Mấy ngày gần đây, một nhóm hơn 10 người dân thực hiện công việc đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc (Khánh Hòa).
Nhóm người nói trên bắt đầu đếm xe tại trạm Ninh Lộc từ ngày 26/2 và cho biết sẽ kiểm đếm xe tại trạm BOT Ninh Lộc đến ngày 4/3.
Sau khi dựng một lán trại trái rồi bị cưỡng chế tháo dỡ do trái quy định, nhóm người này đã chuyển lán trại đó đến một nhà khác.
Hai người ngồi kiểm đếm xe tại Trạm BOT Ninh Lộc. (Ảnh: An Bình/Zing.vn).
Theo tinh thần chung của pháp luật Việt Nam là người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm.
Các trường hợp hạn chế quyền công dân và quyền con người phải được pháp luật quy định, nếu không có quy định cụ thể của pháp luật, không ai có quyền tước đoạt hoặc hạn chế quyền công dân, quyền con người của người dân.
Và hiện nay, không có quy định nào liên quan đến việc cấm người dân đi ra đếm lưu lượng xe đi qua một nơi, khu vực nào đó.
Tại khoản 2, điều 1 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội...
Trong trường hợp này, bất kể cơ quan nào muốn "cấm" phải có thẩm quyền và được pháp luật quy định.
Trường hợp có hành động gây rối, gây khó dễ tới hoạt động thu phí, gây mất trật tự tại khu vực trạm BOT thì sẽ bị xử phạt theo quy định.
Cụ thể, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo đó, hình thức xử lý hành vi gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức là một trong những nội dung quan trọng và được quy định tại Điểm h Khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức.
Mức phạt này đồng thời áp dụng đối với các hành vi:
- Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng.
- Thuê hoặc lôi kéo người khác đánh nhau.
- Gây rối trật tự tại phiên tòa, nơi thi hành án hoặc có hành vi khác gây trở ngại cho hoạt động xét xử, thi hành án.
- Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác.
- Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước.
- Tập trung đông người trái pháp luật tại nơi công cộng hoặc các địa điểm, khu vực cấm.
Hành vi gây rối trật tự công cộng được cấu thành nếu gây hậu quả nghiêm trọng như: Cản trở giao thông, ùn tắc giao thông trong nhiều giờ đồng hồ; Cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội…; Thiệt hại về tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên.
Theo đó, đối với việc tụ tập tại trạm gây ùn tắc giao thông, người gây ra hành vi này có thể bị xem xét xử lý theo Điều 261, Bộ luật Hình sự về tội "Cản trở giao thông đường bộ". Nếu hành vi này gây thiệt hại tài sản lớn (từ 100 triệu đồng trở lên), người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, bị phạt tù từ 2 - 7 năm.
Những hành vi cố tình chống đối, gây rối tại trạm BOT nếu cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ, người vi phạm sẽ bị xử lý theo Điều 245, Bộ luật Hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng".
Người phạm tội trong trường hợp này sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm: Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách; Có tổ chức; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức Hợp đồng BOT, trong đó yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần trực tiếp chỉ đạo giải quyết triệt để tình hình mất an ninh trật tự trên địa bàn, lập tức có các biện pháp xử lý nghiêm đối với những đối tượng hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, cùng với Bộ Quốc phòng, Công an các địa phương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, xử lý ngay những đối tượng cố tình vi phạm; nhất là những thành phần lái xe có hành vi cản trở giao thông, phá hoại trang thiết bị tại trạm thu giá; các tổ chức, cá nhân có hành vi gây rối, chống phá, phản động. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố để điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, một trong những trọng điểm mà các tổ chức gây rối thường tập trung vào các dự án BOT. Bộ trưởng Thể đề nghị Bộ Công an, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương cũng như các nhà đầu tư tích cực hỗ trợ việc giữ gìn an ninh trật tự ở các trạm này.
Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về vấn đề tại BOT Ninh Lộc, lãnh đạo Bộ GTVT đã nhận định có một số đối tượng quá kích, gây mất an ninh trật tự, đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo lực lượng làm rõ.
Theo Dân trí