Trước khi được gọi là “Người phụ nữ xấu nhất thế giới”, Mary Ann Bevan (sinh năm 1874 tại Newham, London) cũng từng có cuộc sống bình thường như bao thiếu nữ khác. Lớn lên Mary trở thành y tá, kết hôn với Thomas Bevan và có 4 đứa con.
Mary sở hữu nhan sắc tầm trung, dù không xinh đẹp xuất sắc nhưng cũng thuộc mẫu người ưa nhìn. Cuộc đời của bà trải qua những năm tháng êm đềm cho đến khi sinh con chưa được bao lâu, Mary có các biểu hiện bệnh kì lạ và ngày càng xấu xí. Đầu của bà trở nên to bất thường, gương mặt chảy xệ gây ra sự mất cân xứng.
Các bác sĩ đương thời chẩn đoán bà mắc bệnh to đầu chi hay còn gọi là acromegaly do rối loạn hormone gây ra. Trên thế giới, cứ 100.000 người sẽ có khoảng 6 người mắc bệnh.
Nhan sắc của Mary Ann Bevan trước và sau khi mắc bệnh to đầu chi. (Ảnh: Beautifultopic)
Đằng sau sự mất cân xứng về ngoại hình, những người mắc bệnh to đầu chi như Mary phải sống cùng các cơn đau nửa đầu, đau cơ và mất dần thị lực. Căn bệnh khiến Mary không thể đi lại và phải ngồi lì trên ghế. Bà mất đi công việc hiện tại, sống phụ thuộc vào chồng.
Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì Mary Ann Bevan phải chịu đựng. Năm 1914, người chồng qua đời. Đó là cú sốc về tinh thần và bước ngoặt lớn đối với bà và các con. Cuộc sống của năm mẹ con rơi vào cảnh nghèo đói, nhất là khi người trụ cột duy nhất trong nhà không thể đi lại như những người bình thường khác.
Gia đình của Mary Ann Bevan. (Ảnh: Twitter)
Năm 1920, cuộc thi kì lạ mang tên “Hoa hậu thân thiện nhất” được tổ chức nhằm tìm ra người phụ nữ xấu xí nhất thế giới. Lúc này, Mary đã tham gia và giành chiến thắng. Chẳng ai muốn bị chê xấu, nhất là với phụ nữ, sự xấu xí khiến họ trở nên tự ti và bị chê cười. Nhưng vì hoàn cảnh nghèo khó, Mary Ann đã hi sinh để nhận sự sỉ nhục từ người khác, đổi lấy 50 USD tiền thưởng.
Sau khi chiến thắng cuộc thi, cuộc sống của gia đình Mary trở nên sung túc hơn nhờ những hợp đồng biểu diễn của bà trong “Chương trình kì dị” với gánh xiếc Dreamland ở Coney Island. Ngoài ra, bà còn là diễn viên xiếc nhờ ngoại hình khác thường.
Công chúng đương thời háo hức chờ đợi để chiêm ngưỡng "nhan sắc" của người phụ nữ xấu xí nhất thế giới. Mary còn phải đi bộ một quãng đường dài để thu hút khán giả, mặc cho đôi chân đau đớn, cơ thể đầy vết thương nhiễm trùng cấp tính.
Những đứa trẻ khi nhìn thấy ngoại hình của Mary thì sợ hãi, chúng ném đá, ném lá và gọi bà là “con quái vật đáng sợ”. Mary chỉ biết bật khóc và nói: “Bác yêu quì các cháu, nhìn các cháu thật giống với mấy đứa con của bác”.
“Người phụ nữ xấu xí nhất thế giới” tiếp tục công việc đầy đau đớn và nhục nhã ấy cho đến hơi thở cuối cùng trên sân khấu. Giữa buổi biểu diễn năm 1933, khi khán giả vỗ tay, Mary gục xuống và tạm biệt cuộc đời nhiều nước mắt.
Sự cố gắng của Mary Ann Bevan đã giúp con cái trang trải chi tiêu và học hành thành tài. Đến những năm 2000, chân dung của Mary được sử dụng trên một tấm thiệp sinh nhật ở Anh. Nhưng sau đó sự kiện này nhận được nhiều khiếu nại vì cho rằng đây là hành động thiếu tôn trọng phụ nữ mắc bệnh to đầu chi.
Acromegaly (to đầu chi) là căn bệnh hiếm gặp do rối loạn hormone tăng trưởng dư thừa (GH) gây ra. Hormone này do tuyến yên sản sinh, khi nồng độ GH vượt quá mức cho phép sẽ khiến cơ thể hình thành các khối u trong tuyến yên. Người mắc bệnh to đầu chi có biểu hiện ban đầu thường là bàn tay và bàn chân to bất thường. Ở một số người có thể xuất hiện hiện tượng này trong vùng trán, hàm và mũi.
Ngoài ra, một số biểu hiện bên ngoài khác của bệnh như da sần sùi, lông mày rậm đột ngột, khoảng cách giữa các răng thưa khác thường, ngứa ran và thiếu cảm giác ở tay và chân, đổ mồ hôi nhiều, đau đầu, giọng nói trầm hơn suy giảm thị lực. Căn bệnh không mang tính di truyền.
Để chẩn đoán, các bác sĩ cho bệnh nhân uống dung dịch glucose và đo nồng độ hormone tăng trưởng. Ngoài ra, bác sĩ còn có thể phát hiện ra bệnh bằng cách đo nồng độ insulin trong máu.
Để đổi lấy tiền bạc nuôi sống gia đình, Mary phải chịu đau đớn thể xác và sự sỉ nhục. (Ảnh: Hotsta)
To đầu chi là căn bệnh gây giảm tuổi thọ đến 10 năm. Một nghiên cứu tại Mỹ đăng trên Medical Newstoday cho biết cứ 1 triệu người Mỹ thì có đến 60 người mắc bệnh.
Bệnh to đầu chi có thể gây ra những biến chứng như viêm khớp và hội chứng ống cổ tay, xơ gan và tăng sản ống mật, tăng huyết áp, đái tháo đường (thừa GH dẫn đến kháng insulin), suy tim, suy thận, ung thư đại trực tràng, mất thị lực, tăng tiết mồ hôi lòng bàn tay và sản xuất bã nhờn trên mặt (bã nhờn).
Hiện nay có 3 cách chính để điều trị bệnh, bao gồm:
- Phẫu thuật: Bằng cách loại bỏ khối u tuyến yên, phương pháp phẫu thuật có thể ngăn chặn sự sản xuất GH quá mức và giảm áp lực lên các mô xung quanh. Tuy nhiên, ngay cả khi loại bỏ khối u thì bệnh cũng không thể điều trị dứt điểm, do đó cần có những biện pháp chăm sóc hậu phẫu để tránh tái mắc.
- Xạ trị: Đây là cách điều trị thường được sử dụng sau khi phẫu thuật loại bỏ khối u. Nhưng nếu xạ trị, bệnh nhân có thể mất tới 10 năm để cân bằng lại hormone.
- Sử dụng thuốc: Aclicgaly có thể được điều trị bằng thuốc nếu phẫu thuật được chẩn đoán là quá rủi ro hoặc không thể thực hiện do vị trí của khối u.
Các loại thuốc để điều trị bệnh to đầu chi bao gồm các thành phần: somatostatin (SSAs), dopamine và chất đối kháng thụ thể hormone tăng trưởng (GHRA). Các chất này có tác dụng ngăn chặn sự tăng trưởng nhanh chóng của các hormone tuyến yên.