Tại buổi báo cáo thị trường bất động sản nhà ở quý III/2019 vừa diễn ra tại TP HCM, CEO Công ty CP DKRA Việt Nam - ông Phạm Lâm, cho biết ngày càng nhiều người trẻ muốn sở hữu nhà tại Sài Gòn.
Tuy nhiên, ông Lâm khẳng định đây là một điều vốn không phải dễ, bởi mức tăng giá căn hộ tại TP HCM và mức tăng lương trung bình hàng năm của người trẻ vốn đang một trời một vực.
Chủ đề người trẻ làm sao mua được nhà tại TP HCM của CEO DKRA Việt Nam Phạm Lâm nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của phần lớn người có mặt tại buổi báo cáo thị trường bất động sản, trong đó hầu hết là người trẻ dưới 35 tuổi.
Chủ đề người trẻ làm sao mua được nhà tại TP HCM của CEO DKRA Phạm Lâm nhận được sự quan tâm của nhiều người. (Ảnh: Phúc Minh).
Ông Lâm cho biết theo thống kê của DKRA, hiện có khoảng 23% người mua nhà dưới 35 tuổi. Những người trong độ tuổi từ 35-50 tuổi chiếm áp đảo với tỉ lệ lên đến 50%.
CEO DKRV khẳng định tỉ lệ người trẻ dưới 30 tuổi mua nhà tại TP HCM đã tăng lên so với khoảng 10 năm trước đây. Và con số này sẽ ngày càng lớn trong tương lai, khi nhu cầu sở hữu nhà với nhiều tiện ích tại TP HCM ngày một tăng.
Dẫn chứng về điều này, ông cho rằng với một lượng lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học cũng quyết định ở lại TP HCM lập nghiệp, vì đặc thù ngành học và cơ hội việc làm tại quê nhà không cao. Vì vậy, nhu cầu sở hữu nhà của nhóm đối tượng này cũng rất cao.
Ông Phạm Lâm cho biết người trẻ dưới 35 tuổi đang có mong muốn sở hữu nhà tại TP HCM nhiều hơn. (Đồ hoạ: Phúc Minh - Nguồn: DKRA Việt Nam).
Ông Phạm Lâm cũng cho biết thêm mức thu nhập của người trẻ dưới 30 tuổi tại TP HCM hiện nay dao động 9-20 triệu đồng/tháng. Ông khẳng định với thu nhập này, mức tăng lương thêm trung bình hàng năm cũng không đáng là bao so với mức tăng giá các căn hộ tại TP HCM.
"Căn hộ tại TP HCM chưa có đoạn nào giảm xuống mà chỉ tăng lên. Nếu như năm 2015, căn hộ hạng B chỉ 21 triệu đồng/m2 thì tính đến tháng 9/2019, giá mỗi m2 đã tăng lên thành 36 triệu. Lương 5 năm qua của chúng ta thì không biết tăng cỡ nào", ông Lâm nói.
Trong khi đó, phân khúc căn hộ hạng C cũng tăng từ 16 triệu đồng/m2 trong năm 2015 đến nay đã đội lên thành 25 triệu đồng/m2, tức tăng gần 10 triệu/m2 chỉ sau vài năm.
"Cách đây vài năm có những tờ rơi quảng cáo sở hữu căn hộ tại TP HCM với 800-900 triệu, giờ con số này chỉ có nằm mơ thôi. Hiện với mức giá căn hộ hạng C 25 triệu đồng/m2, một căn 55 m2 nhân lên đâu đó cũng đã gần 1,4 tỉ đồng rồi", ông Lâm nhận định.
Mặt bằng giá căn hộ hạng B và C tăng mạnh chỉ sau vài năm. (Đồ hoạ: Phúc Minh - Nguồn: DKRA Việt Nam).
Chưa dừng lại tại đó, CEO DKRA cũng cho biết hiện nay, nếu cầm 1,4 tỉ đồng đi mua căn hộ thì người trẻ phải trắng tay ra về, bởi thị trường đang đứt nguồn cung căn hộ hạng C.
Theo thống kê, năm 2016, nguồn cung căn hộ hạng C chiếm khoảng 30% thị trường. Năm 2017 có phần sáng sủa hơn, khi nguồn cung tăng lên 38% trong tổng số lượng căn hộ tung ra thị trường. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây đang có dấu hiệu sụt giảm, năm 2018 chỉ còn chiếm 17% và báo cáo quý III/2019 của DKRA không ghi nhận bất kì căn hộ hạng C nào báo cáo ra thị trường.
Trước tình hình này, ông dự báo giá căn hộ sẽ tiếp tục tăng và mức tăng thu nhập của người trẻ khó có thể đuổi kịp mức tăng giá nhà, căn hộ.
CEO DKRA Việt Nam cũng thực hiện một vài phép tính về thu nhập trung bình năm của người trẻ với giá các căn hộ hiện nay.
Cụ thể, người có thu nhập 15 triệu/tháng, mua nhà 1,5 tỉ đồng, vay ngân hàng 50%, tức 750 triệu đồng thì hàng tháng, sau khi trả lãi ngân hàng khoảng 10,5% thì ví tiền chỉ còn lại 3,8 triệu đồng.
Cơ cấu phân khúc căn hộ tại TP HCM hiện nay giảm nhiều nhất là căn hộ hạng C. (Đồ hoạ: Phúc Minh - Nguồn: DKRA Việt Nam).
Trường hợp người có thu nhập 20 triệu/tháng, cũng vay ngân hàng 50% để mua nhà 1,5 tỉ đồng, thì mỗi tháng chỉ còn 8,8 triệu đồng. Nếu "chơi sang" mua nhà 1,8 tỉ đồng thì trong ví chỉ còn 6,6 triệu đồng để chi tiêu.
"Với số tiền còn lại này, chắc mua nhà xong rồi ở nhà khỏi đi đâu hết, suốt ngày ở phòng, uống cà phê ở phòng…". Ông Phạm Lâm nói và khẳng định vài triệu đồng không thể đủ cho sinh hoạt một người trong một tháng tại TP HCM.
Ông cũng lưu ý giá trị một căn hộ lí tưởng mà người trẻ có thể tiếp cận là khoảng gấp 4-6 lần tổng thu nhập năm. Nếu lương 20 triệu/tháng thì mua nhà 1 tỉ đồng, còn nhà 800 triệu đồng với TP HCM hiện nay là không khả thi, không thể có nhà giá này nữa.
Tuy nhiên, trước khi quyết định mua, người trẻ phải có khả năng trả trước 50% giá trị căn nhà. Ông cho rằng, có thể "cầu cứu" ba mẹ, người thân hoặc tích cóp đủ một nửa trước khi mua, phần còn lại vay ngân hàng và trả lãi suất tháng.
"Nếu mua nhà theo tỉ lệ vay 70% như quảng cáo của nhiều dự án thì tôi nghĩ nên về quê thì hơn", ông Lâm hài hước cho biết.
CEO DKRA Việt Nam Phạm Lâm khẳng định việc mua nhà tại TP HCM với người trẻ không hề dễ dàng. Tuy nhiên, ông cho rằng dù khó nhưng không phải không có hướng giải quyết.
CEO DKRA Vệt Nam cho biết người trẻ cần chủ động trong việc tiếp cận thông tin nhà ở. (Ảnh: Thanh Niên).
"Các bạn phải làm sao mức tăng lương nhanh hơn mức tăng giá bất động sản bằng việc đầu tư ngược lại cho chính mình. Hiện có 200-300 triệu chưa mua được nhà thì đầu tư ngược cho bản thân, để nâng cao năng lực hoặc các hình thức đầu tư khác", ông nói.
Ông Lâm lưu ý người trẻ nên chủ động, tìm hiểu thị trường, cần trang bị kiến thức đủ để ra quyết định nếu không muốn xảy ra hậu quả xấu, và chớp thời cơ ngay khi thị trường thuận lợi nhất.
"Ngày xưa, tôi ở thuê, chưa có nhiều tiền tôi mua căn hộ 59 m2, sau một thời gian ổn ổn, tôi tăng diện tích hơn. Nhà hạng C, hay nhà quá xa không phải là vấn đề khi bạn muốn sở hữu nhà", ông Lâm khuyên vì cho rằng nhiều người tài chính chưa tới nhưng vẫn muốn ở những căn hộ tốt, gần trung tâm.
CEO DKRA cho biết người trẻ nên xác định rõ, tính toán kế hoạch phụ thuộc vào điều kiện của mình về mức thu nhập có ổn định hay không. Đồng thời, lựa chọn nhà ở phù hợp nhu cầu thực tế và năng lực tài chính, bởi tới giai đoạn trả lãi mới là giai đoạn khó khăn nhất trong việc mua nhà của người trẻ.
Kinh doanh 14:49 | 23/10/2019
Tiêu dùng 14:14 | 23/10/2019
Kinh doanh 21:28 | 22/10/2019
Tiêu dùng 14:30 | 22/10/2019
Đô thị 13:41 | 20/10/2019
Du lịch 12:24 | 20/10/2019
Đô thị 10:01 | 20/10/2019
Tiêu dùng 08:05 | 20/10/2019