Quý III, nguồn cung BĐS tại TP HCM sụt giảm nghiêm trọng ở tất cả phân khúc

Nguồn cung thị trường bất động sản TP HCM và các tỉnh lân cận có sự sụt giảm mạnh ở hầu hết các phân khúc. Cục bộ thị trường xuất hiện một số nhà đầu tư cắt lỗ, giảm giá bán để nhanh chóng thu hồi vốn do áp lực lãi vay.

Nguồn cung đất nền sụt giảm nghiêm trọng

Là 'điểm nóng' Covid-19 trong quý III, thị trường BĐS TP HCM và các tỉnh lân cận ra sao? - Ảnh 1.

Nguồn cung mới tại thị trường TP HCM và các tỉnh giáp ranh chỉ bằng khoảng 4% quý trước. (Nguồn: DKRA Việt Nam).

Theo báo cáo quý III của DKRA về thị trường bất động sản, khu vực TP HCM và các tỉnh giáp ranh Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã bị ảnh hưởng mạnh về nguồn cung.  

Với phân khúc đất nền, cả 5 tỉnh/thành chỉ ghi nhận hai dự án mở bán, đều thuộc giai đoạn mở bán tiếp theo. Thị trường được cung cấp 118 sản phẩm mới, chỉ bằng 4,1% so với quý trước. Nguồn cung mới tập trung ở Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu, những địa phương khác gần như không có. 

Trong đó, thị trường TP HCM liên tục thiếu vắng nguồn cung mở bán mới trong thời gian qua. Các yếu tố như chi phí đầu tư, phát triển hạ tầng tăng cao (đền bù, giải phóng mặt bằng), thiếu hụt quỹ đất… đã ảnh hưởng đến nguồn cung mới tại thị trường này thời gian qua.

Tỷ lệ tiêu thụ đạt 24% (tương ứng 28 sản phẩm), bằng 1,5% quý trước. Sức cầu chung toàn thị trường ở mức rất thấp do các tỉnh phía nam siết chặt biện pháp cách ly toàn xã hội trong quý III.

Theo DKRA, thanh khoản thị trường thứ cấp cũng ở mức rất thấp, có xu hướng giảm giá cục bộ ở một dự án và khu vực. Mức giảm dao động ở mức 5 - 7% so với trước khi dịch bùng phát mạnh vào tháng 5.

Thanh khoản thị trường căn hộ thứ cấp giảm mạnh

Là 'điểm nóng' Covid-19 trong quý III, thị trường BĐS TP HCM và các tỉnh lân cận ra sao? - Ảnh 2.

TP HCM chiếm đa số về nguồn cung và tỷ lệ tiêu thụ mới trong quý III. (Nguồn: DKRA Việt Nam).

Đối với thị trường căn hộ, TP HCM và 4 tỉnh giáp ranh đã ghi nhận 13 dự án mở bán  trong quý II. Ba dự án mới và 10 giai đoạn tiếp theo cung cấp ra thị trường khoảng 3.516 căn, bằng 88% so với quý trước, nhưng chỉ bằng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số căn tiêu thụ được khoảng 2.724 căn, đạt xấp xỉ 77% nguồn cung mở bán mới, bằng 84% so với quý trước và bằng 28% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn cung và lượng tiêu thụ toàn thị trường tiếp tục giảm so với quý trước, tiếp nối đà giảm kéo dài từ đầu năm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát trên diện rộng. 

Tuy nhiên, theo ông Võ Hồng Thắng, Trưởng phòng R&D tại DKRA Việt Nam, mức độ giảm nguồn cung và tiêu thụ vẫn ở trong khoảng cho phép. Điều này thể hiện tín hiệu tích cực của thị trường trong thời gian vừa qua.

TP HCM và Bình Dương tiếp tục dẫn đầu, chiếm 89% nguồn cung và lượng tiêu thụ mới trong quý. Thị trường Long An có điểm sáng là sự ra mắt của căn hộ phân khúc giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn, nằm trong khu đô thị được phát triển bài bản, thu hút tốt sự quan tâm của thị trường. 

Các hình thức mở bán, ráp căn online được áp dụng giữa bối cảnh lệnh giãn cách xã hội tại các tỉnh/thành tiếp tục được siết chặt. Giá bán sơ cấp ở các dự án không có nhiều biến động so với quý trước. Hầu hết các chủ đầu tư đều ban hành các chính sách chiết khấu bán hàng mùa dịch, lịch thanh toán giãn cách nhằm kích cầu thị trường sơ cấp.

Tại thị trường thứ cấp, thanh khoản giảm mạnh. Cục bộ thị trường xuất hiện một số nhà đầu tư cắt lỗ, giảm giá bán để nhanh chóng thu hồi vốn.

Nhà phố, biệt thự xu hướng dịch chuyển ra vùng ven

Trong trong quý III, phân khúc nhà phố, biệt thự khu vực TP HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận 5 dự án mở bán, bao gồm 2 dự án mới và 3 dự án thuộc giai đoạn tiếp theo. Nguồn cung mới 469 căn hộ, bằng 13% so với quý trước và 29% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới khoảng 237 căn, đạt 51% nguồn cung mới và bằng 17% so với quý II và bằng 25% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn cung và sức cầu mức thấp nhất từ đầu năm 2020 đến nay. Đồng Nai tiếp tục là khu vực dẫn đầu về nguồn cung và lượng tiêu thụ toàn thị trường. Riêng khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục không ghi nhận nguồn cung mới. 

Nhiều chủ đầu tư áp dụng hình thức bán hàng, ráp căn online tuy nhiên không hiệu quả như kênh bán hàng truyền thống. 

Đối với khu vực giáp ranh, sự quan tâm của khách hàng tập trung vào những dự án quy mô lớn, quy hoạch bài bản và được phát triển bởi những chủ đầu tư uy tín.

Việc siết chặt cấp phép xây dựng cũng như quỹ đất trong khu vực ngày càng hạn chế khiến nguồn cung tại TP HCM còn lại đa số là những dự án cũ với lượng hàng tồn kho giá trị cao. Chính vì vậy phân khúc nhà phố/biệt thự đang có xu hướng dịch chuyển ra các vùng giáp ranh phát triển khác như Đồng Nai, Bình Dương với quỹ đất dồi dào, cơ sở hạ tầng kết nối thuận tiện và mức giá bán hợp lý.

chọn
[LIVE] ĐHĐCĐ Đạt Phương: Mục tiêu lãi 343 tỷ đồng, tìm kiếm thêm dự án bất động sản công nghiệp
Năm 2024, Đạt Phương đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 4.566 tỷ đồng và lãi sau thuế 343,5 tỷ đồng. Với mảng bất động sản, năm nay Đạt Phương sẽ tập trung triển khai khu đô thị Cồn Tiến và Casamia Hội An, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án công nghiệp.