Nước trong quá trình cứu hỏa góp phần làm hư hại cấu trúc của Nhà thờ Đức Bà Paris

Ngày 17/4, các chuyên gia Pháp đã phân tích về cấu trúc của Nhà thờ Đức Bà (Notre-Dame) ở thủ đô Paris bị cháy ngày 15/4, với hy vọng lý giải được một phần nguyên nhân vụ hỏa hoạn đã làm sập một phần mái vòm của công trình mang tính biểu tượng này.

Giám đốc nghiên cứu Viện Lịch sử Nghệ thuật quốc gia Pháp Clément Salviani cho biết Nhà thờ Đức Bà được xây dựng từ đá vôi Lutetian - loại đá "nhạy cảm" với lửa và nước - cùng chất kết dính là vữa vôi, vốn là những vật liệu không chịu được sức nóng. 

Dưới tác dụng của nhiệt, đá vôi bị chuyển thành dạng bột trắng và nước thoát ra ngoài. Phản ứng này có thể xâm nhập sâu vào bên trong phần cấu trúc mái vòm nếu như đám cháy diễn ra trong một thời gian dài. 

Trong khi đó, Giáo sư ngành năng lượng, cơ học lý thuyết và ứng dụng tại Đại học Lorraine/CNRS, ông Anthony Collin cho biết hiện tượng giãn nở do các vật liệu xây dựng bị biến dạng dưới tác dụng của nhiệt cũng là vấn đề cần xem xét. 

Nước trong quá trình cứu hỏa góp phần làm hư hại cấu trúc của Nhà thờ Đức Bà Paris - Ảnh 1.

Các nghiên cứu cụ thể sẽ phải được thực hiện để đo lường tác động của tình trạng sốc nhiệt đối với đá và vữa, cũng như sự hòa tan do nước dập lửa.

Theo ông, nước trong đá ngưng tụ lại và áp lực do hơi nước làm vỡ khối đá đã gây ra các vết nứt. 

Ngoài ra, vật liệu chì bao phủ phần lớn cấu trúc của nhà thờ đã tan chảy và lan rộng khắp nơi cũng có thể gây ra vấn đề ở những khu vực bị hư hại. 

Cũng theo các chuyên gia, nước được lực lượng cứu hỏa sử dụng để dập lửa có thể đọng lại ở nhiều nơi và xâm nhập vào các vết nứt, từ đó làm loãng các khớp vữa gắn kết giữa các viên đá và làm mất tính ổn định toàn bộ các phần xây dựng. 

Hiện tác động rất khó xác định vì chưa bao giờ xảy ra tình huống như vậy, do đó rất có khả năng sẽ phải xây dựng lại toàn bộ phần mái vòm của nhà thờ. 

Ông Gilles Martinet thuộc công ty Aslé Conseil chuyên về vật liệu di sản cho biết các nghiên cứu cụ thể sẽ phải được thực hiện để đo lường tác động của tình trạng sốc nhiệt đối với đá và vữa, cũng như sự hòa tan do nước dập lửa. 

Theo ông, đây thực sự là một công việc rất khó khăn. Trong khi đó, nhà sử học về kiến trúc tại Đại học Picardie, ông Arnaud Timbert, cảnh báo nguy cơ xảy ra một "thảm họa khảo cổ" trong khuôn khổ các dự án trùng tu di tích. 

Rất nhiều vật liệu sẽ bị vứt đi, trong khi từ thời Trung cổ, các nhà xây dựng đã liên tục sử dụng lại vật liệu cũ được lấy từ các thánh đường cổ bị dỡ bỏ do hư hại. 

Nước trong quá trình cứu hỏa góp phần làm hư hại cấu trúc của Nhà thờ Đức Bà Paris - Ảnh 2.

Vụ cháy ở Nhà thờ Đức Bà Paris kéo dài tới 15 giờ đã làm sập một phần mái của di tích lịch sử này.

Hiện nguyên nhân gây cháy chưa được xác định nhưng truyền thông Pháp dẫn lời lực lượng cứu hỏa cho rằng hỏa hoạn "có thể liên quan tới" dự án tôn tạo trị giá 6,8 triệu USD phần tháp của nhà thờ với 250 tấn chì. 

Văn phòng công tố Paris đang điều tra vụ việc theo hướng tai nạn. Kiến trúc sư Francis Maude, Giám đốc công ty Donald Insall Associates, người từng tham gia công tác phục dựng lâu đài Windsor bị cháy năm 1992 gây chấn động "xứ sở sương mù", cảnh báo tình trạng thiếu hụt thợ chế tác thủ công lành nghề có thể làm chậm tiến trình phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris

Theo ông Maude, thách thức mà ngành kiến trúc trên toàn châu Âu có thể gặp phải ở thời điểm này là cung cấp các thợ chế tác thủ công có kỹ năng làm việc với một khối lượng lớn đá, gỗ và kính cửa sổ. 

Ông cho biết có rất nhiều dự án lớn khác đang phải đối mặt với những hạn chế tương tự, trong đó có tòa nhà Quốc hội Anh nơi mà công ty kiến trúc của ông đang tham gia cải tạo.

Công ty kiến trúc của ông Maude đã tham gia quá trình phục dựng lâu đài Windsor sau vụ hỏa hoạn năm 1992. 

Ngọn lửa bùng phát từ nhà nguyện riêng của Nữ hoàng Anh khi một bức rèm bắt lửa từ một đèn sân khấu, cháy lan sang nhiều khu vực khác và nhấn chìm tháp Brunswick trong biển lửa. 

Vụ việc may mắn cũng không gây thương vong nhờ sự phản ứng nhanh của lực lượng cứu hỏa.

Công tác phục dựng lâu đài Windsor bắt đầu vào năm 1995 và hoàn thành năm 1997, với kinh phí khoảng 36,5 triệu bảng Anh vào thời điểm đó.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.