Luật Kinh doanh doanh bất động sản 2023 (cùng với Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024) đang được xem xét cho phép thi hành từ ngày 1/7, sớm hơn nửa năm so với mốc thời gian được quy định ban đầu là ngày 1/1/2025.
Trước đó, vào đầu tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu các cơ quan xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản, bảo đảm đủ điều kiện để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép thi hành sớm.
Ngày 24/4, Bộ Xây dựng đã có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị cho phép Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực sớm. Theo Bộ này, đây là đạo luật quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Luật sửa đổi có nhiều nội dung mới giúp tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; thiết lập công cụ kiểm soát quản lý thị trường bất động sản.
Đến ngày 17/5 vừa qua, tại Nghị quyết 72 và 73, Chính phủ chính thức đồng ý với đề xuất về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản (cùng với Luật Nhà ở và Luật Đất đai) theo hướng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7.
Theo Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội Việt Nam, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua có ý nghĩa tích cực khi vừa bảo vệ lợi ích cho người mua nhà, vừa tạo điều kiện cho người mua có quyền lựa chọn đối với sản phẩm nhà ở.
Đối với nhà ở hình thành trong tương lai, luật yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành các nghĩa vụ tài chính về đất đai và hàng loạt văn bản khác như giấy phép xây dựng, nghiệm thu hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật/nền móng… từ cơ quản lý nhà nước trước khi thu tiền đặt cọc, ký hợp đồng mua bán với người mua. Điều này góp phần đảm bảo quyền lợi cho người mua khi giao dịch.
Việc chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính đồng nghĩa với việc người mua cũng được đảm bảo về việc được cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng nhà và tài sản gắn liền với đất sau này.
“Trước đây, với một số dự án, thậm chí tới khi được bàn giao nhà và vào ở, người mua vẫn chưa nhận được giấy tờ chứng nhận về quyền sử dụng nhà và tài sản gắn liền với đất. Lý do bởi chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước. Khi luật này có hiệu lực sẽ giúp củng cố niềm tin từ phía người mua khi giao dịch mua bán nhà ở.
Bên cạnh đó, người mua có quyền lựa chọn không có bảo lãnh từ tổ chức tín dụng cho các nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với mình. Việc cho phép này tạo ra sự linh hoạt và giảm chi phí, thủ tục cho cả hai bên. Tuy nhiên, người mua cũng cần cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích khi yêu cầu chủ đầu tư thực hiện điều này”, bà Hằng nói.
Nhìn chung, Luật Kinh doanh Bất động sản mới hướng rất nhiều đến việc bảo vệ lợi ích cho người mua, đồng thời yêu cầu chặt chẽ hơn từ phía chủ đầu tư trong việc bán sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai. Đây là sự thay đổi cần thiết để giúp thị trường bất động sản minh bạch, rõ ràng và phát triển bền vững hơn trong tương lai.