Vốn khá vụng trong công việc bếp núc nên khi Chelsea chuẩn bị ăn dặm, chị rất lo lắng và hồi hộp. Để lựa chọn phương pháp ăn dặm thích hợp cho bé, chị đã tìm hiểu, nghiên cứu, đọc sách và tham gia các hội, nhóm trên mạng để học hỏi kinh nghiệm của các mẹ và tìm hiểu về các ưu, nhược điểm của các phương pháp.
Chị Ngọc Hằng và bé Chelsea |
Hành trình ăn dặm của hai mẹ con bắt đầu khi bé tròn 6 tháng. Ban đầu, chị lựa chọn phương pháp ăn dặm kiểu Nhật vì phương pháp này sẽ giúp bé cảm nhận rõ ràng từng hương vị của món ăn. Qua đó, mình sẽ biết con thích hay không thích món nào và món nào không phù hợp với cơ thể con. Những ngày này, chị cho bé ăn cháo rây, sau đó hấp các củ quả để bé ăn cùng.
Nhưng mỗi bé có một cá thể riêng biệt mang những tính cách khác nhau. Con sẽ không giống những bé khác. Chị nhận thấy rằng Chelsea không thích, không hợp tác khi mẹ đút mà chỉ hứng thú khi con tự ăn.
Sau 2 tuần thử nghiệm ăn dặm kiểu Nhật và tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy (BLW), chị quyết định chuyển sang phương pháp này và thỉnh thoảng kết hợp ăn dặm kiểu mẹ.
Ban đầu khi cho bé ăn dặm tự chỉ huy, chị Hằng cũng rất lo lắng. Thậm chí, chị cũng cảm thấy áp lực từ phía gia đình khi thay đổi phương pháp ăn dặm cho con vì ông bà phản đối, cho rằng con ăn thô sớm sẽ hại dạ dày, con sẽ bị hóc, con ăn ít.
Nhưng chị nhận thấy đây là phương pháp có nhiều lợi ích mang lại như: mỗi bữa ăn là một buổi “khám phá”, con tự quyết định mình ăn bao nhiêu, được tôn trọng lựa chọn thức ăn mình muốn ăn và con tự giác hơn. Vì vậy, chị lại kiên trì giải thích cho mọi người hiểu. Chị chia sẻ: “Rất khó để ông bà có thể chấp nhận ngay, nên mình dùng hành động, sự kiên nhẫn, quyết tâm để chứng minh”.
Chồng chị hiểu và ủng hộ nên chị có thêm lòng tin để vượt qua áp lực từ gia đình, kiên trì vững tin cho con ăn BLW. Tháng đầu tiên học kỹ năng, chị cho con ăn chủ yếu củ quả hấp, luộc. Thời gian đầu, Chelsea ăn rất ít nhưng sau 2 tuần chị thấy con tiến triển tốt hơn, hợp tác, hào hứng hơn, con xử lý thức ăn tốt.
Sau một tháng, bé hoàn thành tốt kỹ năng cầm, nắm, biết nhằn miếng to, nuốt miếng nhỏ. Lúc này, gia đình chị cũng dần xuôi theo và chấp nhận, ủng hộ vì thấy được kết quả tích cực của phương pháp này.
Giai đoạn dưới 1 tuổi, chị không quá lo lắng về việc bé ăn ít sẽ thiếu chất vì lúc này, dinh dưỡng của bé phần lớn đến từ sữa. Sau một tháng chỉ ăn củ quả hấp luộc, chị bắt đầu cho bé làm quen với tinh bột (cơm, bánh mì, mì, các loại bánh pancake tự làm …), đạm động vật (cá trắng, trứng, tôm, thịt…), đạm thực vật từ các loại đậu hạt. Trong mỗi bữa ăn, chị đều cân bằng đủ 4 nhóm dưỡng chất (tinh bột, đạm thực vật, đạm động vật, rau xanh cung cấp chất xơ và chất béo từ dầu ăn hoặc phô mai).
Những món ăn của bé đa phần là đồ hấp, luộc, áp chảo. Sau này, chị cũng nấu thành món như khẩu phần người lớn nhưng không nêm gia vị cho đến khi bé 9 tháng tuổi. Là người chuộng vị ngọt tự nhiên từ rau củ quả nên chị thường nấu dashi từ rau củ để tăng thêm hương vị cho món ăn.
May mắn khi chăm con toàn thời gian nên chị thường cầu kỳ trong khâu trang trí để hấp dẫn và kích thích sự tò mò của con. Chị cho biết, hầu hết các món mình nấu đều do chị mày mò nghĩ ra và tham khảo thực đơn của các mẹ khác để thay đổi cho phù hợp.
Chị Hằng thường tranh thủ 30-40 phút khi bé ngủ để chế biến thức ăn cho bé. Chị luôn cố gắng tim nguồn nguyên liệu sạch và trồng rau xanh tại nhà. “Mình không cấp đông thức ăn, nấu bữa nào ăn bữa đó. Thịt, cá, đồ tươi sống mình mua mỗi ngày để bé luôn có nguồn nguyên liệu tươi nhất”, chị Hằng cho hay.
Chelsea cũng trải qua những giai đoạn biếng ăn sinh lí nhưng điều mà chị lo nhất là tình trạng nhai nhả của bé mỗi khi chuyển giai đoạn hoặc tuần khủng hoảng, “Có khoảng thời gian mình thấy bế tắc khi bé nhai nhả kéo dài 2 tháng”. Những lúc như vậy, chị thường chế biến trang trí món ăn bắt mắt nhưng đơn giản nguyên liệu, tích cực đổi món và cấu trúc thức ăn để bé hứng thú hơn. Quan trọng hơn hết, mẹ phải tin tưởng bé chờ đợi và cùng bé đi qua khoảng thời gian này.
Hiện tại, Chelsea đã ăn dặm BLW được hơn 5 tháng và ăn 2 bữa chính vào lúc 10h-11h và 17h-18h, ngoài ra còn có bữa phụ lúc 15h. Chị cho biết, hiện giờ bé đang học xúc thìa và đến giờ ăn bé rất thích thú, luôn đòi ngồi vào ghế ăn. Tuy bé không ăn nhiều nhưng chị không quan trọng số lượng mà chỉ nhìn vào chất lượng mỗi bữa ăn. Bé ăn uống vui vẻ, không đi rong, không dùng thiết bị điện tử. Chị luôn tôn trọng con trong mỗi bữa ăn, con không muốn ăn mẹ cũng không ép.
Theo chị Hằng, dù ăn dặm theo phương pháp nào, mẹ cũng nên tạo cho con thói quen luôn ngồi ghế khi ăn, mỗi bữa ăn chỉ kéo dài 30 phút, không ăn rong, không thiết bị điện tử. Hãy để bé hiểu ăn uống là điều tự nhiên chứ không phải nghĩa vụ. Dù hôm nay con ăn chưa tốt nhưng chỉ cần mẹ kiên trì nấu nướng sẽ đến một ngày, con sẽ ăn tất cả những món mẹ nấu trong niềm vui.
Chị chia sẻ: “Mình cảm thấy rất hạnh phúc khi được nấu ăn cho con mỗi ngày và chăm lo cho gia đình. Nhìn con ăn những món mẹ nấu trong niềm vui khiến mình rất tự hào và được tiếp thêm động lực”.
XEM THÊM
Mẹ hãy thử làm ngay các món ăn phụ không dùng lò nướng cho con ăn dặm
Có những ngày mẹ bận rộn mà không muốn "lích kích" nhào bột, nướng bánh nhưng vẫn phải làm bữa phụ cho bé, hãy tham ... |
Để con ngon miệng, mẹ là cô giáo mầm non thường xuyên thay đổi thực đơn ăn dặm 3in1
Chị Huyền Linh (27 tuổi), mẹ bé Sam (7 tháng tuổi rưỡi) cho biết, Sam rất vui vẻ hợp tác với mẹ trong hành trình ... |
Thực đơn ăn dặm đảm bảo đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng của mẹ 9X
Với nhiều mẹ, ăn dặm chính là một cuộc chiến đầy nước mắt và khó khăn của cả hai mẹ con. Cho dù có bày ... |
Gợi ý cách làm 7 món cho bữa sáng của bé từ 12 tháng tuổi trở lên
Những món ăn ngon mắt, hấp dẫn không chỉ cung cấp nguồn năng lượng cho bé mà còn kích thích vị giác để bé hứng ... |
Con ăn dặm ngon lành nhờ mẹ tìm hiểu các phương pháp từ khi 4 tháng tuổi
Nguyễn Anh Thư (28 tuổi, Ninh Thuận) cho biết, chị lựa chọn phương pháp ăn dặm 3in1 và bé nhà chị rất hào hứng, hợp ... |
Những món cháo dinh dưỡng thơm ngon cho bé ăn dặm
Trong thời kỳ bé ăn dặm, các món ăn đều phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và đẹp mắt, thơm ngon để kích thích ... |
Bí quyết để con hào hứng ăn dặm của mẹ là cô giáo
Phan Thuỳ Na (28 tuổi), mẹ bé Cà Ri (23 tháng tuổi) cho biết, các món ăn chị làm hầu như đều không phức tạp ... |