Nhiều vùng quê 'quay cuồng' trong cơn sốt đất: Chủ yếu do 'cò' thổi giá

Gần đây, nhiều cơn sốt đất đã làm chao đảo thị trường bất động sản nhiều tỉnh thành. Tình trạng giá đất tăng chóng mặt tập trung ở những khu vực nông thôn, nơi "phong thanh" có các dự án hoặc thông tin quy hoạch mới.

Huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang là một trong những địa phương ghi nhận thị trường bất động sản sôi động thời gian qua. Các văn phòng môi giới, dịch vụ bất động sản liên tục mọc lên, cho thấy sức nóng của thị trường.

Nhiều người dân sinh sống tại đây cũng không ngờ giá đất quê mình lại có thể lên nhanh đến thế. Ông Nguyễn Văn Thìn, người dân xã Đức Giang, huyện Yên Dũng dự tính bán hơn 1.000 m2 đất, thu về 12 tỷ đồng. 

“Cách đây khoảng ba năm, giá đất chỉ khoảng từ vài trăm nghìn tới một triệu đồng/m2. Tuy nhiên bây giờ giá đã lên tới 10 triệu đồng/m2”, ông Thìn chia sẻ với VTV

Tại địa phương này, có người mua được một suất đất mặt đường từ ba năm trước, nay thấy giá đã tăng gấp ba lần, liền chuyển hẳn sang nghề đầu tư và môi giới bất động sản.

Theo ghi nhận tại dự án khu đô thị Lạc Phú, khá nhiều nhà đầu tư đổ dồn về “đón sóng”, cò đất cũng được dịp thổi giá. Hiện lô đất rẻ nhất ở làn trong cùng có giá 1,5 tỷ đồng, đất ở ngoài mặt đường có giá hơn 3 tỷ đồng/lô. Môi giới quảng cáo, khu vực có nhiều tiện ích, giá sẽ còn tăng gấp 2 - 3 lần.

Giá đất ở nhiều làng quê được "thổi" lên cao khiến người dân choáng váng. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư).

Tương tự, Hà Tĩnh cũng ghi nhận tình trạng giá đất tăng chóng mặt thời gian qua. Tại các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân… xảy ra sốt đất sau khi có thông tin dự án khu công nghiệp, khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, sân golf.

Các vùng nông thôn như xã Việt Tiến (huyện Thạch Hà) hay Yên Hòa (huyện Cẩm Xuyên) trước đây “không ai ngó” thì thời gian qua hàng đoàn người về mua bán đất. Giá đất theo đó cũng được đẩy lên cao, từ vài trăm triệu đồng mỗi lô giờ lên tới hàng tỷ đồng. Thậm chí, có những khu vực “cò” thổi giá đất sốt từng giờ khiến dân địa phương ngỡ ngàng.

“Mỗi ngày, gia đình tôi tiếp hàng chục lượt khách vào hỏi mua đất. Thấy được giá, tôi đã bán nguyên cả nhà và vườn, diện tích 798 m2 với giá 3,5 tỷ đồng. Chỉ sau hai ngày, họ bán lại cho người khác với giá 4 tỷ đồng. Mới chỉ đặt cọc, chưa “trồng” tiền cho gia đình tôi mà họ đã lãi 500 triệu đồng trong hai ngày”, báo Hà Tĩnh dẫn lời một người dân ở thôn Phú Hòa, xã Yên Hòa.

Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, mỗi m2 đất nền tại nhiều thôn xã Yên Hòa có giá dao động trên dưới một triệu đồng, nay giá đã tăng gấp 3 - 4 lần, thậm chí có nơi tăng gấp 5 - 6 lần. 

“Giữa năm 2021, giá đất ở đây cũng đã tăng “chóng mặt”, người dân thi nhau bán đất. Vậy mà, hiện nay giá còn tăng hơn đợt đó gấp rưỡi, có nơi tăng gấp đôi. Dự án mới chỉ lập quy hoạch, còn nằm trên giấy, chưa biết có thành hiện thực hay không nhưng đã khuấy động cả một vùng quê”, ông Trần Đình Cúc, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho hay.

Thực tế cho thấy, thông tin về các quy hoạch dự án là nguyên nhân chính tác động đến thị trường bất động sản thời gian qua. Thông tin này được cò đất và các đối tượng đầu cơ “thổi phồng” để thu hút người có tiền nhàn rỗi tham gia đầu tư, khiến giá đất cho nhảy vọt.

Thậm chí tại những nơi không có dự án, giá đất cũng bị ảnh hưởng. Chính quyền địa phương cho biết, mua bán đất chủ yếu giữa những nhà đầu tư và môi giới, còn người dân không có tiền để mua. 

Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Hà Tĩnh thống kê, hai tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 9.144 hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tăng 16% so với hai tháng cuối năm 2021. Những địa phương có số lượng hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất cao là thị xã Kỳ Anh, Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ.

Tại Quảng Bình, giá đất cũng tăng chóng mặt, không chỉ ở khu vực TP Đồng Hới mà các vùng quê từ đồng bằng, ven biển, vùng núi cũng có nơi tăng hàng chục lần, Công an nhân dân phản ánh.

Nhiều khu vực một vài năm trước không mấy ai quan tâm chuyện đất đai như ở vùng xã Hải Ninh, Võ Ninh, Lương Ninh (huyện Quảng Ninh), Ngư Thủy, Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy)… hay nhiều tuyến đường ít người qua lại ở xã Bảo Ninh, nơi được coi là cồn cát bên kia sông của TP Đồng Hới, nay lại trở thành đỉnh điểm của cơn sốt đất. 

Một công chứng viên chuyên công chứng các hợp đồng bất động sản cho biết, có nhiều lô đất mới 3 - 4 tháng đã bán đi bán lại qua tay đến công chứng đặt cọc hàng chục lần. 

Tại Nghệ An, giá đất ở các xã miền núi ở cũng đang được giao dịch với giá cao chưa từng thấy. Theo Thanh Niên, năm 2021, xã miền núi Thịnh Thành, huyện Yên Thành bán đấu giá thành công 12 lô đất ở với giá hơn 700 triệu đồng/lô, cao gần gấp đôi giá khởi điểm. Đến nay, những người trúng đấu giá đang rao bán các lô đất này với giá gần một tỷ đồng/lô.

Một người dân địa phương cho biết, trước đó ít tháng, giá đất giao dịch ở xã này chỉ khoảng 300 triệu đồng/lô ở vị trí bám đường liên xã tương tự như các lô đất đấu giá nói trên. 

Không chỉ đất nền đấu giá, đất vườn của nhà dân cũng đang được mua với giá rất cao. Đất vườn nằm sâu trong các ngõ ngách ở xã Minh Thành, huyện Yên Thành đang được mua với giá 400 - 700 triệu đồng/sào (500 m2), cao gấp 6 - 7 lần so với giá trước cách đây vài năm. Các giao dịch được thực hiện rất nhanh chóng và có nhiều khu đất một ngày được sang tay qua 2 - 3 người.

Ông Nguyễn Khánh Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, cho biết giá đất tại xã cũng đang sốt khủng khiếp. Lô đất 180 m2 bám mặt đường làng được giao dịch trên 2,1 tỷ đồng, cao gần gấp ba lần so với thời điểm cách đây một năm. 

Giá đất bị đẩy lên quá cao khiến nhiều gia đình ở khu vực nông thôn của tỉnh Nghệ An có nhu cầu mua đất để tách hộ cho con rất khổ sở. Trong khi đó, nhiều khu quy hoạch đất ở đã bán đấu giá xong cách đây 2 - 3 năm nhưng đến nay vẫn là khu đất trống, chưa có người xây nhà ở dù đã qua tay rất nhiều chủ.

Tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại nhiều vùng quê ở Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Gia Lai...  Nói về vấn đề xuất đất lan rộng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho biết: "Hiện nay sự kích động của giới cò đất mang tính chủ yếu, làm cho giá đất các vùng ven đô tăng, rồi các vùng xa đô thị cũng sẽ tăng tiếp theo. Nếu sốt đất mạnh nữa thì có thể vùng xa vùng sâu cũng sẽ phải tăng".

Trước diễn biến phức tạp, chính quyền nhiều địa phương đã phát đi cảnh báo người dân cần cẩn trọng khi tham gia vào các giao dịch mua bán bất động sản, tìm hiểu kỹ thông tin. Bên cạnh đó có các biện pháp quản lý, xử lý nghiêm tình trạng môi giới tung tin tạo sốt, lũng đoạn thị trường. 

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.