Ý nghĩa và nguồn gốc ngày Lễ Vu Lan báo hiếu
Rằm tháng 7 âm lịch là thời điểm Lễ Vu Lan báo hiếu diễn ra nhằm tôn vinh, báo hiếu công lao dưỡng dục của đấng sinh thành. Hãy cùng chúng tôi thông qua bài viết sau đây để hiểu hơn về ngày Lễ Vu Lan báo hiếu bạn nhé!
Lễ Vu Lan báo hiếu là ngày gì?
Lễ Vu Lan báo hiếu là là một trong những ngày lễ lớn của người theo đạo Phật, là ngày tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu cha mẹ và tổ tiên. Qua hàng ngàn năm với ý nghĩa đầy nhân văn, Lễ Vu Lan đã lan rộng ra, không chỉ là ngày lễ của các Phật tử mà trở thành ngày lễ báo hiếu của tất cả người dân Việt Nam.
Lễ Vu Lan (ngày rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn.
Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tổ tiên. Lễ Vu Lan của Phật giáo đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt, là cuộc lễ mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.
Theo truyền thống, Lễ Vu Lan diễn ra vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm. Tính theo Dương lịch, ngày Lễ Vu Lan 2022 rơi vào Thứ Sáu, ngày 12 tháng 8 Dương lịch (15/7 Âm lịch).
Lễ Vu Lan báo hiếu có nguồn gốc như thế nào?
Theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Phó Trưởng ban - Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, nguồn gốc của lễ Vu Lan trong đạo Phật xuất phát từ kinh Vu Lan Bồn.
Cụ thể, kinh này nói về sự tích của Tôn Giả Mục Kiền Liên (Vị Bồ Tát đại hiếu), một trong 10 vị đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vị này tu hành đắc được phép thần thông đệ nhất nên thấy mẹ mình là bà Thanh Đề sau khi chết đi bị đọa xuống cõi địa ngục.
Vì thương mẹ nên Tôn Giả Mục Kiền Liên thưa với với Đức Phật Thích Ca làm gì để cứu vớt mẹ mình thoát khỏi cõi địa ngục. Đức Phật Thích Ca chỉ dạy, bà Thanh Đề sau khi chết bị đày dưới địa ngục là do ở đời làm nhiều việc ác và tham lam.
Vì vậy, muốn cứu được bà ra khỏi cõi địa ngục đau khổ thì vào dịp Rằm tháng 7, sau khi mãn hạ ba tháng an cư của chư Tăng phải sắm sửa lễ vật cúng dường chúng Tăng, cầu thỉnh mười phương Tăng chúng hồi hướng chú nguyện thì bà Thanh Đề mới thoát được cõi địa ngục đau khổ, thoát sinh về cõi thiên cung sung sướng.
Với ý nghĩa giải thoát, cúng giỗ vong hồn, Lễ Vu Lan còn liên quan đến việc cầu siêu cho vong linh của đạo Phật. Cho nên Tết này, một số gia đình hay lên chùa cầu nguyện cho người đã khuất.
Ý nghĩa của ngày Lễ Vu Lan báo hiếu là gì?
Ngày Lễ Vu Lan hàng năm được tổ chức long trọng nhằm nhắc nhở các thế hệ con cháu luôn nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của ông bà, cha mẹ cũng như tổ tiên và các bậc anh hùng dân tộc đã có công với đất nước. Không riêng gì đối với mỗi người Phật tử, Lễ Vu Lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu lan tỏa khắp cả đất nước Việt Nam.
Báo hiếu ở đây là đối với cha mẹ, người đã sinh và nuôi dưỡng chúng ta không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác. Tín ngưỡng Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng báo luân hồi. Điều này dẫn đến việc chúng ta phải mở rộng vòng báo hiếu ra tất cả các chúng sinh. "Phổ độ chúng sanh", "cứu nhân độ thế", "xá tội vong nhân".
Hình ảnh gây nhiều xúc động trong mùa Vu Lan đó chính là bông hoa hồng cài trên áo. Dù già hay trẻ, trai hay gái dự Lễ Vu Lan đều thành kính và ngập trong cảm xúc khi đón nhận một bông hoa hồng cài trang trọng lên ngực áo. Màu đỏ là biểu tượng của việc còn mẹ, màu hoa trắng để tưởng nhớ về người mẹ đã khuất núi. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến cha mẹ.
Một mùa Lễ Vu Lan nữa lại sắp đến. Đây là dịp để mỗi người sống nên chọn lối sống chậm lại, biết yêu thương, chia sẻ nhiều hơn nữa khi cuộc sống ngày càng trở nên xô bồ hơn, khắc nghiệt hơn và hối hả hơn. Là dịp để mỗi người con chúng ta hướng lòng thành kính đến các đấng sinh thành, những người đã có sinh dưỡng mỗi người con chúng ta.
Có khi nào bạn tự hỏi rằng: Đã bao lâu rồi mình không nói những lời yêu thương đến cha mẹ? Đã bao lầu rồi bạn không dành thời gian bên gia đình hay tặng cha mẹ một món quà ý nghĩa nào đó? Vậy đừng bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời này, hãy hành động thiết thực nhất, chân thành nhất để bày tỏ lòng tri ân tới đấng sinh thành nhé!
Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về ngày Lễ Vu Lan báo hiếu về ý nghĩa cũng như nguồn gốc. Qua đó phần nào hiểu hơn được công lao dưỡng dục của đấng sinh thành.