Tục nối dây của người Ê Đê
Nhà sàn truyền thống của người Ê Đê. |
Tục nối dây (Juê Nuê) là tập tục từ thời xa xưa của đồng bào Ê Đê, tại đây, khi hai vợ chồng có một người mất đi thì người còn sống sẽ lấy anh, em, cháu... của người đã mất để thay thế.
Đây là một kiểu tập quán hôn nhân có truyền thống từ xa xưa, quy định cho chị em vợ và anh em chồng. Luật tục quy định rõ “rầm sàn gẫy thì phải thay, giát sàn nát thì phải thế, chết người này phải nối bằng người khác”.
Được biết, huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) là một trong những nơi vẫn còn tập tục này len lỏi trong buôn làng. Ông Y DjHung Byă, Buôn trưởng buôn HraNing (xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) cho biết, trước đây, trong trường hợp vợ mất đi, người chồng bị người trong gia đình ép buộc cưới em của vợ (em ruột hoặc em họ) để nối nòi. Ngược lại, nếu người chồng mất đi, người vợ có thể lấy em chồng để làm chồng mới.
Theo quan niệm của người Ê Đê, phải cưới như vậy để gia đình không bị tan tác ngoài nương rẫy, dòng họ không bị kiệt quệ, giống nòi sẽ không khô kiệt như những dòng suối cạn nước.
“Sau 3 tháng người vợ hoặc chồng mất đi, người còn lại mới có quyền nối dây cưới vợ mới và đưa về sống chung. Người dân sợ của cải rơi vào tay người ngoài nên trước đây bắt buộc phải cưới người trong gia đình”, ông Y DjHung Byă cho biết thêm.
Là một trong những trường hợp vợ mất, lại không thể lấy em gái nên ông Y Niết Êban (SN 1938) đã nối dây với cháu của vợ.
“Tôi thực hiện tục nối dây lần đầu tiên vào năm 18 tuổi, khi ấy vợ tôi đã 40 tuổi. Do chú mất đi nên tôi thay thế chú nối dây với cô (sau là vợ tôi) để gia đình ấm êm, hạnh phúc. Sau này vợ mất đi, tôi lại nối dây với cháu của vợ là H’Duyễn (SN 1966) và có được 6 người con”, ông Y Niết Êban nói.
Theo ông Y Niết Êban, sau khi vợ mất đi ông lập tức bị người nhà nối dây cưới cháu vợ. “Lúc tiến hành lễ nối dây, có người làm chứng cho buổi lễ. Tại đây, thầy cúng thông báo cho người vợ đã mất “tôi sẽ lấy cháu của vợ. Sau đó mâm cúng được bày biện để cúng tổ tiên, thần linh”, ông Y Niết Êban nhớ lại.
Ông Y Niết Êban kể về tục nối dây của chính mình. |
Được biết, ngoài trường hợp của ông Y Niết Êban, còn có trường hợp của ông Y Siêm Kbua ở Buôn Triết (xã Ea Tiêu) sau khi vợ mất cũng tổ chức lễ cưới cháu của vợ. Bên cạnh đó, có một số gia đình ở buôn H’Ra Ea Tlă, buôn Hra Ning và một số buôn khác trên địa bàn huyện Cư Kuin xưa kia vẫn còn tục nối dây.
Theo ông Y DjHung Byă, so với trước đây thì ngày nay bà con đã dần xóa bỏ tập tục nối dây lạc hậu này. “Tập tục nối dây hiện nay bị coi là tập tục lạc hậu, không còn phù hợp với thời đại bây giờ nữa. Nếu trong hai vợ chồng có người mất thì vợ hoặc chồng không phải cưới anh, chị, em của người kia để thay thế. Hai người thích nhau có thể cưới chứ không còn bị ép buộc như trước đây”, ông Y DjHung Byă nói.
Ông Nguyễn Trọng Nhiên, Chủ tịch xã Dray Bhăng cho biết, hiện nay tục nối dây của đồng bào Ê Đê đã được người dân bỏ đi thay bằng những tập tục cưới xin văn minh hơn.
Tảo hôn và kết hôn cận huyết thống ở Giang Đông
Người dân ở thôn Giang Đông (xã Ea Đăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) đa phần là người H’Mông di cư từ Yên Bái vào sinh sống đã được nhiều năm. Hiện nay, thôn Giang Đông gồm có 157 hộ với 856 khẩu, trong đó số hộ nghèo là 147, chiếm 90% số hộ dân trong thôn. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo là nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.
Chỉ mới ngoài 20 tuổi, nhưng nhiều người ở thôn Giang Đông, đã “tay cắp nách mang”. Tình trạng tảo hôn ở thôn Giang Đông chiếm 70%, chủ yếu tập trung ở lứa tuổi 16-17. Nhiều cặp vợ chồng chỉ mới 20 tuổi đã “con bồng con bế”, có những gia đình đã sinh từ 7-8 người con.
Gia đình ông Hờ Nhà Duy (SN 1964) có đến 9 người con, đứa con lớn nhất học lớp 9, đứa con nhỏ nhất chỉ mới 5 tháng tuổi. Cả gia đình anh chỉ chung sống dưới căn nhà ván xập xệ, cũ kĩ. Cuộc sống của cả nhà chỉ trông chờ vào ít khoai, sắn trên nương rẫy. Nhìn căn nhà tạm bợ, cũ rách khiến ai cũng chạnh lòng, khi những đứa con của anh phải tự chăm sóc bản thân vì bố mẹ lên nương.
Cũng tương tự nhà ông Duy, chị Sùng Thị Ư, vừa bước qua tuổi 20 nhưng đã có đến 5 mặt con, đứa nhỏ nhất chỉ mới 1 tháng tuổi. Cuộc sống nghèo đói cứ bám riết mãi gia đình chị.
Những gia đình ở thôn Giang Đông hầu như đều có đến 5-6 người con, nhưng người dân ở đây do nhận thức thấp nên tình trạng tảo hôn ngày càng nhiều. Trong tư tưởng của họ luôn nghĩ “đông con tốt hơn đông của” nên cứ thế sinh đẻ vô kế hoạch.
Con cái nheo nhóc do nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. |
Đi một vòng ở thôn Giang Đông, chúng tôi không khó để tìm cặp vợ chồng là anh em, họ hàng với nhau. Người dân nơi đây đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức thấp, chưa nắm bắt được những hệ lụy có thể xảy ra nếu kết hôn cận huyết thống.
Ông Chảo A Pính, Phó thôn Giang Đông cho biết, hiện tại thôn vẫn xuất hiện nhiều cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống. “Con cô, con cậu vẫn lấy nhau, chỉ trừ trường hợp cùng họ mới không lấy”, ông Pính nói.
Cũng theo ông Pính, mặc dù thôn phối hợp cùng chính quyền địa phương đi tuyên truyền đến từng hộ gia đình nhưng do nhận thức thấp nên tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống vẫn tiếp diễn.
“Do trình độ dân trí thấp nên nhiều người dân tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Chính quyền đã có nhiều biện pháp tuyên truyền đến người dân nhưng “đâu lại vào đấy”. Tình trạng người dân trong thôn Giang Đông sinh con không kế hoạch ngày càng nhiều do người dân quan niệm con là lộc trời ban, có nhiều con sẽ nhiều của”, Ông Đinh Xuân Hạnh, chủ tịch UBND xã Ea Dăh nhận định.
Đô thị 09:22 | 06/10/2019
Du lịch 06:28 | 05/10/2019
Du lịch 19:10 | 25/09/2019
Kinh doanh 09:23 | 23/09/2019
Đô thị 14:14 | 08/08/2019
Du lịch 07:18 | 27/06/2019
Tiêu dùng 16:26 | 31/05/2019
Giáo dục 10:35 | 21/05/2019