Quần thể kiến trúc miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc gồm 4 khu chính là chánh điện, võ ca, phòng khách và phòng Ban Quý tế. Trong đó, gian trong cùng của chánh điện được chọn là nơi đặt tượng Bà cùng nhiều cổ vật còn sót lại của nền văn hóa Óc Eo khi xưa.
Trước kia, miếu Bà chưa được khang trang như bây giờ. Lúc đầu miếu chỉ được lợp bằng tre lá, sau đó được xây dựng lại vào năm 1870 bằng gạch hồ ô dước. Vào năm 1972, các kiến trúc sư đã thiết kế lại cấu trúc của ngôi miếu và hoàn thành trùng tu vào năm 1976 để có được dáng vẻ hiện nay.
Nhìn từ xa, miếu Bà Chúa Xứ như một đóa sen uy nghi tọa lạc dưới chân núi Sam hùng vĩ. Không như những ngôi miếu khác, phần mái của miếu Bà được lợp bằng ngói ống xanh khác lạ và được thiết kế theo cấu trúc tam cấp. Trên tầng cao nhất của miếu, du khách có thể thấy một chóp nhọn có đèn chiếu sáng bên trong, tạo nên một tổng thể đồng điệu với từng lớp ngói cong cong dạng mũi thuyền ở ngay bên dưới.
Đi vào bên trong chánh điện, bạn chắc chắn sẽ trầm trồ trước những cột cổ lầu to được chạm trổ hình long phụng công phu và những khung cửa được điêu khắc vô cùng tinh xảo. Ngoài ra, ở đây còn đặt nhiều câu liên đối, hoành phi vô cùng đặc trưng, thể hiện nét sinh hoạt tâm linh đặc sắc của người dân vùng đất An Giang.
Đây là một lễ hội mang đậm giá trị văn hóa tín ngưỡng của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Lễ hội thường diễn ra từ ngày 23 - 27/4 âm lịch hàng năm, trở thành dịp để đông đảo du khách đến miếu Bà chiêm bái và vãn cảnh. Phần lễ thường bao gồm những nghi lễ chính như lễ “tắm bà”, lễ Thỉnh Sắc, lễ Túc Yết, lễ Chánh Tế và lễ Hồi Sắc. Mỗi nghi lễ được chia theo những khoảng thời gian nhất định trải đều trong suốt 5 ngày lễ hội.
Bên cạnh đó, phần hội là dịp để du khách tham gia các trò chơi tập thể vui nhộn, mang đậm dấu ấn của vùng đất linh thiêng này. Một số trò chơi điển hình trong lễ hội vía Bà Chúa Xứ như hát bội, múa võ, ca nhạc ngũ âm, múa lân, đánh cờ,...
Đặc biệt, ngoài chiêm ngưỡng nét đẹp của công trình kiến trúc tâm linh huyền thoại này, du khách đến viếng miếu Bà Chúa Xứ dịp này có thể xin lộc từ Bà nhằm cầu tiền tài, bình an và may mắn cho cả bản thân và gia đình.
Ngoài thời điểm lễ hội, miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc còn thu hút đông đảo du khách vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Vì là thời gian cao điểm nên thường xảy ra tình trạng kẹt xe, xô đẩy, chen lấn và cả lừa đảo, móc túi. Thế nên, du khách có thể cân nhắc đi vào những ngày bình thường như đầu tuần hoặc giữa tuần để tham quan miếu Bà một cách thoải mái và an toàn nhất.
Xem thêm: Du lịch An Giang
Miếu Bà Chúa Xứ nằm cách trung tâm thành phố An Giang khoảng 36km, do đó du khách có thể chạy xe máy dọc theo đường ĐT945 hay QL91 đến Kinh 4 tại huyện Châu Phú B, Thành phố Châu Đốc. Sau đó tiếp tục đi chuyển đến đường Châu Thị Tế/Tân Lộ Kiều Lương tại núi Sam để bắt đầu hành hương miếu Bà.
Đối với những du khách ở thành phố Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh, thành khác, bạn có thể đi xe khách theo hướng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương/ĐCT01 và di chuyển theo lộ các tỉnh lộ để đến được núi Sam. Một số nhà xe mà du khách có thể tham khảo như Huệ Nghĩa, Phương Trang hay Hùng Cường.
Heo quay là lễ vật thường thấy để dâng lên cúng Bà tại miếu Bà Châu Đốc. Do đó, du khách cần chủ động chuẩn bị trước chứ đừng nên thuê tại miếu vì sẽ rất bất tiện và không thể hiện được hết lòng thành. Ngoài ra, bạn cần hết sức lưu ý trông coi tư trang, đồ đạc cẩn thận, tránh tình trạng bị mất cắp và cướp giật trong quá trình hành hương.