Đối với bất cứ đứa trẻ nào, giai đoạn bé chuyển từ việc bú sữa mẹ hoàn toàn sang bữa ăn có một phần thực phẩm cũng là một hành trình đáng nhớ. Việc lựa chọn phương pháp ăn dặm cũng là một bài toán khó đối với nhiều người mẹ. Nhưng với những điểm cộng của mình, ăn dặm BLW thường được mẹ lựa chọn cho bé.
Chị Giang, 29 tuổi, hiện đang làm việc tự do cho biết, con trai chị bắt đầu ăn dặm lúc 6 tháng rưỡi. Ban đầu, chị cũng loay hoay tìm hiểu các phương pháp ăn dặm nào tốt nhất, tiện nhất, phù hợp với con nhất và đã lựa chọn ăn dặm bé tự chỉ huy.
"Mình đã từng chứng kiến có những em bé 2 - 3 tuổi mà vẫn chưa ăn được cơm, đồ ăn thô. Bé chỉ ăn đc đồ ăn xay nhuyễn và chỉ nuốt chứ không chịu nhai.
Dù thức ăn chỉ hơi gợn một chút cũng khiến bé nôn trớ. Hoặc cảnh những em bé mếu máo, gào khóc mỗi khi nhìn thấy bát cháo, bột và cả nhà lại trở thành diễn viên xiếc bất đắc dĩ, pha trò để con chịu ăn, hay mỗi lần đến giờ ăn lại cho bé xem tivi, điện thoại...
Tất cả những điều kể trên thực sự là một cuộc chiến, là nỗi sợ hãi không chỉ của các mẹ và còn cả các con cũng vậy", chị Giang tâm sự.
Chị Giang cùng cậu con trai nay được 9 tháng tuổi. (Ảnh: NVCC)
Khi tìm đến ăn dặm BLW, chị đã đọc, nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm của một số mẹ trên các hội nhóm, diễn đàn. Ăn dặm tự chỉ huy có thể giải quyết được những khó khăn trong giai đoạn chuyển tiếp của con.
Bé sẽ được tự ăn những gì bé muốn và quyết định mình sẽ ăn bao nhiêu. Con sẽ ăn trong sự thoải mái mà không cần ông bà, bố mẹ ép buộc, nhồi nhét.
Mỗi giờ ăn của con sẽ là mỗi lần con hào hứng mong chờ, chứ không phải chỉ trực trào nước mắt. Cho con ăn theo cách này, con có thể được ngồi ăn chung cùng cả nhà, vì thế bữa ăn của gia đình đều tràn ngập niềm vui và tiếng cười.
Chị Giang chuẩn bị mọi thứ và ghế ăn, cộng thêm việc làm công tác tư tưởng cho ông bà nội ngoại hai bên và chồng để sẵn sàng cho con ăn dặm theo phương pháp BLW.
Điều quan trọng cuối cùng còn lại là em bé có hợp tác với mẹ hay không, bởi 80% cách ăn dặm sẽ do em bé quyết định.
Có những mẹ chọn ăn dặm tự chỉ huy nhưng con nhất quyết không chịu cầm ăn, chỉ thích được mẹ đút cho ăn, không chịu nhai... nên mẹ đành phải quay lại cách ăn dặm truyền thống hoặc ăn dặm kiểu Nhật.
Chị Giang chia sẻ: "Con hợp tác với mình không ngờ trong những ngày đầu tiên. Con cầm đồ ăn cho vào miệng rồi nhai móm mém dù chưa có cái răng nào.
Con hào hứng đến nỗi mỗi khi mình chuẩn bị dọn phần ăn lên cho con là con vẫy tay chân thích thú. Từng biểu hiện của con càng làm cho mình thấy rằng mình đang đi đúng con đường".
Nhưng không phải ngày nào của em bé cũng sẽ giống như ngày hôm qua. Cũng có những lúc, bé vừa ngồi vào ghế ăn đã khóc lóc, đòi ra khi chỉ mới ăn được vài miếng.
Thực đơn ăn dặm tự chỉ huy cho bé những ngày đầu làm quen.
Nguyên tắc của BLW là không ép con ăn nên những lúc như vậy là chị lại dọn dẹp, cho con ra khỏi ghế ăn chứ không cố nhồi nhét thêm.
Có chuỗi ngày con không chịu ăn lên đến 3 - 5 ngày khiến chị nản chí vì mất công nấu nướng mà con vẫn biếng ăn.
Những lúc như vậy, chị Giang lại đọc thêm chia sẻ của các mẹ và xem thêm sách hướng dẫn, biết rằng con sẽ có những giai đoạn chán ăn như thế và việc của mình là kiên trì cùng con.
Không thể phủ nhận những lợi ích mà ăn dặm tự chỉ huy đem lại nhưng cho con ăn theo phương pháp này, chị Giang cũng phải đối mặt với một số khó khăn nhất định từ phía gia đình khi không nhận được sự ủng hộ của ông bà nội ngoại. Vì gia đình vẫn tư tưởng cũ ngày xưa là ăn dặm phải cho ăn bột cháo chứ "bé thế làm sao ăn thô được".
Hay cảnh tượng con ăn xong, chị phải dọn "bãi chiến trường" và bế con đi tắm. Việc cho con tự ăn cũng đồng nghĩa với việc bé trực tiếp cầm nắm thức ăn nhưng ban đầu, các em bé sẽ nghịch ngợm, ném, bóp nát rồi mới ăn. Thế nên chuyện bày bừa là không thể tránh khỏi.
Cho con ăn dặm BLW, mẹ sẽ vất vả trong giai đoạn đầu.
Để con ăn ngon miệng, chị liên tục phải đổi thực đơn các món ăn mới để kích thích vị giác của con. Vậy nên đối với chị Giang, công việc quan trọng không thể thiếu hàng ngày là nghĩ xem hôm nay sẽ làm cho con món gì.
Khi chế biến thức ăn cho con, mẹ phải nắm vững được kiến thức về các nguyên liệu làm các món cho con: giai đoạn này con ăn được những gì, chưa ăn được gì... để có thể tìm đúng loại thực phẩm theo đúng độ tuổi của con tránh trường hợp có những nguyên liệu thực phẩm mà con chưa đến độ tuổi ăn được mà mẹ đã cho ăn gây chướng bụng, tiêu chảy hoặc ngộ độc ở trẻ.
Ngoài ra thì khi chế biến đồ ăn cho con, cần giữ vệ sinh sạch sẽ, nguyên liệu nấu các món ăn cho con phải là đồ tươi mới, tránh dùng đồ đã để lâu ngày và không nêm nếm thêm gia vị để bé được tận hưởng toàn bộ vị thật từ các nguyên liệu tươi ngon trong mỗi bữa ăn.
Chị Giang cũng nhắn nhủ, nếu các mẹ muốn cho con ăn dặm tự chỉ huy nhưng sợ bé hóc thì nên tham khảo cuốn Ăn dặm không phải cuộc chiến và làm theo từng bước, từng giai đoạn. Khi lựa chọn được đúng nguyên liệu thực phẩm và cách chế biến thích hợp, bé sẽ không còn mắc nghẹn hay bị hóc.
Cùng tham khảo một số thực đơn ăn dặm BLW của chị Giang.