hơn. Dữ liệu này có thể được sử dụng để điều chỉnh các chính sách phản ứng và cải thiện tính chính xác của dự báo, từ đó thúc đẩy niềm tin kinh doanh, khuyến khích đầu tư và đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Đối với phần còn lại của thế giới, du lịch đang phải đối mặt với một cú sốc tiêu cực đặc biệt lớn, ngay cả ở những quốc gia không bị ảnh hưởng nặng nề. Các công ty có sự hiện diện đáng kể của Trung Quốc, như lĩnh vực ô tô và hàng xa xỉ, cũng có khả năng bị ảnh hưởng. Nhưng theo giáo sư Michael Spence, các doanh nghiệp này có thể sẽ phục hồi cùng với nền kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngay cả khi Covid-19 được khống chế sớm, tình trạng chuỗi cung ứng toàn cầu đang tìm cách thoát ra khỏi Trung Quốc vẫn sẽ tiếp diễn. Quá trình này đã được tiến hành trong vài năm, được thúc đẩy bởi sự thay đổi lợi thế so sánh của Trung Quốc từ sản xuất thâm dụng lao động giá rẻ sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã củng cố xu hướng này. Và giờ đây Sars-nCov-2 có thể cung cấp một động lực bổ sung.
Nhưng Trung Quốc vẫn luôn có vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Không thể không thừa nhận rằng các mạng lưới cung ứng toàn cầu nói chung quá chặt chẽ và thiếu khả năng phục hồi, mặc dù không rõ liệu sự bùng phát dịch Covid-19 có thúc đẩy điều này thay đổi hay không.
Rốt cuộc, đây cũng là bài học thứ 2, sau trận động đất và sóng thần Tōhoku năm 2011 tại Nhật Bản, đã gây ra một cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một số người cho rằng dịch viêm phổi Vũ Hán sẽ gây tổn hại cho uy tín của chính phủ Trung Quốc. Nhưng giáo sư Michael Spence khẳng định: "Điều này dường như không thể". Mặc dù trì hoãn sớm, cuối cùng chính quyền Trung Quốc đã có hành động quyết đoán. Nó có thể không hoàn hảo, nhưng trong một cuộc khủng hoảng như thế này, không có lựa chọn tuyệt vời nào, và không có gì đảm bảo rằng các biện pháp được lựa chọn sẽ có hiệu quả.
Chốt lại, giáo sư Michael Spence đưa ra bình luận: "Rủi ro về sức khoẻ của đại dịch Covid-19 rất đáng kể và đáng sợ. Nhưng cho đến nay, chúng dường như không có khả năng tiêu cực hoá, bởi những phản ứng tích cực của Trung Quốc và thế giới. Thay vào đó, hậu quả kinh tế của dịch có thể sẽ rất lớn nhưng chỉ là nhất thời. Thật không may, những gì nhân loại sẽ không thể cản được, lại là những nhân mạng đã nằm xuống sau đại dịch".
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020