Nguồn cung đất nền phía nam dự báo tăng trong quý IV, chuyên gia gợi ý một số khu vực tiềm năng

Dự báo quý IV/2023, nguồn cung đất nền ở TP HCM và vùng phụ cận sẽ tăng nhẹ. Theo TS.Đinh Thế Hiển, những khu công nghiệp mới nằm ở các khu có cơ sở hạ tầng tốt, có hệ thống giao thông thuận tiện, có cảng biển,... sẽ là những nơi có sức tụ dân trong tương lai, từ đó mới có cơ hội để giá trị đất gia tăng.

Gần 300 nền đất tại vùng ven TP HCM được ra hàng trong ba tháng qua

Báo cáo diễn biến thị trường bất động sản TP HCM & vùng phụ cận do DKRA công bố mới đây đã chỉ ra trong quý III/2023, phân khúc đất nền ở khu vực này có 3 dự án mới và 3 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo, tỷ lệ tiêu thụ đạt 25%.

Về nguồn cung mới, toàn khu vực bổ sung thêm 271 nền, giảm 79% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tiêu thụ mới cũng trong tình cảnh tương tự khi ghi nhận 68 nền, giảm 82% so với quý trước và giảm 88% so với cùng kỳ năm trước.

 Diễn biến nguồn cung và tiêu thụ đất nền mới theo quý (Nguồn: DKRA Group). 

Xét theo địa phương, Long An là nơi có tỷ lệ nguồn cung đất nền nhiều nhất toàn khu vực khi chiếm 47%, kế đến là Đồng Nai với 24%, Bình Dương với 21%, Tây Ninh với 8%. Còn TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu đều không ghi nhận nguồn cung mới trong quý III.

Xét theo giá bán của dự án mới, Long An tiếp tục là tỉnh dẫn đầu khi có dải giá rộng nhất. Giá bán cao nhất và thấp nhất lần lượt là 60,1 và 18,3 triệu đồng/m2. Lượng tiêu thụ mới ở tỉnh này cũng chiếm 57% toàn khu vực trong quý III.

Trong khi đó, giá đất nền mới ở các địa phương còn lại không có sự chênh lệch quá lớn. Giá bán ở Đồng Nai là 11,8 - 16,6 triệu đồng/m2; ở Bình Dương 15,4 - 16 triệu đồng/m2 và ở Tây Ninh là 5,2 - 7,2 triệu đồng/m2.

DKRA nhận định, mặt bằng giá bán sơ cấp không biến động nhiều so với lần mở bán trước đó, tuy nhiên ghi nhận mức tăng 1 - 3% so với cùng kỳ. Còn đối với các sản phẩm thứ cấp, giá bán giảm trung bình từ 8 - 12% so với đầu năm 2023 và chủ yếu giao dịch ở nhóm dự án đã hoàn thiện hạ tầng, pháp lý.

Long An dẫn đầu thị trường quý III/2023 khi chiếm 47% tỷ trọng nguồn cung và 57% lượng tiêu thụ mới (Nguồn: DKRA). 

Dự báo diễn biến thị trường đất nền, nguồn cung trong quý IV có thể sẽ tăng nhẹ so với quý III, dao động ở mức từ 350 - 420 sản phẩm.

Những sản phẩm này tập trung chủ yếu ở các vùng phụ cận TP HCM như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Tây Ninh,... Các khu vực còn lại được dự báo sẽ tiếp tục tình trạng khan hiếm nguồn cung mới.

Về giá bán, mặt bằng giá sơ cấp được dự báo không có nhiều biến động. Nhằm kích cầu thị trường, các chủ đầu tư sẽ tiếp tục áp dụng thêm nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu sản phẩm. Trong khi đó, ở thị trường thứ cấp, thanh khoản nhiều khả năng vẫn sẽ ở mức trung bình.

 Một dự án đất nền ở TP HCM (Ảnh: Hoàng Huy). 

Đầu tư đất nền khu vực nào trong giai đoạn này?

Chia sẻ tại một hội thảo do CafeLand tổ chức mới đây, TS Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế đã đưa ra lời khuyên dành cho những người muốn tìm mua bất động sản ở thị trường phía Nam nhằm đầu tư trong giai đoạn này.

“Với những người đầu cơ sẵn sàng bỏ tiền mua bất động sản và có thể chấp nhận chờ đợi sinh lời vào lúc này, trong khu vực bán kính khoảng 100 km xung quanh TP HCM, tôi có một lời khuyên là hãy quên đi những nơi đất lành chim đậu và phải tìm tới những nơi gọi vui là đất có thóc để chim ăn. Đó phải là những nơi có sức tụ dân trong tương lai, từ đó mới có cơ hội để giá trị đất gia tăng.

Sắp tới, những khu công nghiệp mới nằm ở các khu có cơ sở hạ tầng tốt, có hệ thống giao thông thuận tiện, có cảng biển,... sẽ là những nơi mà đất có thóc để chim tới ăn, tới ở.

Đến năm 2025, hạ tầng ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ được hoàn thiện tương đối khi cao tốc Biên hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3,... đều được dự kiến hoàn thành. Bên cạnh đó, cảng Cái Mép - Thị Vải cũng sẽ là tiền đề cho những vùng đất “nóng” trong thời gian tới.

Có thể thấy trong những năm tới, liên tục nhiều đường cao tốc, cơ sở hạ tầng trọng điểm được Chính phủ đầu tư cho khu vực phía Nam sẽ được hoàn toàn tập trung xong. Khi ấy có thóc, thị trường bất động sản sẽ phát triển theo hướng tăng trưởng bền vững và có một sự khởi đầu mới”, TS Đinh Thế Hiển cho hay.

Cuộc chơi hiện không dành cho người dùng đòn bẩy tài chính

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, đất nền hiện vẫn là loại hình đầu tư truyền thống hấp dẫn người mua cũng như thu hút nhiều lượt tìm kiếm thông tin trên thị trường trong nước.

Nếu xét toàn cảnh thị trường trong một chu kỳ kéo dài (khoảng từ 3 - 5 năm), có thể thấy đất nền là loại hình đem lại tỷ suất lợi nhuận tương đối tốt so với những phân khúc khác khi duy trì mức tăng ổn định trên cả nước.

Tuy nhiên, đây vẫn là sản phẩm mang nhiều thiên hướng đầu cơ, do đó phân khúc này nhạy cảm với các biến động trên thị trường kinh tế vĩ mô nói chung. 

"Theo khảo sát được chúng tôi thực hiện trong quý III/2023 với các môi giới bất động sản - những người trực tiếp lăn lộn với thị trường, 25% trong số họ nhận định thị trường đất nền sẽ “đảo chiều” trong quý IV/2024”.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia, mặc dù những nhà đầu tư lớn có dòng tiền khỏe thì họ đã bắt đầu xem xét, tìm hiểu về đất nền từ trong quý III vừa qua, song bây giờ chưa phải là thời điểm thích hợp cho những nhà đầu tư cần sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.