![]() |
Cô gái 9X yêu cộng đồng LGBT đến nỗi... chia tay người yêu |
Cộng đồng người khuyết tật là một trong những nhóm thiểu số vẫn còn gặp nhiều trở ngại trong quá trình tự tin hòa nhập xã hội. Đặc biệt đối với người khuyết tật có xu hướng tính dục đồng tính, song tính hoặc bản dạng giới khác với cơ thể mình sinh ra, họ càng gặp nhiều khó khăn hơn khi hiện diện.
Thấu hiểu cuộc sống của người khuyết tật LGBT, bà Võ Thị Ngọc Mai (SN 1960, Vũng Tàu), nguyên Chủ tịch Hội người khuyết tật TP Vũng Tàu đã trở thành thành viên tích cực trong Hội cha mẹ, người thân và bạn bè của người LGBT ( PFLAG Việt Nam).
![]() |
Bà Võ Thị Ngọc Mai. (Ảnh: NVCC). |
Là một người có nhiều kinh nghiệm, bà Ngọc Mai có nhiều chia sẻ về chủ đề người khuyết tật LGBT đang cố gắng phá vỡ rào cản định kiến hòa nhập vào xã hội.
- Động lực nào khiến bà quyết định tham gia các hoạt động cộng đồng LGBT?
Làm công tác xã hội trong 15 năm qua, tôi có dịp gặp và tiếp xúc với nhiều người LGBT. Tôi thấy họ rất thiệt thòi khi bị xã hội kì thị. Đến hiện tại cũng chưa có chính sách cụ thể nào để họ được hưởng lợi như bao người khác.
Họ gặp nhiều thăng trầm trong cuộc sống, từ gia đình cho tới xã hội. Một số bậc cha mẹ còn nghĩ con mình là LGBT nghĩa là mắc bệnh và tìm mọi cách chữa chạy. Số khác thì nghĩ con họ đua đòi, chạy theo trào lưu cuộc sống mới. Không nhiều người hiểu được LGBT là ai.
Bản thân tôi lại cảm thấy đồng cảm và rất yêu mến con người họ. Cũng từ chính sự thiệt thòi của bản thân mình, tôi càng thấm thía hơn cuộc sống của những người LGBT.
Tôi đã dự qua 2 mùa Vietpide tại Vũng Tàu năm 2016-2017. Năm nay tôi chính thức tham gia các hoạt động LGBT. Nhờ những phụ huynh có con LGBT động viên, giúp đỡ, tôi đã có cơ hội trở thành một thành viên của PFLAG Việt Nam.
Sự kiện đầu tiên tôi tham gia là Tập huấn về Truyền thông cho PFLAG và NEXTGEN (Chương trình Lãnh đạo trẻ hoạt động vì quyền LGBTI) toàn quốc của trung tâm ICS tổ chức tại Đà Lạt ngày 10/11-08-2017.
Sau đó tôi thường xuyên hỗ trợ tư vấn cho các bạn trẻ tại Vũng Tàu và tham dự các buổi tập huấn từ phía trung tâm ICS.
- Là người lãnh đạo, kết nối các hoạt động hội người khuyết tật, bà đã gặp trường hợp người LGBT khuyết tật nào? Bà suy nghĩ thế nào về cuộc sống hiện tại của người LGBT khuyết tật?
Tôi đã gặp 3 bạn trẻ người khuyết tật là một phần của cộng đồng LGBT. Đây là những bạn đã công khai với tôi. Con số này có thể lớn hơn. Nhưng các bạn đa phần đều giấu xu hướng tính dục của mình, không đủ tự tin bộc lộ ra ngoài. Với người khuyết tật, họ suy nghĩ nặng nề và bị áp lực liền một lúc 2 thứ, sự khiếm khuyết về thân thể và sự khác biệt của xu hướng tính dục. Cho nên họ giấu mình cũng là điều dễ hiểu.
![]() |
Bà Mai chụp ảnh cùng Giám đốc trung tâm ICS tại một buổi tập huấn. (Ảnh:NM) |
- Việc không công khai, không hiện diện, không chia sẻ có là sự thiệt thòi với người LGBT khuyết tật?
Đa số các em tâm sự rằng, họ nhận ra mình là ai từ năm cấp 2. Một số bạn là con một trong gia đình. Người khuyết tật cũng đã tự ti, ít hòa nhập vào xã hội. Khi là người LGBT, họ càng mặc cảm và sợ hãi, không dám tự tin bộc lộ giới tính của mình ra bên ngoài.
Họ lo cha mẹ buồn, sợ xã hội kì thị nên càng giấu kín bản thân với suy nghĩ riêng. Điều đó chỉ càng khiến họ thiệt thòi hơn. Vì các cụ xưa đã nói, ‘con có khóc mẹ mới cho bú’. Nếu các bạn không hiện diện, chia sẻ thì xã hội cũng làm sao mà biết và thấu hiểu.
- Theo bà, nên làm gì để có thể giúp đỡ cộng đồng người LGBT khuyết tật tự tin hòa nhập với xã hội?
Việc đưa thông điệp yêu thương, chia sẻ và hướng cho họ có hướng nhìn tích cực hơn, hiểu về luật lao động và quyền con người trong các chính sách dành cho người LGBT sẽ khiến cộng đồng người khuyết tật LGBT thêm tự tin.
Chúng ta nên động viên họ tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Nếu các bạn tự chủ được bản thân có cách nhìn thấu đáo, các bạn sẽ là những người có ích cho xã hội.
![]() |
Bà Mai (ngoài cùng bên trái) trong buổi tập huấn dành cho Pflag. (Ảnh: ML) |
- Nhìn lại một chặng đường đã qua, cảm xúc của bà như thế nào?
Tôi rất vui vì qua những lần tham dự, tôi được bổ sung khá nhiều kiến thức cho việc làm công tác xã hội mà cụ thể là phong trào LGBT tại địa phương và rộng hơn là các tỉnh thành. Càng ngày, trong tôi đều thôi thúc cảm giác cố gắng hơn nữa trong thúc đẩy phong trào LGBT.
- Những dự định trong tương lai mà bà đang muốn triển khai để phát triển cộng đồng LGBT tại tỉnh nhà cụ thể là gì?
Bản thân tôi thấy, các tỉnh khác đang có nhiều hoạt động sôi nổi như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Cần Thơ… Riêng Vũng Tàu, các bạn trẻ dù nhiệt tình nhưng vẫn chưa có sự va vấp, còn thiếu kĩ năng. Tôi nghĩ, trong thời gian tới, các buổi tập huấn hay trải nghiệm từ các phong trào sẽ khiến các bạn có bước đi tốt hơn. Quan trọng ở thời điểm này là tăng cường hoạt động giao lưu và học hỏi giữa Vũng Tàu với các tỉnh thành.
- Cám ơn bà về những chia sẻ hữu ích!
'Đọc thêm'
![]() |
Cặp đôi đồng tính nam 'vừa gặp là muốn yêu' và hành trình thuyết phục bố mẹ
Cặp đôi đồng tính nam Hiếu Nakull - Thiên Huỳnh đã có những chia sẻ về quãng thời gian khó khăn khi quyết định công ... |
![]() |
Hơn 100.000 người đổ xô đến cuộc diễu hành tự hào nhất của LGBT ở Châu Á
Vừa qua, hơn một trăm nghìn người đã tới thành phố Đài Bắc để tham dự cuộc diễu hành tự hào nhất của LGBT ở Châu ... |