Sau khi vội vàng đóng cửa từ 18h tối qua (24/3) theo “lệnh” của UBND TP HCM về quyết định tạm đóng cửa các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có công suất phục vụ 30 người trở lên, hôm nay (25/3) nhiều nhà hàng, quán ăn đã quyết định hoạt động trở lại với một hình thức khác: Chỉ chấp nhận mua về hoặc nhận đơn qua các ứng dụng giao thức ăn.
Hơn 12h trưa, Đ.Hồng - một nhân viên văn phòng tại khu vực quận Bình Thạnh “chốt đơn” trà sữa của các đồng nghiệp cùng cơ quan. Chị đặt hàng thông qua một ứng dụng giao nhận thức ăn. Hồng cho biết làm việc mùa dịch, cả văn phòng đều hạn chế ăn uống bên ngoài, nên thường sử dụng giao nhận thức ăn vừa nhanh chóng, tiện lợi, vừa không tiếp xúc nhiều người.
“Hôm qua biết tin các cửa hàng đều đóng cửa theo quyết định mới của thành phố, chúng tôi cũng lo lắng sẽ nhịn uống trà sữa hoặc cà phê trong thời gian dài. Nhưng trưa nay, trước khi đặt hàng, chúng tôi có liên hệ thương hiệu này và được xác nhận hiện các cửa hàng vẫn phục vụ mua mang đi bình thường”, Đ.Hồng cho biết.
Ngoài ra, chị cũng xác nhận hàng quán khu vực Phan Xích Long - một “thiên đường ẩm thực” quen thuộc của chị và các đồng nghiệp, hầu hết đều đã chuyển sang dịch vụ giao hàng tại chỗ, thay vì dùng trực tiếp tại cửa hàng.
“Muốn pizaa, mì Ý, trà sữa, cà phê, thậm chí lẩu cũng có. Chỉ cần đặt là khoảng 10 phút sau có hàng ngay”, chị Hồng nói.
Lực lượng tài xế giao nhận thức ăn của đủ các ứng dụng hiện nay như GrabFood, Go-Food, Now, Beamin trên các tuyến đường chuyên về ẩm thực của TP HCM như Phan Xích Long, Hai Bà Trưng, Sư Vạn Hạnh… trong hôm nay cũng tập trung đông hơn những ngày trước.
Họ chia thành từng nhóm, chỉ nhau kinh nghiệm quán ăn nhỏ nào còn mở cửa phục vụ tại chỗ; nhà hàng, quán trà sữa nào đã chuyển đổi công năng sang chỉ giao nhận, để di chuyển chính xác hoặc trực tiếp cập nhật, xác nhận với khách.
Theo ghi nhận, trong ngày đầu tiên TP HCM có lệnh tạm ngưng kinh doanh các cơ sở ăn uống có công suất phục vụ từ 30 người, hầu hết các nhà hàng chuyên về thức ăn nhanh như KFC, Lotteria, Pizza Hut… đều nhanh chóng chấp hình, và cũng ngay lập tức chuyển sang hình thức giao hàng online.
Các cửa hàng chuyên cà phê, trà sữa nổi tiếng theo mô hình chuỗi như Gongcha, Koi, Phúc Long, Highlands… cũng đều chấp nhận cho khách mua mang đi hoặc đặt hàng thông qua các ứng dụng giao nhận, nhằm giải quyết bài toán không nhận khách tại cửa hàng.
Phía King coffee cho biết bất ngờ nhận lệnh đóng cửa chóng dịch, nhiều nhân viên cũng lo lắng ảnh hưởng đến thu nhập. Tuy nhiên, hệ thống vẫn đảm bảo việc làm, lương thưởng cho người lao động với các hình thức bán mang đi, ship tận nơi theo yêu cầu khách hàng. Các nhân viên phục vụ tại từng cửa hàng vẫn đi làm bình thường và tham gia nhận đơn qua app, qua điện thoại, ship đến khách mua...
Ngay cả cửa hàng nhỏ cũng đồng lòng hưởng ứng chủ trường chống dịch của thành phố. Chị Km Duyên, chủ 1 quán cà phê quy mô nhỏ ở phường Phước Long B, quận 9, cho biết quán chị ngày thường khách ngồi tại chỗ cũng không quá 30 người. Tuy nhiên, để an toàn chống dịch, sáng nay chị cũng treo bảng thông báo chỉ phục vụ cà phê, nước giải khát cho khách mua mang đi.
Tăng cường bán thức ăn, cà phê, trà sữa mang đi để ứng phó với tình hình hiện nay, nhưng chính các cửa hàng cũng lo ngại, bởi vẫn có những thời điểm cánh shipper tập trung cùng lúc rất đông, nhất là cao điểm ăn trưa, tối.
Đây cũng có thể được xem là hình thức tập trung đông người, thậm chí khoảng cách giữa các shipper gần như là không có, bởi họ xếp hàng nối đuôi nhau chờ đến lượt nhận hàng, dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm trên cộng đồng.
Từ sau khi có quyết định của UBND TP HCM, ngoài việc không nhận khách tại chỗ, chuỗi The Coffee House cũng dừng luôn việc bán cho khách mang đi. Theo giải thích, chuỗi này cho rằng bán mang đi tức người mua vẫn phải đến cửa hàng, vẫn phải đi ngoài đường trong tình hình hiện nay.
The Coffee House chỉ áp dụng hình thức khách đặt hàng qua ứng dụng hoặc tổng đài, nhân viên của quán sẽ mang nước đến phục vụ tận nơi cho khách.
Tương tự, ông chủ một quán cơm nổi tiếng trên đường Calmette (quận 1) cũng cho biết cửa hàng của ông đã chuyển sang bán mang đi vài ngày qua. Ông cho rằng hình thức này có thể giúp doanh nghiệp vẫn trụ được trong tình hình “bết bát” chung hiện nay, vừa đảm bảo nhân viên vẫn có việc làm đầy đủ, mà không ai phải thất nghiệp về quê.
Tuy nhiên, ông lại đang bắt đầu lo lắng khi số lượng shipper của các ứng dụng đặt xe công nghệ đến nhận cơm quá đông vào giờ cao điểm. Họ nối đuôi nhau xếp hàng dài chờ đến lượt.
Dù ông đã nhiều lần khuyến cáo tài xế nên đứng xa nhau, khi nào có đơn của ai sẽ báo, nhưng do tài xế nào cũng muốn nhanh chóng, tiết kiệm thời gian nhận đơn hàng mới, tăng thu nhập nên vẫn diễn ra cảnh đông đúc, chen chúc tại quán.
Trong ngày đầu tiên "chuyển hình thức phục vụ" sau quyết định của UBND TP HCM, hầu hết doanh nghiệp lớn đều bắt kịp nhịp mới, có thể nhanh chóng thích ứng bằng cách bán hàng mang đi, tuy nhiên, cũng có những hàng quán dường như “bất động” hoàn toàn, bởi tính chất của mô hình kinh doanh.
Hàng loạt chuỗi nhà hàng lẩu nướng như King BQQ, GoGi House, Hotpot Story, Kichi Kichi… đã đóng cửa.
Trong mùa dịch, các nhà hàng này đang triển khai cùng lúc bán hàng tại chỗ và ship mang về. Nhưng trước quyết định mới nhất này của cơ quan chức năng, các chuỗi nhà hàng lẩu nướng vẫn chưa cho khách hàng biết các động thái tiếp theo của họ là gì, hoặc đang chuẩn bị một kế hoạch phù hợp để ứng phó.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020