Ngổn ngang lỗ hổng quản lý biểu diễn

Hiện chưa rõ bao giờ dự thảo Nghị định về quản lý nghệ thuật biểu diễn mới được hoàn thành để đưa lên mạng lấy ý kiến công chúng. Vì thế, những lỗ hổng quản lý nghệ thuật biểu diễn vẫn chưa thể lấp đầy.

Năm 2017 khép lại với hàng loạt “sự cố” của ngành nghệ thuật biểu diễn. Cấm biểu diễn rồi lại cho biểu diễn bài hát Con đường xưa em đi. Đưa thông tin liên quan đến cấp phép biểu diễn Quốc ca lên trang mạng của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Hoa hậu Đại dương lên ngôi hoa hậu dù không đủ tiêu chuẩn thi hoa hậu theo quy định của luật, và vẫn tiếp tục giữ vương miện khi việc vỡ lở… “Rõ ràng quy định và thực hiện quy định có vấn đề”, nghệ sĩ Đinh Công Đạt, người nhiều năm thiết kế mỹ thuật cho các sân khấu ca nhạc, nói.

Lúng túng duyệt bài hát

Hiện nay, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn của "thời kỳ" cấm hát bài Con đường xưa em đi đã chuyển sang làm công việc khác. Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đang tiến hành soạn thảo sự thảo nghị định mới về quản lý nghệ thuật biểu diễn xử lý các vấn đề tồn tại. Thông tin từ lãnh đạo cục cho biết dự kiến tới tháng 9 sẽ hoàn tất dự thảo để đưa lên mạng lấy ý kiến.

Về việc cấp phép biểu diễn những bài hát sáng tác trước 1975, hiện tại theo quy định vẫn cần có hồ sơ cấp phép. Sau khi hồ sơ được phê duyệt, bài hát sẽ được biểu diễn. Điều này sẽ dẫn đến việc các bài hát đã quen thuộc với công chúng như Lên đàng, Tự nguyện, Nối vòng tay lớn… cũng phải làm hồ sơ cấp phép. Về việc này, những bàn thảo đưa ra ý kiến: hoặc tiếp tục cấp phép lần lượt từng bài sau khi xét duyệt, hoặc có một danh sách các bài hát bị cấm. Về điều này, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng: “Với bài hát trước 1975, theo tôi nên lên danh sách bài bị cấm để người ta không dùng bài hát đó”.

Theo ông Trung, nếu đã duyệt danh sách bài hát được hát thì không nên tiếp tục duyệt chương trình nữa. “Cấp phép bài hát vẫn phải được phép phát hành, làm một lần rồi thôi. Chứ đừng đã cấp phép bài hát rồi lại còn duyệt chương trình. Nếu tiên tiến nhất thì không cần cấp phép, nếu vi phạm pháp luật thì bị thu hồi. Cũng chú ý là nếu muốn đánh giá tác phẩm nào có hợp thuần phong mỹ tục hay không thì nên có quy định cụ thể. Luật phải quy định chi tiết, cụ thể. Nếu sai thì phạt”, ông Trung nói.

Khung pháp lý cho hoa hậu, người mẫu

Chuyện thí sinh Lê Âu Ngân Anh không đủ tiêu chuẩn thi hoa hậu vẫn đoạt vương miện là một thách thức việc thực thi pháp luật. Theo đó, một đằng cô gái này đã vi phạm luật thí sinh hoa hậu phải có vẻ đẹp tự nhiên, một mặt khác chưa thể thu hồi vương miện của cô vì ban tổ chức chịu phạt chứ không chịu tước giải thưởng. Điều đó cho thấy kẽ hở của luật khi nhà quản lý không thể bảo đảm công bằng cho các thí sinh. Đặc biệt, trước đó chỉ bọc răng mà Nguyễn Thị Thành mất danh hiệu và việc đó thậm chí còn không phức tạp bằng phẫu thuật sửa mũi của Ngân Anh. Vì thế, nếu muốn giữ quy định về vẻ đẹp tự nhiên - vẻ đẹp chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ thì các quy định về thực hiện cần cụ thể.

Mặc dù vậy, xu hướng là những người trong lĩnh vực hoa hậu muốn bỏ quy định đẹp tự nhiên này. “Ở nước ngoài, thí sinh hoa hậu không được chỉnh sửa nhưng có một luật ngầm là ban tổ chức không chấm giải cao cho thí sinh sửa quá nhiều. Họ cho rằng thế là không công bằng với thí sinh khác”, bà Thúy Nga, Giám đốc Elite VN, nói. Bà Nga cũng cho biết ở các nước, việc chỉnh sửa răng hoàn toàn có thể chấp nhận được. Vì thế, theo bà Nga, luật không nên cấm thí sinh hoa hậu phẫu thuật. Việc chấp nhận hay không hãy để ban tổ chức cuộc thi quyết định.

Bà Nga còn cho biết trong trường hợp vẫn muốn hạn chế sự chỉnh sửa quá nhiều của thí sinh hoa hậu, có thể quy định rõ về những phẫu thuật không được làm. “VN có lẽ đang có nhiều người nghiện thẩm mỹ. Có những thí sinh thi hoa hậu trước và sau khi chỉnh sửa khác hẳn. Ở mức nào đó cũng khó cho cơ quan quản lý. Nên theo tôi, quy định của Bộ không nên cấm, còn để ban tổ chức cuộc thi quyết định. Nhưng nếu không cấm thì có thể tràn lan quá. Thì có thể nói là không cấm chỉnh sửa trừ không được nâng ngực hay gì đó. Quy định rõ ràng, cụ thể luôn”, bà Nga nói.

Một điều nữa cũng được yêu cầu đưa vào nghị định đang soạn thảo. Đó là việc có cần quy định chỉ số khối cơ thể (BMI) cho người mẫu lên sàn diễn không. Còn nhớ, người mẫu Cao Ngân đã xuất hiện trên sàn khi quá gầy ốm. Tại nhiều nước, người mẫu cần đạt số cân nhất định tương đương với chiều cao mới được lên sàn. “Những quy chuẩn phải được xây dựng khoa học, được tham vấn bởi các nhà thiết kế, các chuyên gia y tế… để tránh những hệ lụy không cần thiết. Rất nên, vì người được bảo vệ tốt nhất chính là người mẫu”, đạo diễn Việt Tú nói.

Theo bà Thúy Nga, Giám đốc Elite VN, cần bỏ quy định phải top 3 cuộc thi hoa hậu trong nước mới được đi thi đi quốc tế: “Có nghĩa là miễn có giải trong nước, và hồ sơ được ban tổ chức cuộc thi nước ngoài chấp nhận, thì cho đi thi. Chứ không thì thiệt thòi cho thí sinh VN quá”.
chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.