Quy mô 'siêu dự án' Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vẫn đang nghiên cứu

Phương án xác định quy mô đầu tư tuyến Vành đai 4 vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và chưa có quyết định cuối cùng.
Quy mô 'siêu dự án' Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vẫn đang nghiên cứu - Ảnh 1.

Vành đai 4 theo quy hoạch đi qua đường Nguyễn Văn Trác hướng về QL6. (Ảnh: Hạ Vũ).

Quy mô đầu tư Vành đai 4 vẫn đang nghiên cứu

UBND TP Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ xin chấp thuận chủ trương triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Tờ trình cũng cho biết, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn phía Nam QL 18 (đoạn nghiên cứu triển khai đầu tư) có quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 29/7/2011. Tổng chiều dài tuyến khoảng 98 km.

Theo tờ trình, phần tuyến nằm trên địa phận thành phố Hà Nội (56,5km) và đoạn nối từ cầu Mễ Sở đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên trong giai đoạn 2016-2020, đã có 3 nhà đầu tư đề xuất đối với 4 đoạn tuyến theo hình thức đối tác công tư PPP, loại Hợp đồng BT và BOT.

Tuy nhiên, các dự án theo hình thức hợp đồng BT đang dừng triển khai thực hiện (theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không còn hình thức hợp đồng BT). Các đoạn tuyến còn lại trên địa bàn các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh chưa triển khai nghiên cứu đầu tư.

Cũng theo tờ trình, trong giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT và các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao cho Bộ GTVT tải chủ trì nghiên cứu lập Báo cáo nghiên cứu tiên khả thi để đầu tư toàn bộ tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn phía Nam QL18.

Theo đó, Ban QLDA 2 - Bộ GTVT đã nghiên cứu sơ bộ đề xuất 3 phương án (PA1: Quy mô mặt cắt B=120; PA2: Quy mô mặt cắt B=24,75m; PA3: Quy mô mặt cắt B=17m).

Tuy nhiên 3 phương án trên đều có các ưu nhược điểm riêng và tại Thông báo số 68/TB-BGTGT ngày 11/3/2021, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan của Bộ tiếp tục phối hợp với các địa phương để nghiên cứu đề xuất quy mô cho phù hợp theo các giai đoạn.

"Như vậy phương án xác định quy mô đầu tư tuyến Vành đai 4 vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và chưa có quyết định cuối cùng.

Hiện, Ban QLDA 2 và đơn vị tư vấn là Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đang tiếp tục nghiên cứu các phương án để đề xuất quy mô, định hướng đầu tư theo tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT như đã nêu ở trên", tờ trình cho hay.

Quy mô 'siêu dự án' Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vẫn đang nghiên cứu - Ảnh 2.

Vành đai 4 được kiến nghị đầu tư cao tốc trên cao tương tự Vành đai 3. (Ảnh: Hạ Vũ).

Vành đai 4 đi qua các xã nào?

Theo tờ trình của các đơn vị nêu trên, đoạn qua địa phận thành phố Hà Nội (chiều dài tuyến khoảng 56,5 km với phạm vỉ chiếm đất khoảng 680 ha) có điểm đầu tại lý trình khoảng Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn.

Tuyến đi theo hướng Tây - Nam giao QL2 tại xã Thanh Xuân và tiếp tục qua khu đô thị mới Mê Linh, tuyến vượt sông Hồng tại vị trí cầu Hồng Hà; giao với quốc lộ 32 tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức và cắt qua Đại lộ Thăng Long tai Km12+ 600, giao cắt QL6 tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, đi theo hướng Đông - Nam, giao QL1A và đường Pháp Vân - cầu Giẽ tại xã Văn Bình, huyện Thường Tín, vượt sông Hồng bằng cầu Mễ Sở tại vị trí cách phà Mễ Sở khoảng l km về phía thượng lưu.

Đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên (chiều dài tuyến khoảng 20,3 km với phạm vi chiếm đất khoảng 243,6 ha) bắt đầu từ cầu Mễ Sở, qua điểm giao QL 5 tại khoảng Km 17+900, cách trạm thu phí QL 5 khoảng 150m về phía Hà Nội và giao vượt qua đường sắt Hà Nội - Hải Phòng tại khoảng giữa thôn Ngọc và ga Lạc Đạo, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, sau đó rẽ phải đi theo hướng Đông sang địa phận huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh (chiều dài tuyến khoảng 21,2 km; tương ứng với phạm vi chiếm đất khoảng 254,4ha) có điểm đầu từ vị trí giáp ranh với tỉnh Hưng Yên, tuyến đi theo hướng Đông qua xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành và rẽ trái giao QL 38 tại xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, tiêp tục theo hướng Bắc vượt sông Đuống tại trị cách cầu Hồ (trên QL38 hiện tại) khoảng 1 km về phía hạ lưu; điểm cuối tuyến tại khoảng Km35+300 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh).

Theo tờ trình, các địa phương đề xuất ngoài quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ nghiên cứu thêm phương án quy hoạch xây dựng phần đường cao tốc là cầu cạn trên cao thay cho việc đi bằng với quy mô 4 - 6 làn xe cao tốc.

Qua rà soát, tính toán sơ bộ để đầu tư tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, kinh phí đầu tư dự án theo phương án cao tốc đi bằng cần khoảng 105.000 tỷ đồng. Dự án triển khai làm cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến có kinh phí xây dựng khoảng 135.000 tỷ đồng (đã bao gồm 2 cầu lớn vượt sông Hồng). Ngoài ra, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án ước tính khoảng 25.000 tỷ đồng.

Các địa phương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án đầu tư cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến, tương tự như phương án đường cao tốc trên cao ở tuyến Vành đai 3.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.