Một khảo sát được thực hiện trên toàn cầu công bố ngày 11/6 cho thấy 86% người dùng Internet thừa nhận họ bị lừa do "tin giả", chủ yếu xuất phát trên mạng xã hội Facebook.
Khảo sát do hãng Ipsos thực hiện với sự tham gia của 25.000 người dùng Internet thuộc 25 quốc gia.
Theo đó, Mỹ đứng đầu trong số các nước ghi nhận tình trạng phát tán "tin giả", tiếp theo là Nga và Trung Quốc.
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: startupthailand).
Những người tham gia khảo sát cho biết thêm "tin giả" xuất hiện nhiều nhất trên mạng xã hội Facebook, tiếp đó là một số nền tảng khác như YouTube, Twitter và các trang blog.
Kết quả khảo sát cũng chỉ rõ người dùng Internet ở Ai Cập là "cả tin" nhất trong khi người Pakistan có thái độ "ngờ vực" nhất khi dùng Internet.
Khảo sát cũng cảnh báo sự tin tưởng giảm sút của người sử dụng Internet đối với các công ty quản lý mạng xã hội và mối quan ngại ngày càng tăng về vấn đề bảo mật trực tuyến.
Ảnh minh hoạ. ( asia.nikkei.com).
Những người tham gia khảo sát đều bày tỏ mong muốn chính phủ và các công ty quản lý mạng xã hội có biện pháp ngăn chặn tình trạng "tin giả" tràn lan, vốn khiến lòng tin của người dùng Internet giảm sút, tác động tiêu cực đến kinh tế cũng như chính trị của các nước.
Khảo sát trên được thực hiện thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp và qua trực tuyến, từ ngày 21/12/2018 đến ngày 10/2/2019, trên danh nghĩa của Trung tâm đổi mới quản trị quốc tế (CIGI).
Fake news là tin giả, tin vịt, tin chưa kiểm chứng. (Nguồn: VOX).
Theo định nghĩa của UNESCO, các tin giả và tin sai đều khác với báo chí chất lượng vì báo chí phải tuân thủ những tiêu chuẩn và đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, ở mức độ nào đó, báo chí kém chất lượng lại tạo điều kiện cho tin xuyên tạc, tin sai nảy sinh hoặc rò rỉ vào trong hệ thống tin thật.
"Trong bối cảnh tin xuyên tạc và tin sai ngày nay, nguy cơ cuối cùng không phải là sự kiểm soát báo chí một cách vô lý, mà là việc công chúng có thể hoài nghi tất cả mọi thứ, kể cả tin sự thật của báo chí. Theo kịch bản này, mọi người sẽ có khả năng tin tưởng vào bất cứ nội dung gì được các mạng xã hội của họ ủng hộ và phù hợp với cảm xúc mà bỏ qua quan tâm của lý trí" – đại diện UNESCO khuyến cáo.
Để phạt các nhà báo đăng tin giả và các tài khoản mạng xã hội đáng ngờ, chính quyền Ai Cập năm 2018 thông qua luật mới.
Theo đó, những tài khoản mạng xã hội và blog có hơn 5.000 lượt theo dõi trên các nền tảng như Twitter, Facebook sẽ bị đối xử như hãng tin, từ đó có thể bị truy tố nếu đăng tin sai sự thật hoặc kích động phạm pháp.
Hội đồng tối cao về Truyền thông Ai Cập chịu trách nhiệm giám sát và hành động trước các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, luật cũng cấm thành lập website mà không có giấy phép từ hội đồng và cho phép hội đồng chặn hay đình chỉ hoạt động của những website này hoặc phạt tiền biên tập viên.
Đồng thời nhấn mạnh nhà báo chỉ được quay phim tại các địa điểm không bị cấm.
Thời sự 21:00 | 14/06/2019
Thời sự 19:30 | 14/06/2019
Thời sự 11:33 | 14/06/2019
Thời sự 07:09 | 14/06/2019
Thời sự 21:48 | 13/06/2019
Thời sự 21:00 | 13/06/2019
Thời sự 19:31 | 13/06/2019
Thời sự 18:51 | 13/06/2019