Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt hiện đã ngưng đón khách tham quan. (Ảnh: Hường Trần)
Trước khi tạm đóng cửa, Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là điểm du lịch nổi tiếng được du khách yêu thích tại thành phố ngàn hoa. Ngôi trường được xây dựng năm 1927, thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp, Moncet.
Ngôi trường thể hiện đậm nét kiến trúc châu Âu. (Ảnh: Hương Giang)
Trước kia, nơi đây có tên gọi là Grand Lycée Yersin Dalat. Ngôi trường thể hiện đậm nét kiến trúc châu Âu với dáng vẻ cổ kính, là công trình kiến trúc cổ điển độc đáo, có một không hai ở Việt Nam, được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỉ XX.
Là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỉ XX. (Ảnh: Nguyễn Tuân)
Cuối năm 1927, Le Grand Lycée – tên ban đầu của Trường – chính thức được khởi công xây dựng trên 1 quả đồi bằng phẳng có diện tích đất tự nhiên khoảng 8 hecta.
Và để thực hiện xây dựng công trình đặc biệt này, người Pháp đã huy động hàng trăm phu phen, thợ nề, thợ mộc người Việt có tay nghề sắc sảo khắp nơi trong cả nước về đây để thi công.
Do kết cấu hạng mục của Trường Grand Lycée Yersin tương đối phức tạp nên công trình kéo dài suốt 8 năm mới được hoàn thành.
Le Grand Lycée thuở sơ khai. (Ảnh chụp lại từ Bảo tàng Lâm Đồng)
Ngôi trường được thiết kế với dãy lớp học được xây hình vòng cung có chiều dài phía trước hơn 77 m và phía sau gần 90 m gồm 3 tầng lầu với 24 lớp học.
Toàn bộ gạch ép để xây tường là gạch trần đỏ được chở từ châu Âu sang, mái được lợp bằng ngói Ardoise xanh đen (thạch bản) nhập về từ Pháp.
Điểm nhấn chính của dãy nhà là tháp chuông có độ cao 54 m. (Ảnh: Hường Trần)
Đặc biệt, điểm nhấn của dãy nhà hình cong là tháp chuông có độ cao 54 m. Tháp chuông giống như hình một cây bút vươn cao giữa những rặng thông xanh biếc; là biểu tượng của một công trình văn hóa thể hiện sự vươn lên tầm cao tri thức của nhân loại và là nét kiến trúc đặc trưng của vùng Morger, quê hương của Alexandre Yersin.
Có thể nhìn thấy ngôi trường từ mọi góc Đà Lạt. (Ảnh: Phan Thanh)
Gọi là tháp chuông nhưng trong tháp lại không treo chuông. Bạn có thể đứng ở bất kỳ đâu tại thành phố cũng có thể thấy tháp chuông này.
Phía bên ngoài tháp chuông trước đây có 1 đồng hồ nhưng đã bị tháo dỡ, du khách chỉ có thể thấy vết tích của chiếc đồng hồ lớn còn in lại trên nền gạch.
Ngôi trường được chụp vào năm 1969. (Ảnh: Bill Robie)
Có thể nói ý tưởng này đã vận dụng hài hòa văn hóa tiến bộ Phương Tây với ràng buộc lễ giáo của xã hội Phương Đông.
Cây bút chì với đầu bút gọt bén nhọn chĩa lên trời xanh để khẳng định với thiên nhiên rằng: "Loài người sinh sau nhưng có thể chống chọi và chinh phục tất cả", ý tưởng chủ đạo cho kiến trúc Đông Tây - Kim Cổ.
Lối hành làng ở trường. (Ảnh: Hường Trần)
Trường Grand Lycée Dalat được khánh thành và khai giảng khóa đầu tiên vào ngày 28/6/1935 dưới thời Toàn quyền Varenn.
Tháng 6/1936 hai trường Petit Lycée (nay là Trường Kỹ thuật Đà Lạt được xây dựng năm 1927) và Grand Lycée hợp nhất lấy tên chung là Grand Lycée Yersin, để ghi nhớ công ơn của bác sĩ Yersin - người thám hiểm cao nguyên Lang Biang và có công khai sinh thành phố Đà Lạt xinh đẹp.
Lối kiến trúc độc đáo quyến rũ du khách. (Ảnh: Hường Trần)
Người Đà Lạt quen gọi nơi nay là Tháp chuông, trường Grand Lycée Yersin là trường Hùng Vương với những kí ức về trường xưa đẹp đẽ. Ngày nay, nét độc đáo quyến rũ của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là một trong những địa chỉ vàng mà du khách mỗi lần đặt chân đến Đà Lạt đều muốn ghé thăm.
Ngày 11/4 vừa qua, Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đã có thông báo về việc tạm ngưng đón khách du lịch từ ngày 12/4/2019 để bảo đảm an ninh trật tự cũng như vệ sinh cảnh quan trường học.
>> Xem thêm: Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt ngừng đón khách tham quan, không thông báo thời gian đón khách trở lại
Bảng thông báo được đặt trước cửa trường. (Ảnh: Minh Trung)
Theo nhiều người dân tại Đà Lạt thì lý do trường đóng cửa có lẽ vì ý thức quá kém của một bộ phận khách tham quan. Nhiều người vô tư xả rác, ăn uống quanh khuôn viên trường.
Theo lời kể lại, có nhiều trường hợp còn phóng uế ngay trước cửa khu vực ban lãnh đạo trường khiến nhà trường phải lắp luôn camera ngay chỗ đó, ghi biển báo "CÓ CAMERA" để tránh tình trạng phóng uế bừa bãi.
Trên thực tế, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt rộng 8 hecta nhưng chỉ có 1 bảo vệ gác cổng, 1 lao công chắc chắn không thể kiểm soát hết lượng khách tham quan mỗi ngày tại đây.
Từ trước đến nay nhà trường đều không thu phí tham quan, công việc chính là đào tạo sinh viên nên gặp nhiều bất cập trong quá trình quản lí sửa chữa hư hỏng.
Vẫn chưa có thông báo thời hạn mở cửa trở lại của trường. (Ảnh: Hường Trần)
Việc tạm ngừng đón du khách vào tham quan trường sẽ bắt đầu từ ngày 12/4/2019. Tuy nhiên, ban giám hiệu nhà trường hiện vẫn chưa cho biết khi nào mở cửa đón khách trở lại.
Điều này khiến khá nhiều người tiếc nuối, tuy nhiên cũng nên nhìn thẳng vào vấn đề ý thức của khách tham quan, để những địa điểm nổi tiếng tiếp theo không phải lên tiếng "kêu cứu" và đóng cửa ngưng phục vụ.