Những dự án bất động sản đang được Gelex rót tiền

Tại thời điểm 30/6, chi phí dở dang dài hạn tại các dự án bất động sản của Gelex ghi nhận tăng so với đầu năm, như KCN Thuận Thành giai đoạn 1 tăng 17% lên 1.949 tỷ đồng; KCN Phú Hà giai đoạn 1 (929 tỷ đồng, tăng 10%); dự án số 10 Trần Nguyên Hãn (959 tỷ đồng, tăng 22%); dự án Angsana Vân Hải - Resort & Villas (955 tỷ đồng, tăng 26%).

Hoàng Huy tổng hợp BCTC hợp nhất quý II/2024 Gelex. (Đơn vị tính: tỷ đồng).

Quý II vừa qua, CTCP Tập đoàn Gelex (mã chứng khoán: GEX) ghi nhận doanh thu thuần 8.250,5 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ kinh doanh thiết bị điện. Mảng hạ tầng khu công nghiệp đóng góp khoảng 730 tỷ đồng, doanh thu hàng hóa bất động sản khoảng 58 tỷ đồng...

Doanh thu tài chính của Gelex tăng 925% lên 1.086 tỷ đồng nhờ bán các khoản đầu tư. Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp lãi sau thuế 1.104 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần đạt 14.910,5 tỷ đồng, trong đó doanh thu cho thuê khu công nghiệp chiếm 1.956 tỷ đồng, doanh thu hàng hóa bất động sản đóng góp 72 tỷ đồng. Lãi sau thuế 6 tháng của Gelex đạt 1.357 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ; lãi ròng đạt 958 tỷ đồng, tăng 319%.

Năm 2024, Gelex đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 32.303 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.921 tỷ đồng. Như vậy sau nửa năm, doanh nghiệp đã thực hiện khoảng 47% và 92% kế hoạch năm.

Danh mục dở dang dài hạn tính đến 30/6 của Gelex. (Ảnh chụp màn hình).

Tài sản tại ngày 30/6 là 52.443 tỷ đồng, giảm hơn 2.600 tỷ so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm khoảng 9.290 tỷ đồng.

Danh mục dở dang dài hạn của Gelex là 7.811 tỷ đồng, tập trung tại các dự án công nghiệp gồm: KCN Thuận Thành giai đoạn 1 là 1.949 tỷ đồng (tăng 17%); KCN Phú Hà giai đoạn 1 là 929 tỷ đồng (tăng 10%); KCN Yên Mỹ (664 tỷ đồng); KCN Phong Điền - Viglacera (446 tỷ đồng); KCN Mariel (424 tỷ đồng)...

Trong mảng bất động sản dân dụng, chi phí dở dang tại dự án số 10 Trần Nguyên Hãn là 959 tỷ đồng (tăng 22%); dự án 799 Kinh Dương Vương là 127 tỷ đồng; dự án Angsana Vân Hải - Resort & Villas là 955 tỷ đồng (tăng 26%).

Nợ phải trả tại ngày 30/6 là 30.164 tỷ đồng, trong đó nợ vay chiếm khoảng 57%. Doanh thu cho thuê bất động sản chưa thực hiện là 3.074 tỷ đồng.

Dự án 10 Trần Nguyên Hãn đang thi công của Gelex. (Ảnh: Hoàng Huy). 

Theo dự báo của Chứng khoán SSI, năm nay công ty con của Gelex là Tổng công ty Viglacera (mã chứng khoán: VGC) dự kiến sẽ cho thuê khoảng 170 ha đất công nghiệp, tương đương với năm trước.

Viglacera có khoảng 900 ha quỹ đất khu công nghiệp từ các dự án đã hoạt động. Doanh nghiệp đã được cấp vốn đầu tư cho KCN Sông Công II rộng 296 ha, tổng vốn 3.960 tỷ đồng tại Thái Nguyên và cho thuê 30 ha.

Công ty cũng dự kiến đầu tư KCN Dốc Đá Trắng rộng 288 ha tại tỉnh Khánh Hòa; đã xin phê duyệt chủ trương đầu tư đối với KCN Trấn Yên, tỉnh Yên Bái và dự kiến sẽ xin phê duyệt 3 KCN mới trong năm nay với tổng diện tích khoảng 1.000 ha.

Thời gian tới, Gelex cho biết thông qua các công ty thành viên sẽ tiếp tục đầu tư phát triển quỹ đất KCN tại các địa phương tiềm năng, mục tiêu đến năm 2030 có hơn 20 KCN với tổng diện tích tăng thêm 2.000 - 3.000 ha. 

Trong mảng bất động sản dân dụng, Tổ hợp khách sạn dịch vụ thương mại và văn phòng cho thuê số 10 Trần Nguyên Hãn đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025 và có thể có lãi từ năm thứ 5 sau khi đi vào hoạt động.

chọn
Đấu giá đất ở Thanh Oai (Hà Nội): Chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền
Tiếp tục thông tin về tiến độ nộp tiền sau trúng đấu giá đất tại huyện Thanh Oai (Hà Nội), ngày 16/9, lãnh đạo huyện cho biết: Với 68 thửa đất trúng đấu giá, đến thời hạn cuối cùng phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định, chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền; 56 thửa đất không nộp tiền hoặc không nộp đủ. Đáng chú ý, 12 trường hợp nộp tiền có giá trúng cao nhất là 55,167 triệu đồng/m2.