Phong tục ngày lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ ở Việt Nam và một số nước châu Á

Vu Lan là ngày lễ hằng năm để mọi người tưởng nhớ, đền báo công ơn cha mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng và chăm sóc mình. Phong tục ngày lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ không chỉ có ở Việt Nam, mà còn được nhiều nước châu Á tổ chức hàng năm.‏

‏Tìm hiểu phong tục ngày lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ ở Việt Nam‏

‏Trước khi tìm hiểu phong tục ngày lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ ở các quốc gia khác, hãy cùng đến với những tục lệ tại Việt Nam để thấy rõ điểm chung và khác biệt văn hóa giữa nước ta và khác quốc gia trong khu vực.‏

‏Theo đó, phong tục ngày lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ tại Việt Nam thường được tổ chức/thờ cúng tại chùa trước, sau đó mới làm lễ, bày mâm cúng tại gia. Tùy vào điều kiện của từng gia đình và tập quán địa phương mà lễ cúng sẽ diễn ra vào ban ngày hoặc đêm.‏

‏Tại các ngôi chùa địa phương, người dân sẽ tụ tập thành đoàn, đến thắp hương, vái lạy, dâng lễ cúng và cầu nguyện những điều tốt lành cho cha mẹ và gia đình. Một số nơi còn tổ chức nghi thức "bông hồng cài áo" - cài bông hồng đỏ cho những ai còn mẹ và trao bông trắng cho những ai mất mẹ, nhắc nhở về lòng hiếu thảo và tình người. ‏

‏Nguồn: lichngaytot‏

‏Tại nhà, người dân sẽ chuẩn bị hai mâm cúng: Một mâm cúng tổ tiên tại bàn thờ và một mâm cúng chúng sinh ở sân trước nhà hoặc trên vỉa hè, thời gian cúng thường rơi vào chiều hoặc tối.‏

‏Trên mâm cúng tổ tiên, các gia đình Việt thường bày đặt một mâm cỗ mặn, tiền vàng và đồ mã (quần áo, giày dép, quần áo, tiền vàng mã, ngựa, các vật dụng trang sức,... làm bằng giấy) để cho người cõi âm có được một cuộc sống tiện nghi giống như người trên trần thế. Những đồ lễ này thường được mua hoặc đặt riêng tại các cửa hàng vàng mã địa phương.‏

‏Trên mâm cúng chúng sinh thì lễ vật gồm có: quần áo giấy với nhiều màu sắc (xanh biển, tím, hồng, cam, vàng, xanh lá), các loại bánh kẹo, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, 12 chén cháo loãng (cháo hoa), tiền vàng mã, nước suối hoặc rượu nếp, bia, chén muối, chén gạo, ngô, khoai lang, khoai tây, củ sắn (củ mì), trái cây như cóc, ổi, mía, chôm chôm, đậu phộng (lạc),...‏

‏Nguồn: phunutoday‏

‏Một số địa phương, thành phố tại Việt Nam còn tổ chức một số sự kiện trong ngày lễ Vu Lan để người dân và du khách thập phương chiêm ngưỡng. Ví dụ như Thừa Thiên Huế có những năm tổ chức diễu hành xe hoa, thả hoa đăng trên sông Hương, hay ở Quy Nhơn có hội xếp thuyền giấy rồi thả ra biển để tưởng nhớ người ra khơi rồi mất tích,....‏

‏Phong tục ngày lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ ở các quốc gia châu Á‏

‏Không chỉ tại Việt Nam mà người dân tại nhiều quốc gia châu Á khác cũng đón lễ Vu Lan vào ngày 15/7 (Âm lịch) với những tục lệ, cách thức tổ chức riêng nhằm bày tỏ lòng tôn kính với cha mẹ, ông bà tổ tiên và người đã khuất.‏

‏Cùng tìm hiểu phong tục ngày lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ tại các quốc gia khác nhau để khám phá những nét văn hóa độc đáo, mới lạ từng nước.‏

‏Phong tục ngày lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ ở Trung Quốc‏

‏Nước láng giềng phía Bắc nước ta là Trung Quốc cũng có những phong tục riêng vào ngày lễ Vu Lan (15/7). Tuy nhiên, khác với nước ta, ngày lễ này được biết đến nhiều hơn ở Trung Quốc với cái tên Ngày Ma - ngày tưởng niệm những linh hồn và người quá cố.‏

 ‏Nguồn: sinchew‏ 

‏Theo truyền thuyết dân gian Trung Quốc, tháng 7 (Âm lịch) được cho là thời điểm Diêm Vương mở cánh cổng địa ngục để những hồn ma quay trở về dương gian, cho đến ngày 30/7 thì cửa ngục mới đóng lại.‏

‏Vào ngày 15/7 theo lịch âm, người dân Trung Quốc thường sắm sửa mâm cỗ thịnh soạn để dâng lên tổ tiên và các linh hồn trước khi hoàng hôn buông xuống, đến chùa cầu phúc và phát gạo cho người nghèo.‏

‏Nguồn: sinchew‏

‏Do có diện tích rộng lớn và văn hóa mỗi vùng khác nhau mà người dân Trung Quốc sẽ đón ngày lễ Vu Lan theo những cách riêng biệt:‏

‏- Tại tỉnh Giang Tô, người ta thả bốn chiếc thuyền trên sông, chở theo Kinh Phật, những đồng tiền làm bằng giấy thiếc, đèn lồng và đồ ăn cúng lễ cho cô hồn.‏

‏- Tại tỉnh Phúc Kiến, tất cả những phụ nữ đã lấy chồng dù ở nơi nào cũng phải về tặng quà cho cha mẹ, món quà đó được đặt trong chiếc hòm hoặc rương, gồm quần áo mũ mão.‏

‏- Tại Hong Kong, người ta sử dụng mọi không gian công cộng để cúng tổ tiên cũng như những linh hồn lang thang, thắp hương, vàng mã, phát gạo miễn phí. Nhiều nơi dựng những đài tế tạm thời và sẽ hạ xuống khi kết thúc mùa Vu Lan.‏

‏- Tại tỉnh Quảng Tây, người dân thường giết vịt để cúng bái vì cho rằng các linh hồn thường đứng trên mình vịt, nhờ vịt cõng mà có thể tự do đi lại giữa âm thế và dương gian.‏

‏Nguồn: duhoctrungquoc‏

‏Tuy mỗi vùng mỗi phong tục khác nhau, soong nhìn chung người dân Trung Quốc đều sẽ thắp hương và làm bàn cúng trước cửa nhà. Trong ngày Vu Lan, các cửa hàng hầu như sẽ đóng cửa, các ngôi chùa lớn sẽ hoạt động đến đêm khuya để phục vụ người dân tới cúng bái, thắp hương.‏

‏Phong tục ngày lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ ở Nhật Bản‏

‏Ngày lễ Vu Lan ở Nhật Bản (hay còn được biết với cái tên Obon) được xem là một trong những lễ lớn và được tổ chức bài bản nhất ở quốc gia này. Trong văn hóa Nhật Bản, Obon là lễ hội Phật giáo nhằm thể hiện sự biết ơn đối với tổ tiên cội nguồn. Đây cũng là dịp để gia đình đoàn tụ và tham gia các tục lệ truyền thống tại địa phương.‏

‏Nguồn: tsunagu japan‏

Khác với Việt Nam và Trung Quốc, lễ Vu Lan ở Nhật có thể kéo dài trong suốt bốn ngày (từ 13 - 16 tháng 7 âm lịch) và ngày bắt đầu lễ hội sẽ phụ thuộc vào tập quán của từng khu vực. Trong thời gian này, rất nhiều phong tục tại nhà và hoạt động đặc sắc được địa phương tổ chức sẽ được diễn ra, có thể kể đến như:‏

‏- Ngày 12/8: Các gia đình chuẩn bị những con ngựa (được làm từ dưa chuột và tăm) với ý nghĩa nhanh chóng đưa rước linh hồn của cha mẹ, ông bà đến với trần thế. Bên cạnh đó, họ cũng chuẩn bị những con bò (được làm từ cà tím và tăm) để đưa người đã khuất thong thả về với thế giới bên kia. Người dân Nhật tin rằng với hai vật phẩm này, linh hồn của người đã khuất sẽ được đến và đi thanh thản, chậm rãi.‏

‏Nguồn: hongngocha‏

‏- Ngày 13/8, các gia đình người Nhật sẽ bắt đầu nhóm lửa đón tổ tiên (hay còn gọi là Mukaebi). Ngày này, người ta sử dụng cành cây gai Ogara để đốt lửa với lòng tin rằng ngọn lửa sẽ soi sáng cho những linh hồn người đã khuất tìm về với gia đình trên trần thế của mình một cách nhanh nhất.‏

‏- Ngày 14/8 và ngày 15/8: Thành viên trong gia đình sẽ tổ chức đi viếng mộ phần. Họ sẽ chuẩn bị hoa quả, bánh truyền thống và hương thơm để dâng lên tổ tiên của mình trong sự biết ơn và lòng thành kính. Các thành viên trong gia đình sẽ tập trung lại để cùng nhau tưởng nhớ những người đã khuất.‏

‏- Ngày 16/8: Đây cũng là ngày cuối cùng trong dịp lễ Obon của Nhật Bản, sau những công việc trên thì trong ngày này họ sẽ tổ chức đốt lửa để tạm biệt tổ tiên, ông bà cha mẹ đã khuất.‏

‏Lễ dâng lửa Obon lớn nhất ở Nhật Bản được tổ chức ở Kyoto vào khoảng 20h ngày 16/8. Thời điểm này, hàng nghìn người đổ về Kyoto để xem những ngọn lửa được thắp sáng lên và bắt đầu cầu nguyện cho gia đình mình. Trong khi đó, tại chùa Yusen-ji dưới chân các ngọn núi sẽ tổ chức các nhảy các điệu múa truyền thống ngay khi các đám lửa cháy hết. Daimoku và Sashi là hai điệu múa đặc trưng và thường được diễn ra trong vòng 1 giờ đồng hồ.‏

‏Nguồn: hongngocha‏

‏Rất nhiều hoạt động khác cũng được tổ chức trong dịp lễ hội Obon để tưởng nhớ đến tổ tiên của người dân Nhật Bản. Trong đó, sôi động nhất là các trò chơi dân gian, truyền thống của Nhật Bản như câu cá, bịt mắt đập dưa hấu,...‏

‏Kết thúc buổi lễ hội Obon Nhật Bản là màn biểu diễn pháo bông, thả đèn lồng, thả thuyền hoa đăng trôi trên sông hay dọc các bờ biển với mục đích đưa tiễn linh hồn của tổ tiên, người thân. Đây là một thời khắc rất thiêng liêng và đẹp trong mắt người dân Nhật Bản.‏

‏Nguồn: japan-guide ‏

‏Phong tục ngày lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ ở Singapore‏

‏Singapore cũng là một trong những quốc gia có phong tục ngày lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ vào tháng 7 Âm lịch. Do có cộng đồng người Hoa sinh sống tại nước này là rất lớn - đến khoảng 75% dân số là người gốc Hoa, vậy nên không hề lạ khi họ mang phong tục lễ Vu Lan tổ chức tại Singapore.‏

 Nguồn: visitsingapore 

‏Vào ngày này, người Hoa nói riêng và những người theo đạo Phật nói chung ở Singapore thường bày đồ cúng trước nơi họ sinh sống. Trên mâm cúng của người Sing không thể thiếu tiền âm phủ, đồ vàng mã, heo quay, cơm nắm,... để gửi cho người đã khuất như một cách chăm lo cho các nhu cầu vật chất của họ kể cả khi đã sang thế giới bên kia.‏

Nguồn: visitsingapore

‏Nét đặc sắc nhất của lễ Vu Lan tại Singapore chính là những buổi biểu diễn “getai” hay ca đài hoặc các chương trình biểu diễn trực tiếp trên sân khấu, với các câu chuyện về các vị thần, hài độc thoại, cũng như các bài hát và điệu nhảy đếm số - một hình thức giải trí phổ biến cho những linh hồn lang thang trên trần thế. ‏

‏Ngoài ra, các khu dân cư người Hoa như Ang Mo Kio và Yishun còn có các căn lều lớn được dựng ngoài trời để người dân thưởng thức các món ăn đường phố hoặc tham gia các buổi đấu giá trong dịp lễ này.‏

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.