Nghề đúc đồng trăm năm gặp khó khi cạnh tranh với hàng online

"Chưa năm nào chúng tôi phải giảm giá các sản phẩm nhiều như năm nay nhưng hàng vẫn không bán chạy vì người ta mua hàng online nhiều", ông Nguyễn Văn Nhường – Chủ nhiệm hợp tác xã Đúc Phú Lộc – Khánh Hòa cho biết.

Bán chậm dù đã giảm giá

Làng đúc đồng Phú Lộc Tây thuộc thị trấn Diên Khánh, TP Nha Trang - Khánh Hòa là một trong những làng nghề truyền thống trên trăm tuổi của xứ Trầm hương.

Hiện làng còn khoảng 18 hộ gia đình làm nghề với khoảng 40 người theo nghề. Trong đó khoảng 10 gia đình còn nấu đồng, các hộ khác chủ yếu làm khuôn và gia công các công đoạn liên quan.

Nghề đúc đồng trăm năm gặp khó khi cạnh tranh với hàng online - Ảnh 1.

Làng đúc đồng Phú Lộc Tây một làng nghề truyền thống lâu đời tại Khánh Hòa. (Ảnh: Khải An)

Làng đúc đồng Phú Lộc Tây là một trong những làng nghề đúc đồng nổi tiếng ở Nam Trung Bộ nên sản phẩm của làng cung cấp cho nhiều tỉnh thành như Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP HCM… và người dân Khánh Hòa.

Theo ông Nguyễn Văn Nhường - Chủ nhiệm HTX đúc Phú Lộc, làng nghề này có từ thời Vua Tự Đức. Các gia đình làm nghề đều do cha ông truyền lại.

Người trong làng làm việc quanh năm nhưng tập trung vào đợt cuối năm.Tuy đang là thời gian cao điểm của vụ hàng Tết nhưng không khí làm việc tại làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây, thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) khá trầm lắng.

Người trong làng cho biết, một phần do thời tiết mưa nhiều nên việc làm khuôn và "thổi đồng" không thể thực hiện vì dễ xảy ra hao hụt.

Ông Nguyễn Văn Đức - người đổ khuôn đồng lâu năm cho biết, thời điểm này năm trước mọi người căng sức làm việc nhưng năm nay không khí giảm hẳn. "Thời tiết cứ mưa suốt như thế này nếu đổ đồng sẽ bị hư hoặc hao hụt lớn, đồng không trong, chất lượng không đẹp. Nhưng hơn hết lượng hàng các mối đặt cũng giảm hẳn".

Nghề đúc đồng trăm năm gặp khó khi cạnh tranh với hàng online - Ảnh 2.

Tuy đang là vụ chính nhưng không khí làng nghề khá trầm lắng. (Ảnh: Khải An)

Theo ông Nhường, từ đầu năm giá đồng có giảm nên người dân phấn khởi trữ đồng để cuối năm làm hàng nhưng các đơn hàng không nhiều như những năm trước nên nhiều người đã kiếm việc khác làm.

"Chúng tôi phụ thuộc vào các đơn hơn từ các mối đặt nhưng năm nay giá sản phẩm đã giảm nhiều mà các đơn hàng vẫn ít. Qua tìm hiểu, mối lái nói do hàng thờ cúng bán trên mạng ngày một nhiều nên hàng truyền thống ở làng khó cạnh tranh dù chúng tôi đã giảm khoảng 5-10% tùy sản phẩm", ông Nhường nhận định.

Khó giữ nghề thủ công

Cũng theo ông Nhường cách làm của người trong làng đều theo phương pháp thủ công nên đồ đồng thờ cúng rất chất lượng và tinh xảo vì vậy giá thành cao hơn một số sản phẩm khác.

"Năm ngoài bộ đèn thờ cao 2,5 tấc có giá khoảng 3 triệu năm nay còn 2,8 triệu đồng, bộ 5 tấc có giá hơn 15 triệu đồng năm nay chào 15 triệu đồng vẫn không có nhiều khác đặt", ông Nhường chia sẻ.

Nghề đúc đồng trăm năm gặp khó khi cạnh tranh với hàng online - Ảnh 3.

Người thợ đang gặp khó khi cạnh tranh với hàng công nghiệp bán online. (Ảnh: Khải An)

Ông Biện Ngọc Truyền một người làm nghề lâu đời cho biết, năm trước nhà ông luôn có 4 - 5 thợ làm cả ngày và tăng thêm ca đêm mới đủ hàng cung cấp cho khách.

Năm nay, do thời tiết mưa nhiều nên năm nay không có hàng để làm, thợ chỉ làm được 50% công suất. "Vụ hàng Tết năm nào cũng có 80 - 100 bộ chân đèn thờ trong kho. Vậy mà năm nay chỉ có khoảng 10 bộ. Do đó, ông không dám nhận nhiều đơn hàng mà làm được đến đâu giao cho khách đến đó", ông Truyền cho hay.

Nói về việc giữ nghề, ông Nhường cho biết tất cả phụ thuộc vào thị trường. "Có người đặt hàng làm thì chúng tôi làm và nghề được lưu giữ. Giờ phải cạnh tranh gây gắt với hàng sản xuất đại trà và được bán online tuy mẫu mã có bắt mắt nhưng sử dụng vài năm là lên ten, xuống màu. Năm nào cũng như năm nay thì không biết cầm cự đến bao giờ", ông Nhường nói.

Nghề đúc đồng trăm năm gặp khó khi cạnh tranh với hàng online - Ảnh 4.

Quĩ đất để xây dựng nhà xưởng cho làng cũng không còn nên tiền hỗ trợ vẫn chưa được giải ngân. (Ảnh: Khải An)

Ông Nhường cũng cho biết, tỉnh có chính sách hỗ trợ làng nghề nhưng việc giải ngân gặp nhiều khó khăn nên tiền không đến được với người dân.

"Trong kế hoạch năm 2019, HTX được UBND tỉnh hỗ trợ hơn 400 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng sản xuất tập trung cho các hộ làm nghề, tránh việc gây ô nhiễm môi trường khi sản xuất tại khu dân cư. Tuy nhiên, thị trấn Diên Khánh đã hết quỹ đất cho HTX thuê. Do đó, đây cũng là khó khăn lớn trong phát triển làng nghề sắp tới.

Đó là chưa kể việc hỗ trợ nồi nấu đồng Graphite (loại 700kg và 200kg) cũng gặp khó trong công tác giải ngân nên tiền đã về đến huyện nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được để phát triển làng nghề để cái Tết những năm tới được sung túc hơn", ông Nhường cho biết.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.