Ly kỳ chuyện chăm ngựa bên trong trường đua 100 triệu đô | |
Một ngày trong trường đua ngựa 100 triệu USD |
Sau nhiều năm vắng bóng do trường đua Phú Thọ đóng cửa, những nài ngựa lừng danh ngày nào giờ đây mới tìm lại được thú vui, niềm đam mê bên những “chiến mã” khi trường đua Đại Nam được xây dựng và đi vào hoạt động. Ảnh: Văn Dũng |
Giấc mơ có thật
Cuối năm 2016, trường đua ngựa ở khu du lịch (KDL) Đại Nam (Bình Dương) đi vào xây dựng và kêu gọi những nài ngựa lừng danh một thời của trường đua Phú Thọ (TP HCM) trở lại sự nghiệp để chuẩn bị cho việc trường đua chính thức đi vào hoạt động dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Sau hơn một tháng kêu gọi, đã có 32 nài ngựa từng đoạt nhiều giải ở trường đua Phú Thọ “đầu quân” cho trường đua Đại Nam, bên cạnh đó còn có thêm 6 nài ngựa trẻ vừa được đào tạo.
Sau hơn 1 tháng kêu gọi, có 32 nài ngựa của trường đua Phú Thọ cũ đã về "đầu quân" cho trường đua Đại Nam. Ảnh: Văn Dũng |
Từng đạt nhiều giải quán quân tại các cuộc đua ngựa ở trường đua Phú Thọ, anh Nguyễn Minh Danh kể: “Năm 2011 trường đua Phú Thọ đóng cửa, tôi phiêu dạt khắp nơi rồi sau đó sang Nhật Bản xin làm chăm sóc ngựa tại một khu nuôi ngựa. Gia đình tôi đã 3 đời nuôi ngựa, “mùi ngựa” gắn với tôi từ thuở nhỏ nên ngoài nghề này tôi không biết làm gì khác để kiếm sống. Khi được lãnh đạo trường đua Đại Nam mời về, tôi lập tức nhận lời và về làm công tác quản lý, chăm sóc đàn ngựa”.
Đối với các nài ngựa, hạnh phúc nhất là khi họ được sống lại niềm đam mê vùng vẫy trên lưng các “chiến mã”. Khi trường đua Phú Thọ đóng cửa, nhiều nài ngựa lâm vào cảnh thất nghiệp và trải qua nhiều năm tháng phiêu dạt khắp nơi để kiếm sống.
Anh Phạm Trung Nghĩa (23 tuổi, quê Đức Hoà, Long An), một tay đua có 8 năm kinh nghiệm và từng giành nhiều giải quán quân các cuộc đua ở Phú Thọ cho biết, sau khi trường đua Phú Thọ đóng cửa, anh đã phải lặn lội xuống Kiên Giang, thậm chí sang tận Campuchia để tiếp tục gắn bó với nghề đua ngựa.
Nài ngựa Phạm Trung Nghĩa (áo xanh) đã phải lặn lội khắp nơi để mưu sinh sau khi trường đua Phú Thọ đóng cửa. Ảnh: Văn Dũng |
Chia sẻ về công việc của mình, anh Nghĩa nói rằng để trở thành “nài chiến” thực thụ, các nài phải rèn luyện như một vận động viên thể thao chuyên nghiệp. Ngay từ 4h sáng, các nài phải vệ sinh chuồng trại cho ngựa và tập luyện cùng vòng sân đấu rộng 1.800 m2 với đầy đủ các tư thế trên lưng ngựa qua các kỹ thuật phi tốc độ, bứt phá...
Tập luyện xong, nài lại làm phận sự của người nuôi ngựa, cho ngựa ăn uống, rồi tiếp tục luyện tập ca trưa, ca chiều.
“Tất cả nài ngựa đều phải thực hiện chế độ “ăn kiêng, ép xác”, giữ cho cơ thể không quá 40 kg. Kiêng ăn và kiêng cả ngủ. Mỗi tuần chỉ ăn vài bữa cơm vào những ngày cuối tuần và mỗi bữa chỉ được ăn hơn một chén”, anh Nghĩa tâm sự. Vì nài nhẹ sẽ giảm tải cho ngựa để có thể phi nhanh hơn. Đối với các nài ngựa việc hơn nhau 1-2kg cũng góp phần quan trọng vào việc thắng bại trên đường chạy.
Đánh đổi với hiểm nguy
Còn anh Nguyễn Minh Danh, một nài ngựa lão làng cho rằng đua ngựa là một môn thể thao khó vì ngoài nỗ lực cá nhân, các nài còn phụ thuộc vào ngựa. Nhiều con ngựa khi tập luyện rất hăng, bứt tốc tốt nhưng khi ra trường đua, thấy đông người lại hoảng sợ, hoặc trở chứng không nghe lời.
“Ngựa là con vật có tính khí thất thường nên người nuôi ngựa phải luôn thân mật, gắn bó với chúng bằng mối dây tình cảm đặc biệt. Vì vậy, không ai quản công chăm sóc, huấn luyện mà còn yêu quý ngựa như con thì mới có thể khiến ngựa đua tốt”, anh Danh chia sẻ.
Gắn bó trên lưng ngựa từ thủa niên thiếu, không ít lần anh Danh gặp phải những chấn thương từ các cuộc đua. Ảnh: Văn Dũng |
Nếu như các nài ngựa trẻ vẫn còn trong độ tuổi tráng niên thì đối với anh Danh, cái tuổi ngoài tứ tuần vẫn không cản được bước đam mê của anh. Năm nay 42 tuổi, ngồi lên lưng ngựa từ những năm 1989, và sau đó giải nghệ chuyển sang công việc làm trọng tài trường đua và chăm sóc ngựa nhưng anh vẫn thường “lướt gió” trên lưng ngựa.
Gắn bó trên lưng ngựa từ thủa niên thiếu, không ít lần anh Danh gặp phải những chấn thương từ các cuộc đua. Có những lần bị vó ngựa dẫm lên khiến bàn chân bị gãy xương, phải nằm viện phẫu thuật hàng tháng trời mới bình phục. Nhiều nài ngựa còn gặp phải tai nạn trên lưng ngựa nghiêm trọng hơn anh Danh như gẫy xương tay chân và xương sườn nhưng vẫn không ngăn được niềm đam mê trên trường đua.
Với họ một phần cũng vì thu nhập khá cao của nghề nhưng cái chính là niềm vui khi trên lưng ngựa. Theo các nài ngựa, với những tay đua xuất sắc của trường đua Phú Thọ trước đây đều có thu nhập không dưới 10 triệu đồng mỗi tháng.
Mỗi một đợt đua, người giành ngôi đầu sẽ được nhận 10% giá trị tiền độ. Tiền thưởng giảm dần theo thứ hạng nhưng những người thua cuộc (nằm ngoài top 5) cũng nhận được 100.000 đồng/lượt. Và mỗi tuần như vậy, một nài ngựa có thể tham gia từ 5, 6 cho đến cả chục cuộc đua.
Để “chiến mã” hiểu nài và ngược lại nài hiểu ngựa, họ thường dành hàng chục phút vuốt ve, chải lông cho ngựa của mình. Bên trong những chuồng ngựa ẩm ướt, đượm mùi phân, rơm rạ, cuộc đời của những nài ngựa lẫn “người bạn bốn chân” của họ luôn sôi động.
Theo các nài, để “chiến mã” hiểu nài và ngược lại nài hiểu ngựa, họ thường dành hàng chục phút vuốt ve, chải lông cho ngựa của mình. Ảnh: Văn Dũng |
Đam mê là thế, nhưng nghề nài ngựa có tuổi thọ rất ngắn, giai đoạn phong độ cao nhất chỉ kéo dài chừng vài năm. Và họ phải luôn là những “đứa trẻ không thích lớn” vì buộc phải “ép xác” liên tục.
Rất ít nài ngựa trụ được với nghề sau 3-4 năm vắt kiệt sức trong vó ngựa trường đua. Tuy nhiên, việc Đại Nam mở trường đua, với các nài ngựa họ đang hy vọng đổi đời và ra sức tập luyện.
Nói như một nài trẻ: “Tôi luôn cố gắng tập luyện để đạt giải quán quân kiếm được thật nhiều tiền để mua cho mình căn nhà và lo cho cuộc sống sau này. Và nếu được sẽ mở trại nuôi ngựa, khi ấy tôi sẽ phát triển đàn ngựa của mình và trở thành một chủ lò nổi tiếng”.
Thời sự 00:01 | 09/03/2017
Thời sự 14:00 | 06/03/2017
Thời sự 06:27 | 05/03/2017
Thời sự 23:35 | 02/03/2017
Thời sự 14:00 | 02/03/2017
Thời sự 12:36 | 30/01/2017
Thời sự 03:54 | 23/08/2016