Những địa phương mới nổi hút tiền từ các đại gia bất động sản

Thị trường bất động sản các tỉnh vùng ven những năm gần đây được hưởng lợi từ hàng loạt công trình trọng điểm. Những công trình này đã thu hút sự có mặt của nhiều đại gia bất động sản.

Các tỉnh vùng ven thu hút vốn từ nhiều đại gia địa ốc

Tại khu vực phía Bắc, một số tỉnh trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên đã khai thác thế mạnh đặc trưng và trở thành tâm điểm đầu tư với nguồn cung bất động sản hàng đầu khu vực.

Thị trường bất động sản Quảng Ninh và Hải Phòng được hưởng lợi từ hàng loạt công trình trọng điểm như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng hàng không Cát Bi, thu hút sự có mặt của nhiều chủ đầu tư lớn. 

Trong khi đó, các dự án khu dân cư tại Bắc Ninh, Hải Phòng và Hưng Yên phát triển mạnh mẽ nhờ sự phát triển của các khu công nghiệp, thu hút nguồn lao động lớn đến làm việc tạo ra nhu cầu về nhà ở.

Những địa phương mới nổi hút tiền từ các đại gia bất động sản - Ảnh 1.

Một số dự án nổi bật tại các tỉnh vùng ven. (Nguồn: Chứng khoán KB).

Đáng chú ý, CTCP Vinhomes là một trong những doanh nghiệp bất động sản có quĩ đất lớn nhất thị trường. Theo báo cáo tháng 9/2019 của Chứng khoán BSC, Vinhomes gần như 'thống trị' thị trường với quĩ đất đạt 14.900 ha, vượt lên các 'ông lớn' khác như Novaland, Đất Xanh Group, Nam Long… 

Trong báo cáo mới ra tháng 2 của Chứng khoán KB, quĩ đất của Vinhomes tại các tỉnh vùng ven như Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng chiếm hơn 45% tổng quĩ đất của doanh nghiệp này.

Theo sau đó, Novaland hiện cũng là doanh nghiệp nắm giữ quĩ đất tại vùng ven lớn thứ hai thị trường. Cụ thể, doanh nghiệp này đang phát triển ba dự án tại các tỉnh ven biển với tổng diện tích 2.900 ha. 

Hai dự án trong đó là dự án nghỉ dưỡng, gồm NovaWorld Hồ Tràm tại Bà Rịa - Vũng Tàu và NovaWorld Phan Thiết tại Bình Thuận. Ngoài ra, Novaland đang phát triển thêm dự án có diện tích lớn nhất 1.800 ha là Aqua City tại Biên Hòa, Đồng Nai.

Theo xu hướng chuyển dịch của thị trường bất động sản, Nam Long cũng góp mặt trong những doanh nghiệp địa ốc lớn tích lũy quĩ đất tại các tỉnh vùng ven. Được biết, đầu năm 2019, Nam Long thâu tóm 192 ha quĩ đất tại dự án Waterfront City (Biên Hòa, Đồng Nai) thông qua mua lại 70% cổ phần của Keppel Land.

Trong năm 2020, các dự án đô thị đang được triển khai có Waterpoint rộng 355 ha tại Bến Lức, Long An. Dự án mở bán đợt một từ tháng 10/2019 với tỉ lệ hấp thụ đạt 100% các căn thấp tầng, đơn giá trung  bình lên đến 1.000 USD/m2. Cùng với đó, dự án đầu tiên của công ty tại miền Bắc là VSIP Hải Phòng kì vọng sẽ đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của Nam Long trong năm nay.

Những địa phương mới nổi hút tiền từ các đại gia bất động sản - Ảnh 2.

Nguồn cung và giá bán căn hộ tại một số tỉnh vùng ven nửa đầu năm 2019. (Nguồn: BSC).

Động lực nào cho thị trường bất động sản vùng ven?

Sự cải thiện mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng và kết nối giữa các vùng là yếu tố tạo động lực lớn nhất cho thị trường bất động sản vùng ven. Cơ sở hạ tầng thay đổi tích cực, dễ dàng kết nối tới các các tỉnh, thành phố giúp rút ngắn thời gian di chuyển. 

Dự án sân bay Long Thành và một loạt dự án hạ tầng tạo kết nối với các khu vực là động lực phát triển chính cho phát triển bất động sản khu vực tỉnh Đồng Nai. Trong khi đó, Long An là thành phố công nghiệp mới bên cạnh hai thủ phủ công nghiệp là Đồng Nai và Bình Dương, tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở. 

Mặt khác, dân số cũng là yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Tỉ lệ đô thị hóa của Việt Nam năm 2019 là 38%, con số này còn khá thấp, nhưng được dự báo tiếp tục tăng trưởng theo từng năm và đạt khoảng 41% vào năm 2025. 

Thống kê một số tỉnh vùng ven, tỉnh Bình Dương là một trong những tỉnh có tỉ lệ dân thành thị tăng mạnh nhất trong giai đoạn 2009 - 2019, từ khoảng 25% đến gần 80%. Đồng thời, đây cũng là tỉnh có tốc độ tăng dân số cao nhất, kế đến là tỉnh Đồng Nai.

Những địa phương mới nổi hút tiền từ các đại gia bất động sản - Ảnh 3.

Dân số và tỉ lệ dân thành thị tại một số tỉnh vùng ven năm 2009 - 2019. (Nguồn: BSC).

Trong một vài năm tới, thị trường bất động sản tại các tỉnh vùng ven dự kiến tiếp tục sôi động. Nguyên nhân lớn nhất là quĩ đất tại TP Hà Nội và TP HCM ngày càng thu hẹp, trong khi đó khu vực các tỉnh này vẫn còn quĩ đất lớn với chi phí thấp hơn.

Bên cạnh đó, phát triển dự án tại các khu vực này giúp chủ đầu tư tiết kiệm chi phí, cùng với đó là thủ tục đầu tư dễ dàng hơn trong khi giá cả và pháp lí là những yếu tố người mua nhà thường cân nhắc.

Tuy nhiên, thị trường các tỉnh vùng ven vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các dự án về hạ tầng đều là các dự án có qui mô lớn, cần triển khai trong nhiều năm. Cùng với đó là tác động tiêu cực từ tình trạng phân lô bán nền, lập dự án "ma" trên đất nông nghiệp xảy ra trong năm 2019 đã ảnh hướng tới tâm lí của người mua nhà.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.