Những bài thơ, ca dao tục ngữ, truyện ngắn, truyện cười làm báo tường 20/11 hay 2022

Báo tường 20/11 không chỉ thu hút mọi người bởi thiết kế đẹp mắt, ấn tượng mà còn cần sự trau chuốt về nội dung. Để giúp báo tường thêm thu hút và ghi dấu trong lòng người đọc, hãy cùng tham khảo những bài thơ, ca dao tục ngữ, truyện ngắn, truyện cười thú vị, ý nghĩa cho báo tường 20/11 qua bài viết.

Top 10 bài thơ hay đăng báo tường 20/11 năm 2022

Những vần thơ nhẹ nhàng thay cho lời nhắn gửi yêu thương của bao thế hệ học trò dành cho những người thầy, người cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Tham khảo những bài thơ ý nghĩa sau để báo tường 20/11 thêm phần sâu lắng:

Bài 1:

Người lái đò

Một đời người - một dòng sông

Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ,

"Muốn qua sông phải lụy đò"

Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa.

Tháng năm dầu dãi nắng mưa,

Con đò trí thức thầy đưa bao người.

Qua sông gửi lại nụ cười

Tình yêu xin tặng người thầy kính thương.

Con đò mộc - mái đầu sương

Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày,

Khúc sông ấy vẫn còn đây

Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông…

(Vô danh)

Bài 2:

Bụi phấn

Thầy con giờ đã già rồi

Mắt mờ, chân yếu, da mồi còn đâu

Phấn rơi bạc cả mái đầu

Đưa con qua những bể dâu cuộc đời

Mỗi khi bụi phấn rơi rơi

Thầy gieo mầm hạt những lời yêu thương

Cho con vững bước nẻo đường

Hành trang kiến thức, tình thương của thầy

Biết bao vất vả, đắng cay

Gạo tiền, cơm áo, vòng quay cuộc đời

Nhưng tâm thầy mãi sáng ngời

Dựng xây sự nghiệp trồng người thanh cao!

Trọn đời con mãi tự hào

Cúi đầu cung kính thương sao dáng thầy

Dẫu đời xuôi, ngược đó đây

Tim con ghi khắc lời thầy khi xưa

Khuya rồi thầy đã ngủ chưa?

Ngàn bông hoa thắm kính thưa dâng thầy

Cho con cuộc sống hôm nay

Mừng ngày Nhà giáo ơn thầy chẳng quên!

(Vô danh)

Bài 3:

Lời cảm tạ

Tôi đứng lặng giữa cuộc đời nghiêng ngả

Để một lần nhớ lại mái trường xưa

Lời dạy ngày xưa có tiếng thoi đưa

Có bóng nắng in dòng sông xanh thắm

 

Thoáng quên mất giữa tháng ngày ngọt đắng

Trưởng thành này có bóng dáng hôm qua

Nhớ được điều gì được dạy những ngày xa

Áp dụng - nhắc nhở cội nguồn đã có

 

Nước mắt thành công hòa nỗi đau đen đỏ

Bậc thềm nào dìu dắt những bước đi

Bài học đời đã học được những gì

Có nhắc bóng người đương thời năm cũ

 

Vun xới cơn mơ bằng trái tim ấp ủ

Để cây đời có tán lá xum xuê

Bóng mát dừng chân là một chốn quê

Nơi ơn tạ là mái trường nuôi lớn

 

Xin phút tĩnh tâm giữa muôn điều hời hợt

Cảm tạ mái trường ơn nghĩa thầy cô.

(Vô danh)

Bài 4:

Về lại trường xưa

Con về thăm lại trường xưa

Các em áo trắng ngây thơ nói cười

Từ đâu hàng lệ tuôn rơi

Con nghe vang vọng nụ cười ngày xưa

 

Con xa ngày ấy đến giờ

Con xa xa tiếng thầy cô giảng bài

Giờ về thăm lại trường ơi

Tóc thầy đã bạc điểm ngôi trên đầu

 

Xây bao nhiêu những nhịp cầu

Giờ đây cô cũng mái đầu pha sương

Cô thầy là những tấm gương

Hướng cho tuổi trẻ con đường mình đi.

(Vô danh)

Bài 5:

Thầy

Cơn gió vô tình thổi mạnh sáng nay

Con bỗng thấy tóc thầy bạc trắng

Cứ tự nhủ rằng đó là bụi phấn

Mà sao lòng xao xuyến mãi không nguôi

Bao năm rồi? Đã bao năm rồi hở? Thầy ơi ...

Lớp học trò ra đi, còn thầy ở lại

Mái chèo đó là những viên phấn trắng

Và thầy là người đưa đò cần mẫn

Cho chúng con định hướng tương lai

Thời gian ơi xin dừng lại đừng trôi

Cho chúng con khoanh tay cúi đầu lần nữa

Gọi tiếng thầy với tất cả tin yêu …

(Vô danh)

Bài 6:

Bên mái trường xưa

Trường xưa lớp học còn đây

Bảng đen phấn trắng bên thầy thân yêu

Vòng tay bè bạn sớm chiều

Con đò tri thức cùng điều gửi trao

 

Bạn xưa giờ ở nơi nào

Nay tôi trở lại xuyến xao nhớ thầm

Thầy tôi tóc bạc hoa râm

Lời thầy giảng toán tiếng trầm bên tai

 

Tim tôi ghi khắc tháng ngày

Bao lời thầy giảng hôm nay nên người

Bông hoa đỏ thắm điểm mười

Nhớ ơn thầy đã một đời gian lao

 

Công thầy ơn tựa núi cao

Cho con mơ ước bay vào tương lai.

(Vô danh)

Bài 7:

Thưa Thầy

Thưa thầy, bài học chiều nay

Con bỏ quên ngoài cửa lớp

Dưới gốc phượng già, nằm nghe chim hót

Con hóa mình thành bướm và hoa

Thưa thầy bài tập hôm qua

Con bỏ vào ngăn khóa kín

Mải lượn lờ theo từng vòng sóng

Cái ngã điệu đàng, sân trượt patin

Thưa thầy, bên ly cà phê đen

Con đốt thời gian bằng khói thuốc

Sống cho mình và không bao giờ mơ ước

Mình sẽ là ai? Tôi sẽ là ai?

Thưa thầy, qua ngõ nhà thầy khuya nay

Con vẫn thấy một vầng trăng ấm sáng

Thầy ngồi bên bàn phẳng lặng

Soạn bài trong tiếng ho khan

Thưa thầy, cho là nhận: điều giản đơn

Sao con học hoài không thuộc

Để bây giờ khi con hiểu được

Biết làm sao tạ lỗi cùng thầy.

(Vô danh)

Bài 8:

Đời đời nhớ ơn thầy

Phấn bảng miệt mài chai ngón tay

Giảng đường dấu tích bước chân thầy

Lên lớp tháng ngày hao trí lực

Lắng nghe giây phút sức giảm suy.

 

Đò ngang đưa đón mong gặp lại

Bến cũ chần chừ muốn đổi thay

Qua sông vạn nẻo trò bươn chải

Bạc tóc tha phương nhớ cô thầy.

(Vô danh)

Bài 9:

Tri ân

Thu tàn trời đã sang đông

Bồi hồi tấc dạ nhớ mong cô thầy

Người trao khát vọng hôm nay

Chắp cho đôi cánh em bay vào đời

Bao chuyến đò lặng không lời

Ươm mầm xanh tốt rạng ngời tương lai

Bên trang giáo án miệt mài

Hao gầy tâm huyết năm dài tháng qua

Từng câu từng chữ ê a

Bao lời dạy dỗ thiết tha nồng nàn

Mỏi mòn khuya sớm gian nan

Nhiều đêm tắt tiếng ho khan quặn lòng

Bao thế hệ đã sang sông

Thầy cô luôn mãi vọng trông theo cùng

Mặc cho mưa gió bão bùng

Vẫn âm thầm thắp sáng vùng trời mơ

Hôm nay kính dệt vần thơ

Tri ân hai tiếng vô bờ khắc ghi

Nẻo đời dẫu có thịnh suy

Dù bao gian khó mãi ghi ơn dầy

Mừng ngày nhà giáo hôm nay

Kính dâng lời chúc cô thầy muôn nơi

An khang hạnh phúc rạng ngời

Gia can êm ấm trọn đời yêu thương

Dẫu cho cách trở ngàn phương

Lòng hoài khắc khoải vấn vương cô thầy

Tác giả: Thái Tài

Bài 10:

Thầy và chuyến đò xưa

Lặng xuôi năm tháng êm trôi

Con đò kể chuyện một thời rất xưa

Rằng người chèo chống đón đưa

Mặc cho bụi phấn giữa trưa rơi nhiều

Bay lên tựa những cánh diều

Khách ngày xưa đó ít nhiều lãng quên

Rời xa bến nước quên tên

Giờ sông vắng lặng buồn tênh tiếng cười

Giọt sương rơi mặn bên đời

Tóc thầy bạc trắng giữa trời chiều đông

Mắt thầy mòn mỏi xa trông

Cây bơ vơ đứng giữa dòng thời gian...

(Vô danh)

Ảnh: America Star Books

15 câu ca dao tục ngữ cho báo tường 20/11

Dân tộc Việt Nam từ nghìn đời nay vẫn luôn giữ gìn và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo. Truyền thống tốt đẹp ấy đã in sâu vào tâm trí của mỗi người dân qua những câu ca dao tục ngữ - một thể loại văn học dân gian vô cùng quen thuộc. Tham khảo những câu ca dao tục ngữ ý nghĩa cho báo tường 20/11 ngay sau đây:

Câu 1:

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư

(Một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy)

Câu 2: Tiên học lễ, học học văn

Câu 3: Không thầy đố mày làm nên

Câu 4: Mùng một tết cha, mùng ba tết thầy

Câu 5:

Muốn sang thì bắt cầu kiều

Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy.

Câu 6: 

Gươm vàng rớt xuống Hồ Tây

Ơn cha nghĩa trọng công thầy cũng sâu.

Câu 7: 

Mười năm rèn luyện sách đèn

Công danh gặp bước, chớ quên ơn thầy.

Câu 8: 

Công cha, áo mẹ, chữ thầy

Gắng công mà học có ngày thành danh.

Câu 9: 

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa.

Câu 10:

Dạy con từ thuở tiểu sinh 

Gần thầy gần bạn tập tành lễ nghi

Học cho "cách vật trí tri"

Văn chương chữ nghĩa nghề gì cũng thông. 

Ảnh: META.vn

5 truyện ngắn ý nghĩa làm báo tường 20/11

Trong báo tường 20/11, truyện ngắn là một phần không thể thiếu. Những câu truyện ý nghĩa về tình thầy trò, bạn bè, về những kỷ niệm khó quên cùng ngôi trường mến yêu sẽ giúp khơi gợi cảm xúc và tạo thêm dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc.

Bài 1: 

Xin Lỗi Thầy

Cuối thu, tiết trời lạnh dần. Những chiếc lá cuối cùng cũng trôi theo gió. Bầu trời cao, xanh thẳm, chốc chốc lại gợn lên những làn sóng trắng. Cảnh vật tĩnh lặng lắm! Màn sương tàn nhẫn nhỏ thêm vài giọt trắng xóa, mờ ảo lên sự cô đơn đang nảy nở trong lòng tôi.

Người ta thường bảo nhau là mưa buồn. Nhưng tôi lại nghĩ, khoảnh khắc này còn hơn thế nữa! Mỗi lúc như vậy, đôi mắt tôi lại vô thức mà nhìn theo bao kỉ niệm thời thơ ấu, bao kỉ niệm thời cắp sách đến trường! Trong số đó, có một câu chuyện mà tôi nhớ nhất. Đó là một lần, tôi đã khiến cho người mà tôi kính trọng, thất vọng!... Hồi đó, có lẽ là vào lớp 5. Khi ấy, tôi học toán giỏi lắm! Kỳ kiểm tra nào, con 10 luôn bị tay tôi cầm chắc. Thầy toán cưng tôi nhất. Tôi cũng thích toán. Chẳng biết có liên quan gì về yếu tố di truyền không, hay là tôi chỉ đơn thuần thích cái số điểm tròn xoe kia!

Dù sao, tất cả đều chỉ là những suy nghĩ ban đầu! Tôi dần mất đi cái cảm giác yêu thích. Bài tập ngày càng làm tôi chán nản. Ngoài thời gian ở trường, bố mẹ tôi vẫn ngốn cho tôi hàng tấn thứ! Nhiều đến nỗi, đôi lúc, tôi nghĩ là đầu mình sắp sửa nổ tung, như một quả bom hẹn giờ! Rồi tới một đêm, hôm ấy là chủ nhật. Khi bao đứa trẻ khác đang tận hưởng cái niềm vui ngày nghỉ, thì tôi lại đang làm cái công việc thường ngày: cả núi bài tập. Hàng giờ đồng hồ, tôi cứ suy nghĩ, cứ viết, lặp lại theo một trình tự và hoạt động như một cỗ máy! Xong bài tập của bố mẹ cho, não tôi đã mệt lả, chỉ còn bài tập ở trường. Giở cuốn sách giáo khoa ra, chẳng hiểu nổi, tôi nhìn thì cứ nhìn, nhưng suy nghĩ thì không! Suy nghĩ của tôi như vừa mới phá vỡ cái xiềng xích của nó, chạy lung tung, rồi nấp đi đâu mất! Tôi mệt lắm rồi! Bỗng nhiên, trong đầu tôi lại nảy ra một ý, mà trước giờ chưa từng xuất hiện: "Nhất thiết phải làm sao? Chắc gì thầy đã kiểm tra!". Rồi như một phản xạ, ngay lập tức, một ý nghĩ khác chống đối lại: "Nhỡ đâu thầy kiểm thì sao?", "Lớp nhiều người như thế, chẳng nhẽ lại trúng mình?", "Sao lại không?"...Tất cả cứ rối tung lên! Tôi bực tức hét lên một tiếng, trong khi thậm chí tôi cũng không biết mình vừa làm gì! Tôi có đủ thông minh để biết bên nào là đúng. Thế là tôi lại làm bài tiếp. Nhưng cũng chỉ được một lát, sự mệt mỏi lại thống trị cơ thể tôi! Tay tôi bắt đầu viết nguệch ngoạc một cách thiếu tự chủ! Tôi mạnh tay quẳng cây viết đi. Ngả người ra sau, tôi nhìn lên đồng hồ, đã khuya rồi. Mắt tôi như bị rút hết sức lực, đổ sụp xuống. "Muốn ra sao thì ra!"

Cuối cùng thì tôi cũng đã đầu hàng! Tôi nhanh chóng gấp tập vở lại, rồi cuộn tròn trong chăn. Giữa sự ấm áp và cái mê hoặc của giấc ngủ, tôi bất giác lo lắng. Nhưng chỉ trong khoảnh khắc, tất cả đã bị vùi lấp... Sáng hôm sau, tôi dậy trễ. Tôi nhanh chóng nhét vài miếng bánh lót dạ rồi đi học. Tới lớp, tôi run người! Tay và trán tôi đẫm mồ hôi. Cái cảm giác lo lắng lại quay trở lại! Tôi thở từng nhịp một như cố gắng lắm. Có đứa bạn quay sang bảo tôi chỉ nó làm bài. Tôi bảo nó nên tự mình làm thì tốt hơn. Nếu như là mọi ngày thì tôi sẽ giúp nó, nhưng hôm nay, ngay cả cái đề tôi còn chưa đọc qua! Sau điểm danh, thầy bắt đầu sửa bài tập. Tim tôi đập thình thịch theo từng mi-li-mét mà ngón tay thầy dò trên danh sách lớp. Nhưng bề ngoài, tôi cũng cười cười nói nói, tựa hồ như tự an tâm mình và che giấu đi cái nỗi sợ hãi, cùng tiếng tim đập! Rồi thầy dừng lại, ngẩng mặt lên và nhìn chằm chằm vào tôi. Thầy nở một nụ cười, và điều đó khiến tôi lạnh sống lưng: "Em lên làm bài đi!".

Những lời đó như giúp tôi phá vỡ đi cái nỗi sợ hãi bâng quơ cũ, nhưng đem lại một nỗi sợ thật sự. Tôi từ từ đứng dậy. Tôi thú nhận với thầy tất cả, trong tiếng nấc. Tôi đứng mà cứ cúi gằm mặt xuống, để cho mái tóc che đi đôi mắt cay xè của mình, tôi không dám nhìn mặt thầy! Hai tay tôi cứ bám chặt vào nhau. Tôi nhìn thấy một giọt nước rơi xuống quyển vở, rồi hai, rồi ba và một bàn tay đã chai sạn, nhẹ nhàng nhấc quyển vở của tôi lên. Tôi lén lút ngẩng mặt nhìn, tôi thấy thầy! Thầy trông khác lắm! Khuôn mặt thầy không để lộ bất kì một xúc cảm nào cả. Nhưng tôi đọc được: Thầy đang rất buồn! Rồi thầy đặt quyển vở xuống, trở lại bục giảng. Thầy lấy bút chì và viết gì đó. Tôi đoán chắc đó là con không đầu tiên của tôi! Suốt tiết, tôi vẫn cứ cúi mặt!

Tiếng chuông reo lên, các bạn khác ùa ra khỏi lớp như đàn ong vỡ tổ. Riêng tôi, tôi vẫn cứ ngồi đấy, vẫn cứ lặng thinh. Tôi ân hận lắm! Tôi vừa khóc, vừa kéo quyển vở lại, hoàn thành nốt đống bài tập đáng ghét này. Giá như tôi đừng quá chây lười, giá như tôi đã làm bài tập thì tôi đã không khiến thầy thất vọng! Cái cảm giác khi làm cho người mà mình kính trọng, người đặt cả niềm tin vào mình, là cái cảm giác hết sức tồi tệ! Tôi ước cho Trái Đất ngừng quay, tôi ước cho thời gian ngừng chảy, tôi ước cho đôi mắt trở nên mù lòa, để tôi không phải nhìn thấy vẻ buồn trên khuôn mặt thầy nữa! Tôi ngửa mặt lên, để cho hai hàng nước mắt chảy xuống đôi bàn tay, để chúng xóa sạch cái tội lỗi. Bỗng, có một bàn tay đưa lên, lau nước mắt cho tôi, một bàn tay chai sạn! Tôi biết một người có bàn tay như thế, thầy! Thầy đã ngồi bên tôi từ lúc nào. Tôi nghẹn ngào mà nói lời xin lỗi, và tôi lại một lần nữa cúi mặt. Nhưng rồi, bàn tay thầy đã nâng khuôn mặt của tôi lên, để cho tôi nhìn vào đôi mắt thầy."Thế em đã làm xong bài tập chưa?", thầy hỏi. Tôi không trả lời, chỉ biết lẳng lặng gật đầu. Thầy nhoẻn miệng cười, một nụ cười khiến lòng tôi ấm áp, như một cách nói khác của từ "tốt lắm!". Thầy lấy một cây bút bi và cuốn sổ điểm ra. Tôi đã suýt nữa ngất xỉu vì hạnh phúc khi nhìn thấy một con mười viết bằng bút chì, ngay chỗ tên tôi. Thầy dùng bút bi đỏ lại con mười ấy, nắn nót. Ngay cả khi tôi khiến thầy thất vọng, thầy vẫn luôn đặt niềm tin vào tôi!

Cũng đã là một khoảng thời gian lâu lắm rồi! Nhưng tất cả vẫn cứ theo tôi mãi. Đó là một bài học dành cho tôi, một bài học rất ý nghĩa. Tôi còn nhớ rõ bàn tay của thầy, nụ cười của thầy, và cả con mười bằng bút chì kia nữa! Hãy cố gắng đừng làm cho người khác thất vọng. Nếu không, thế giới chỉ là một nấm mồ!

Bài 2:

Người Thầy Đặc Biệt

10 tuổi, lần đầu tiên chúng tôi được học tiếng Anh, nhưng không phải học ở trường mà phải đạp xe hơn 3km sang nhà thầy giáo ở làng bên để học. Trong căn nhà cấp 4 nhỏ bên bờ đê lộng gió, một thầy giáo và 4 học trò ríu rít với những bài học tiếng anh vỡ lòng. Mỗi buổi học thêm tiếng Anh khi đó chỉ có 500 đồng, cách đây 12 năm về trước. Khi đó bốn đứa chúng tôi chỉ biết học, không quan tâm 500 đồng là đắt hay rẻ cho một buổi học tiếng Anh vỡ lòng. Thầy là một người thầy đặc biệt cùng lớp học đặc biệt và một căn nhà cũng đặc biệt. Ngôi nhà chỉ có một gian thấp bé được xây hoàn toàn bằng xi măng. Đến những cái bàn và giường ngủ cũng được làm từ xi măng. Từ xa, ngôi nhà trông như một chuồng chim bồ câu bám trên bờ đập. Thầy viết trên một tấm bảng đen nhỏ treo trên tường, trò ngồi bàn xếp, khoanh chân trên tấm phản xây bằng xi măng. Những câu hello, goodbye, thank you… thầy vừa dạy viết vừa dạy đọc. Thầy đứng xoay ngang khuôn mặt, miệng mở rộng, lưỡi chuyển động thật chậm để chúng tôi tập đọc theo cho đúng.

Tôi nhớ còn nhớ câu chuyện thầy kể về một nước Nga xa xôi, nơi mà thầy đã từng theo học, nơi có một người con gái thầy đã yêu và đã rời xa. Thầy kể cho chúng tôi nghe về một thời trai trẻ nhiều ước mơ nơi xứ tuyết. Trong câu chuyện đó có cái gì đó đã đổ vỡ, đã chia lìa và giờ thầy ở đây, trước mặt chúng tôi. Thầy sống lầm lũi và hơi lập dị trong mắt người làng. Đuôi mắt nhiều nếp nhăn của thầy hay nheo lại, nhìn về nơi nào đó xa thẳm. Thầy có nụ cười thật lạ, trước mặt chúng tôi thì vô cùng ấm áp, quay đi là ngay lập tức nhếch lên khó hiểu khiến tôi thấy hay hay và chỉ thích nhìn thầy cười.

Cũng như bao người nông dân khác, thầy cũng trồng lúa, đặt rớ tôm (vó tôm) để có tiền trang trải cho cuộc sống. Triền đập thoai thoải thầy đặt bao nhiêu là rớ. Tép cất được, thầy vừa ăn, vừa bán, con nào nhỉnh hơn thầy bỏ vào cái bể cũng được xây bằng xi măng để nuôi cho lớn.Mỗi ngày tới học, chúng tôi hay vào bể tôm của thầy chơi, té nước khiến cho những con tôm nhảy lên loạn xạ. Lúc đó thầy liền rối rít la chúng tôi. Nhưng cái rối rít của thầy trông rất hiền từ nên không làm chúng tôi sợ và như thế ngày nào trò nghịch dại đó cũng được lặp lại.

Thầy nói, có chúng tôi tới học thầy cảm thấy rất vui. Thầy say sưa nói với chúng tôi thứ ngoại ngữ mà một thời thầy say mê. Có chúng tôi, thầy bận rộn hơn vì phải lo ngăn những trò nghịch dại, lo cho chúng tôi học sao cho giỏi. Khi không còn học thầy nữa, tôi vẫn thường đạp xe qua nhà thầy, vẫn cái dáng cao gầy ấy, đặt những rớ tép dọc triền đập, bước đi liêu xiêu. Hai ba lần tôi đi qua, vẫn yên tâm khi cái dáng liêu xiêu ấy đi dọc bờ sóng ì ập vỗ. Rồi kí ức cũng như những con sóng, va đập kiểu gì mà tôi không còn nhớ từ lúc nào, tôi không còn thấy dáng người thầy ấy nữa. Hôm nay, như bao đứa học trò vô tâm khác của thầy, tôi lại ngồi kể về những kỉ niệm ngày xa xăm ấy. Tôi nhớ bóng thầy khi thả những con tép nhỉnh hơn vào trong cái bể xi măng và mong chúng lớn, khi đó trông thầy như cô Tấm đang nuôi con cá bống để chờ phép màu. Tôi luôn mong thầy đã đi khỏi căn nhà ấy, ngôi làng ấy, đi đến xứ sở của riêng thầy. Nơi có nhiều ước mơ hơn, biết đâu phép màu tôm, cá sẽ cho thầy gặp lại người con gái thầy đã yêu. Tôi luôn mong điều đó vì tôi biết gương mặt ấy, nụ cười ấy, dường như không thuộc về nơi này, không nên ở lại nơi này.

Bài 3:

Có một người thầy dạy tôi như thế

Trò yêu thầy bởi những bài học mà thầy đã truyền tải trong mỗi giờ học. Qua những áng văn, những vần thơ, thầy đã cho trò biết hiểu đời, hiểu người, hiểu chính mình và biết sống đẹp hơn. Giọng thầy ấm áp, nồng đượm, cách giảng bài rất duyên của thầy đã khiến mỗi giờ văn bỗng trở nên thú vị hơn. Tất cả các trò dường như bị lôi cuốn, hút mình vào bể kiến thức vô tận của thầy. Trò thực sự ngưỡng mộ thầy và mong sao mình có thể lĩnh hội, tiếp nhận hết những gì mà thầy đã truyền đạt.

Trò yêu thầy bởi những tính cách rất đặc biệt của thầy. Các bạn ai cũng bảo: “Thầy mình rất thích khoe”. Thầy khoe nhiều lắm, nhưng trò nhớ nhất là thầy hay khoe về những chị học trò cũ của thầy vừa xinh, vừa giỏi, lại rất thành đạt. Ban đầu trò luôn khó chịu và thấy sao thầy kiêu thế. Rồi trò chợt nhận ra, trong lời khoe đó ẩn chứa biết bao niềm vui, niềm tự hào về những thành quả mà thầy đã vun đắp. Và trò biết rằng, thầy muốn chính lời khoe đó sẽ trở thành nguồn động lực thôi thúc các trò cố gắng.

Trò yêu thầy bởi vóc dáng mang đầy chất nghệ sĩ của thầy. Các chị khóa trước của thầy vẫn bảo thầy rất có duyên, trò cũng thấy thế. Đến bây giờ trò vẫn không quên được ngày đầu tiên thầy bước vào lớp với mái tóc hơi dài, trên đầu đội một chiếc mũ nồi, trông thầy thật nghệ sĩ. Và cả cặp kính thầy vẫn thường mang theo nữa. Trò thích được nhìn thầy đeo cặp kích đó ngồi đọc sách, ánh mắt của thầy xa xăm và đăm chiêu đến khó tả. Có lẽ hình ảnh ấy của Thầy sẽ mãi đậm in và tươi nguyên trong ký ức của trò.

Bài 4: 

Ông giáo và tách cà phê

Một nhóm sinh viên giờ đã thành đạt trong công việc cùng nhau về thăm thầy giáo cũ. Cuộc nói chuyện nhanh chóng được chuyển sang những vấn đề trong cuộc sống và công việc.

Muốn mời những học trò cũ uống cà phê, ông giáo vào bếp và quay lại với rất nhiều cà phê đựng trong những chiếc cốc khác nhau: cái bằng sứ, cái bằng nhựa, cái bằng thuỷ tinh, cái bằng pha lê, một số trông rất đơn giản, số khác lại có vẻ đắt tiền, vài cái được chế tác rất tinh xảo.

Khi tất cả mọi người đều đã cầm cốc cà phê trong tay, ông giáo nhẹ nhàng lên tiếng: “Không biết các trò có chú ý không, nhưng những chiếc cốc trông đẹp đẽ, đắt tiền luôn được lựa chọn trước, để lại những cái trông đơn giản và rẻ tiền.

Mặc dù rất đơn giản và dễ hiểu khi các trò muốn điều tốt đẹp nhất cho bản thân nhưng đó cũng là nguồn gốc, nguyên nhân của mọi vấn đề căng thẳng của các trò.

Một điều chắc chắn rằng cái cốc không phải là thứ quyết định chất lượng của cà phê đựng bên trong. Một số trường hợp, nó chỉ đơn giản là cái vỏ đắt tiền hơn và một số khác thậm chí che giấu cái mà nó đang chứa đựng.

Điều các trò thực sự muốn là cà phê chứ không phải cái cốc, nhưng các trò vẫn có ý thức lựa chọn cái cốc tốt nhất. Sau đó các trò mới để mắt đến những cái cốc khác.

Cũng như vậy, cuộc sống của chúng ta là cà phê, công việc, tiền bạc và vị trí xã hội là những cái cốc. Chúng chẳng qua chỉ bao bọc lấy cuộc sống. Và loại cốc mà trò có không làm nên cũng như không thay đổi cuộc đời mà trò đang sống”.

Đôi khi, chúng ta chỉ quan tâm đến cốc mà quên thưởng thức thứ cà phê ông trời đã ban tặng cho chúng ta. Người hạnh phúc nhất không phải là người có những thứ tốt nhất mà là người biết biến những thứ mình đang có thành thứ tốt nhất.

Bài 5:

Người thầy và những tờ tiền cũ.

Cuối cùng, nó cũng đậu đại học. Người đầu tiên nó muốn thông báo tin quan trọng ấy không phải là ba hay mẹ nó mà là người thầy kính yêu của nó.

Nhà nó nghèo, lại đông anh em, quê nó cũng nghèo nên từ lâu chẳng có mấy ai dám nghĩ đến chuyện cho con vào đại học. Ba mẹ nó cũng vậy, phần vì quá nghèo, phần là vì nghĩ đến điều kiện của con mình và thầm nghĩ: “Làm sao mà chọi với người ta!". Thầy là người duy nhất ủng hộ nó, cho nó niềm tin rằng “mình có thể”.

Vui mừng chẳng được bao lâu, bao nhiêu lo lắng tràn về vây lấy nó. Năm năm trời, hàng trăm thứ tiền như bầy ong vo ve trong đầu nó.

Rồi thầy đến mang cho nó một lô sách, vở mà nó đoán là những bài học “nhân - lễ - nghĩa” của thầy, dúi vào tay nó một gói nhỏ mà thầy bảo là “bí kíp” rồi dặn chỉ lúc nào khó khăn nhất mới được mở ra. Nó đã không “cảnh giác” thừa. Gói “bí kíp” mà lúc nhận từ tay thầy nó đã ngờ ngợ là một xấp những tờ tiền 10.000 đồng bọc trong hai lớp nilon cũ kỹ, những tờ tiền được vuốt phẳng phiu phần nhiều đã nhàu nát mà nó tin rằng thầy đã để dành từ lâu lắm! 900.000 đồng, nó cứ mân mê những tờ 10.000 đồng đã cũ mà thèm một góc không có ai để khóc.

Đã hai năm kể từ cái ngày thầy lặn lội lên Sài Gòn thăm nó, dúi vào tay nó những đồng 10.000 đồng nhọc nhằn rồi lại vội vã trở về. Sau đó thầy chuyển công tác. Hai năm, thỉnh thoảng nó vẫn nhận được những tờ 10.000 đồng của thầy (lạ thay, lại vào những lúc tưởng chừng như nó bế tắc nhất). Hai năm, nó vẫn chưa một lần về thăm thầy.

Trưa, mới đi học về, mẹ điện lên báo: “Thầy H. mất rồi!”. Nó chỉ lắp bắp hỏi được ba chữ: “Sao thầy mất?”, rồi sụp xuống khi mẹ cũng nghèn nghẹn ở đầu dây bên kia: “Thầy bệnh lâu rồi mà không ai biết. Ngày đưa thầy vào viện, bác sĩ chụp hình mới biết thầy đã hư hết lục phủ ngũ tạng rồi, chưa ai kịp đi thăm thì thầy đã mất”.

Nó bỏ hết mọi sự leo lên xe đò. Trong cái nóng ban trưa hầm hập với cơn say xe mệt mỏi, nó thấy thầy hiền hậu đến bên nó, dúi vào đôi tay nóng hổi của nó những tờ 10.000 đồng lấp lánh. Đến bây giờ nó mới để ý thấy thầy đã xanh xao lắm, bàn tay tài hoa khéo léo ngày xưa đã gân guốc lên nhiều lắm. Nó chợt tỉnh, nước mắt lại lăn dài trên má, trái tim nó gào lên nức nở: “Thầy ơi! Sao không đợi con về?”.

Vì nó cứ đinh ninh: Nếu đổi những tờ 10.000  đồng kia thành thuốc, thầy sẽ sống cho đến khi nó kịp trở về.

Ảnh: KYNA ENGLISH

10 truyện cười thú vị cho báo tường 20/11

Tham khảo những câu truyện cười cho báo tường chào mừng ngày 20/11 hài hước, thú vị. Những câu truyện sẽ giúp cân bằng cảm xúc sau khi đọc những vần thơ, những câu truyện ngắn đầy lắng đọng trong báo tường.

Bài 1: 

Bài văn tủ

Cô giáo cho học sinh tả về con vật mình yêu thích nhất. Cu Bin 7 tuổi về bắt một con rận nghiên cứu và tả rất chi tiết, tất nhiên là cô giáo không hài lòng, Cô bắt cu Bin làm lại bài văn là hãy tả con chó nhà em.

Cu Bin làm bài văn như sau: "Nhà em có một con chó, con chó có nhiều lông, đã nhiều lông thì ắt phải có rận, sau đây em xin tả con rận" và chú bắt đầu tả con rận.

Cô giáo đọc bài văn, rất bực mình, liền bắt cu Bin làm lại lần nữa, lần này là tả con cá.

Hôm sau cu Bin nộp bài như sau: "Nhà em có một con cá, con cá sống dưới nước nên nó có nhiều vảy. Nếu nó sống trên cạn chắc hẳn nó sẽ có nhiều lông, đã nhiều lông thì phải có rận, sau đây em xin tả con rận".

Bài 2:

Tôi cũng thế

Thầy giáo nói:

- Thưa ông, trò Ngốc là một đứa lười không chịu học bài, chỉ chép lại của bạn ngồi bên cạnh.

Người cha hỏi:

- Làm sao thầy biết được?

Thầy giáo đáp:

- Đây, ông cứ coi bài kiểm tra Lịch sử này thì rõ.

Câu hỏi: Ai chiến thắng quân Thanh ngày mùng năm Tết?

Trò Tèo ngồi kế bên trò Ngốc trả lời là: vua Quang Trung, trò Ngốc cũng trả lời y như vậy?

Người cha cãi:

- Nhưng đó là câu trả lời mà các em đã học.

Thầy giáo bình tĩnh nói:

- Mời ông xem câu thứ hai. Câu hỏi: Ai là chồng bà Trưng Trắc? Thì cả hai cùng trả lời là Tô Định.

Người cha lại nói:

- Có thể nó nhớ sai giống nhau.

Thầy giáo nói:

- Nhưng câu thứ ba thì ông nghĩ sao? Câu hỏi: Bình Định Vương lên ngôi ngày nào? Trò Tèo trả lời em không biết. Thế ông biết con ông trả lời sao không? Nó viết vô là: "Tôi cũng thế".

Bài 3: 

Biết vẽ thế nào?

Để hiểu học trò hơn, cô giáo bảo học sinh vẽ vào một tờ giấy mơ ước mai sau của mình. Khi cô xem, có em vẽ hình máy bay tỏ ý muốn làm phi công, em thì vẽ ống nghe muốn làm bác sĩ, riêng một em gái để tờ giấy trắng nguyên, cô hỏi:

- Chẳng lẽ lớn lên em không muốn làm gì cả sao?

Em bé băn khoăn đáp:

- Lớn lên em sẽ lấy chồng, nhưng chẳng biết nó hình gì?

Bài 4: 

Ai tìm ra Châu Mỹ?

Trong giờ địa lý, thầy giáo gọi Hà:

- Em hãy chỉ đâu là châu Mỹ?

- Thưa thầy, đây ạ! - Hà chỉ trên bản đồ.

- Tốt lắm! Nào, thế bây giờ trò Bi hãy nói cho thầy biết ai đã có công tìm ra châu Mỹ?

- Thưa thầy, bạn Hà.

Bài 5: 

Cô giáo dặn học sinh:

- Ngày mai các em đem tới lớp một đồ dùng có liên quan đến bảo vệ sức khoẻ.

- Hôm sau, nhất loạt các học sinh đều mang mỗi người một đồ vật.

- Tuấn, em đem gì tới?

- Thưa cô, em mang băng gạc dùng để băng vết thương ạ.

- Tốt lắm. Thế còn Tèo, em mang gì nào?

- Thưa cô, lọ ê-te dùng để rửa sạch vết thương ạ.

Bài 6: 

Không phải em!

Để chuẩn bị cho tiết học có đoàn thanh tra của Sở Giáo dục xuống kiểm tra tại trường, thầy giáo chuẩn bị và báo với các em học sinh trong lớp.

- Khi thầy hỏi một câu thì tất cả các em đều phải giơ tay lên.

- Nếu em nào biết để trả lời thì giơ thẳng cả 5 ngón tay, ai không biết thì cúp một ngón tay để thầy biết.

Khi lớp học diễn ra có cả thanh tra sở, hiệu trưởng nhà trường tham dự. Thầy giáo say sưa giảng bài và đặt câu hỏi cho cả lớp.

Thấy tất cả các em đều giơ tay, thanh tra sửng sốt vì nghĩ học sinh học quá xuất sắc. Do hồi hộp quên mất quy tắc đã đặt ra, thầy chọn Thanh. Thanh bình tĩnh trả lời:

- Thưa thầy không phải em, em cúp mà!

Bài 7: 

Ai ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương?

Cả lớp im lặng. Thầy giáo chỉ một học sinh: Em biết ai ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương không?

Học sinh sợ sệt: Dạ không phải em.

Vừa lúc đó ông hiệu trưởng đi ngang. Thầy giáo phân bua: Anh xem, học trò bây giờ tệ quá. Tôi hỏi ai ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương mà không ai biết.

Thầy hiệu trưởng gật gù: Thôi anh nói anh Vương làm bản báo cáo rồi tôi nói ban giám hiệu xuất quỹ đền cho. Đừng làm rùm beng mang tiếng chết.

Bài 8: 

Đi trễ

Đã vào tiết học, Tí lúc này mới bước vào cổng trường. bác bảo vệ kêu lại và hỏi:

- Tại sao con đi trễ?

- Ước mơ của con là làm thầy hiệu trưởng, Tí trả lời.

- Tôi hỏi tại sao lại đi trễ mà? - Bác bảo vệ nghiêm mặt.

- Vậy bác khi nào thấy thầy hiệu trưởng đi sớm chăng?

Bài 9: 

Biển

Trong giờ địa lý, thấy Tí ngồi không chú ý bài.

- Cô giáo: Tí! Hãy cho cô biết biển là gì?

- Tí (giật mình): Thưa cô! “Biển” là bài thơ của Xuân Diệu ạ!

- Cô giáo: (im lặng)

Bài 10:

Thi vấn đáp

Một sinh viên phải trả thi trong hội đồng, Giáo sư hỏi:

- Các Mác mất năm nào?

- Các Mác đã mất! Một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến Người!

Cả hội đồng đứng dậy tưởng niệm một phút. Giáo sư hỏi tiếp:

- Lê - nin mất năm nào?

- Lê - nin mất, nhưng sự nghiệp của Người vẫn còn sống mãi. Ðể tưởng nhớ người lãnh đạo vĩ đại của giai cấp Cộng sản, 5 phút mặc niệm bắt đầu.

Cả hội đồng đứng dậy, mặc niệm. Giáo sư thì thầm với hội đồng: Thôi cho nó 3 điểm đi, không nó bảo chúng ta hát "Quốc tế ca" thì chẳng có ai ở đây thuộc lời đâu!

Ảnh: Tạp chí Văn hóa và Phát triển

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.