Ngày nay, lễ Vu Lan được mọi người biết đến như là ngày báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên, cũng như cầu siêu cho vong linh những người đã khuất. Tuy nhiên, ngày lễ này bắt nguồn từ đâu và có ý nghĩa như thế nào thì không phải ai cũng biết rõ.
Để hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa ngày lễ Vu Lan phải kể đến tích “Mục Kiền Liên cứu mẹ” trong kho tàng truyện cổ Phật Giáo. Chuyện kể rằng, mẹ của Mục Kiền Liên (một trong hai đệ tử hàng đầu của Phật Thích Ca) là bà Thanh Đề, khi còn sống đã buông lời xúc phạm, làm nhục chúng Tăng cũng như không có lòng tin kính Phật Gia, phỉ báng Tam Bảo.
Do đó, khi bà mất, vì tội nghiệp quá nặng ở kiếp này cũng như cả kiếp trước mà mẹ ngài bị đày xuống 18 tầng địa ngục, biến thành ngạ quỷ (quỷ đói) và chịu nỗi khổ của việc bị treo ngược (đảo huyền). Khi ấy, ngài Mục Kiền Liên - lúc ấy đã chứng quả vị La Hán, khai mở được Phật nhãn, pháp nhãn, huệ nhãn - đã nhìn thấy được mẹ mình đang đọa lạc nơi địa ngục thống khổ, cơm không có ăn.
Vì thương xót mẹ, Tôn giả đã xuống địa ngục, tìm tới nơi và tận tay dâng lên bát cơm cho bà. Tuy nhiên, mẹ ngài lúc ấy dù bị đọa làm ngạ quỷ vẫn không dứt bỏ được tâm tính tham lam, đã vội vàng lấy tay che bát cơm và tìm đến chỗ không có ngạ quỷ để lén ăn một mình. Chính hành động này đã khiến nghiệp chướng của bà Thanh Đề thêm nặng, khiến bát cơm vừa đưa lên miệng đã lập tức biến thành than hồng khiến bà không thể ăn được.
Mục Kiền Liên lúc ấy tuy là thần thông quảng đại, nhưng lại không thể cứu giúp được mẹ mình. Vậy nên ngài đã trở về trần thế và thưa với đức Phật Thích Ca để tìm cách hóa giải. Đức Phật chỉ ra rằng, vì mẹ của ông hủy báng Tam bảo nên mới tạo thành tội nghiệp quá nặng. Bây giờ muốn cứu được mẹ thì vào ngày Rằm tháng 7 (ngày chư Phật hoan hỷ, cũng là lúc chư tăng Tự tứ), Mục Kiền Liên hãy thiết lễ Vu Lan Bồn mới mong cứu được mẹ mình.
Theo lời Phật dạy, đúng vào ngày 15/7 Âm lịch, Tôn giả đã sắm sửa vật thực cúng dường tứ sự (thuốc men, ăn uống, y phục, chỗ nằm) cho chúng Tăng. Ngài lấy phước báu cùng sự chú nguyện của chư Tăng hồi hướng cho mẹ và giải thoát được tất cả vong hồn bị giam cầm ở âm cung (địa phủ).
Từ đó, dân gian lưu truyền câu chuyện này của ngài Mục Kiền Liên, ngày càng có nhiều người làm theo cách này để siêu độ cho cha mẹ. Dần dần, Rằm tháng 7 trở thành một trong những ngày lễ báo hiếu được đông đảo người theo đạo Phật biết đến. Và cái tên Vu Lan hay Vu Lan Bồn có âm tiếng Phạn là “Ullambana”, dịch ra chữ Hán là “Giải đảo huyền”, tức là hóa giải (giải) tội bị treo ngược (đảo huyền) cũng được mọi người đặt cho ngày lễ này.
Như vậy, lễ Vu Lan báo hiếu đã trở thành một tục lệ gắn với Phật giáo, hình thành dựa trên truyền thống hiếu nghĩa của người theo Đạo Phật nói chung và người Á Đông nói riêng. Đọc và ngẫm về nguồn gốc của Lễ Vu Lan, ta mới hiểu được tầm quan trọng trong việc việc báo hiếu, siêu độ cho bố mẹ và người thân: Muốn cha mẹ không phải chịu nhiều khổ đau dưới cõi âm, thì việc báo hiếu trong ngày lễ Vu Lan là việc nên làm.
Ngày lễ Vu Lan chính là ngày mà Phật tử trên khắp mọi miền tổ quốc Việt Nam cũng như trên toàn thế giới bày tỏ tấm lòng hiếu đạo với ông bà, tổ tiên, cha mẹ. Ngày này không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng, mà còn hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của cha ông từ ngàn đời xưa.
Ý nghĩa đặc biệt nhất mà ngày lễ Vu Lan mang lại chính là việc lan tỏa tinh thần, hành động, nghĩa cử cao đẹp của những người con, người cháu đối với công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà. Những việc làm này không ngừng lan tỏa đến cộng động, xã hội và đã trở thành một nét đẹp văn hóa được mọi người lưu tâm, thực hiện.
Không những thế, Vu Lan còn là ngày chư Tăng tự tứ, kết thúc ba tháng “an cư kiết hạ”. Chư Phật dạy rằng, nếu Phật tử có tín tâm với Tam Bảo, phát tâm cúng dường Tam Bảo và chúng Tăng, hồi hướng phước báu cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên và con cháu trong ngày lễ này thì họ sẽ được hưởng phúc báu, tiêu trừ nghiệp chướng, thoát khỏi kiếp làm ngạ quỷ, súc sinh và khổ sở.
Trong thời đại ngày nay, tinh thần đạo hiếu cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau. Dưới đây là một số hình ảnh về những hoạt động ý nghĩa trong ngày lễ Vu Lan tại Việt Nam hàng năm: