Những lỗi dễ mất điểm trong bài thi môn Ngữ văn THPT quốc gia thí sinh cần tránh

Cô Nguyễn Thị Hồng Châu, Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TP HCM) chỉ ra một số lỗi mà học sinh thường hay mắc phải khi làm đề thi môn Ngữ văn và cách khắc phục để đạt được kết quả cao nhất trong kì thi THPT quốc gia.

Muốn đạt điểm cao môn Ngữ văn thì cần đảm bảo cả nội dung lẫn hình thức

Khi ôn tập môn Ngữ văn chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia 2019, học sinh cần phải nhớ rằng, một bài văn tạo ấn tượng tốt với người đọc là phải đảm bảo về nội dung lẫn hình thức. 

Nếu bài văn có kiến thức khá tốt nhưng chữ viết "khó đọc" hoặc vướng một số lỗi khác thì điểm khó cao. Ngược lại, hình thức khá tốt, chữ viết đẹp, nhưng thiếu nội dung, không hiểu yêu cầu đề… thì hiển nhiên bài văn sẽ không được đánh giá tốt. 

Để tránh bị "mất điểm" khi làm bài văn, các em cần chú ý cả hình thức và nội dung. 

Những lỗi dễ mất điểm trong bài thi môn Ngữ văn THPT quốc gia thí sinh cần tránh  - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Hồng Châu, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Võ Trường Toản (Ảnh: NVCC)

Dùng ngôn ngữ "chat" và những lỗi dễ mất điểm trong bài thi môn Ngữ văn

Sau đây là một số lỗi mà hiện nay học sinh thường hay mắc lỗi do làm vội, do không đọc kĩ câu hỏi hoặc có thể do thói quen…

Thứ nhất, ở phần Đọc hiểu

Các em phải lưu ý đọc kĩ câu hỏi, hiểu yêu cầu hỏi và phạm vi hỏi để tránh bị dài dòng, hạn chế trả lời các ý vượt ngoài câu hỏi. Ví dụ, câu hỏi yêu cầu "ý nghĩa của việc đặt câu hỏi trong học tập" thì câu trả lời phải hướng đến lợi ích, điều tích cực của việc đặt câu hỏi (chọn hai hoặc ba ý tâm đắc nhất), không cần phải liệt kê hết tất cả các ý (rơi vào dài dòng, mất thời gian), không cần dư ý như nguyên nhân phải đặt câu hỏi.

Câu hỏi yêu cầu ý trả lời hướng đến bản thân nhưng khi viết, học sinh trả lời ý hướng đến mọi người thì cũng dễ "mất điểm". Chẳng hạn, câu hỏi yêu cầu "rút ra bài học tâm đắc cho chính em" thì hướng viết phải là về bản thân, xưng hộ cá nhân (em, tôi).

Hình thức, các em phải tránh viết câu thiếu chủ ngữ khi trả lời các câu hỏi. Đây là lỗi học sinh vướng khá nhiều. Câu trả lời sai ngữ pháp từ một hoặc hai câu thì điểm cho câu đó sẽ không đạt tối đa. Các em cố gắng viết câu có có chủ ngữ, vị ngữ rõ ràng, không được dùng ngôn ngữ "chat".

Khi gặp câu hỏi có yêu cầu "Vì sao? Tại sao" thì học sinh không nên viết câu trả lời bắt đầu là "Vì…". Hình thức viết câu trả lời này "chưa trọn vẹn". Các em phải dẫn lại ý chính của câu hỏi rồi mới trả lời các lí do, thường chọn ba hoặc bốn ý, viết gạch đầu dòng để rõ ý, rõ có bao nhiêu ý. 

Ví dụ, với câu hỏi "Theo em, tại sao một bộ phận giới trẻ thích dùng ngôn ngữ 'chat'?", thì cách trả lời nên như sau (gợi ý):

Theo em, hiện nay một bộ phận giới trẻ thích dùng ngôn ngữ "chat" vì:

- Ngôn ngữ "chat" ngắn gọn giúp tiết kiệm thời gian.

- Ngôn ngữ "chat" thể hiện "chất trẻ"…

Khắc phục các lỗi này, các em sẽ hạn chế được bị mất điểm ở các câu hỏi.

Những lỗi dễ mất điểm trong bài thi môn Ngữ văn THPT quốc gia thí sinh cần tránh  - Ảnh 2.

Cô Nguyễn Thị Hồng Châu và học sinh Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TP HCM). (Ảnh: NVCC)

Thứ hai, ở phần viết đoạn văn khoảng 200 chữ

Phần này, các em cũng phải đọc kĩ yêu cầu "phạm vi" đối tượng để trình bày suy nghĩ. Ở một số đề yêu cầu hướng đến bản thân thì các em phải viết suy nghĩ về chính mình. Còn nếu các em viết chung chung, viết về mọi người mà "quên" đi bản thân thì đoạn văn cũng chưa đạt về nội dung.

Cũng như ở phần Đọc hiểu, viết đoạn văn nhưng có câu sai ngữ pháp hoặc gạch xóa không đúng qui định thì vẫn bị "mất điểm".

Đặc biệt, các em phải chú ý hình thức là đoạn văn chứ không phải là một bài văn (vẫn có em nhầm lẫn điều này).

Thứ ba, ở phần Nghị luận văn học

Khác với phần viết đoạn trên, phần này các em phải đảm bảo bố cục có mở bài, có thân bài (gồm nhiều đoạn văn) và phần kết bài.

Đối với thơ, các em sẽ bị "mất điểm" nặng khi làm sai phương pháp, không hiểu đề. Lỗi mà một số học sinh hay bị vướng chính là không trích dẫn thơ khi cảm nhận. Hoặc có em trích thơ không đúng cách (chép thơ không trọn vẹn, chép thơ như diễn xuôi).

Đối với văn xuôi, lỗi bị "mất điểm" nặng chính là không có "dẫn chứng trực tiếp" mà chỉ đơn giản là "kể chuyện", tóm ý. Hoặc bài văn có dẫn chứng nhưng chỉ liệt kê thì cũng không đạt điểm cao. Học sinh cũng lưu ý, thân bài nếu chỉ có duy nhất một đoạn văn thì lỗi này vẫn bị trừ điểm khá nhiều.

>>>Xem thêm: Gợi ý cách đạt được 5 điểm câu Nghị luận văn học đề thi THPT quốc gia

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.