Reuters: Việt Nam đã thành công trong cuộc chiến đối phó dịch Covid – 19

Hãng tin Reuters vừa đăng tải bài viết về lí do thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại virus corona với 4 yếu tố quyết định hàng đầu.
Reuters: Việt Nam đã thành công trong cuộc chiến đối phó dịch Covid – 19 - Ảnh 1.

Các quốc gia trên thế giới có chung một cuộc chiến - đó là cuộc chiến chống lại Covid-19 (Ảnh: Reuters)

Vào cuối tháng 1, ngay sau Tết Nguyên đán, Việt Nam đã phát hiện hai trường hợp đầu tiên nhiễm virus corona. Chính phủ đã liên hệ với các công ty có kinh nghiệm về xét nghiệm y tế để được giúp đỡ khẩn cấp.

Ông Phạm Quốc Việt cho biết, Việt Nam chính thức cần phải có hành động nhanh chóng. Ông là doanh nhân sở hữu công ty thiết bị y tế Việt Á Corp, chuyên sản xuất dụng cụ xét nghiệm và là một trong những cơ sở thực hiện chương trình tăng cường xét nghiệm đối phó với dịch bệnh.

Việt Nam, đất nước 96 triệu dân có chung biên giới với Trung Quốc, đã thành công trong việc khống chế và kiểm soát Covid-19, trong khi nhiều quốc gia giàu có và phát triển hơn vẫn đang phải đối phó rất khó khăn với đại dịch này.

Chính phủ Việt Nam ghi nhận chính thức một số lượng tương đối ít với 270 trường hợp nhiễm virus và tỉ lệ tử vong bằng không. Điều đó giúp cho Việt Nam có thể bước vào quá trình khôi phục nền kinh tế sớm hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia khác, theo một số chuyên gia y tế cộng đồng.

Philippines, nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, ngược lại đã có số lượng người nhiễm gần gấp 30 lần so với Việt Nam và con số tử vong là 500 ca.

Theo Reuters, các chuyên gia y tế cộng đồng cho rằng, Việt Nam đã thành công do sớm thực hiện các động thái quyết định: Hạn chế nhập cư, cách li hàng chục ngàn người, nhanh chóng tăng cường thực hiện xét nghiệm và thiết lập một hệ thống để theo dõi những người có thể bị phơi nhiễm để virus.

Matthew Moore, thuộc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Việt Nam, cho biết: "Các bước rất dễ để mô tả nhưng khó thực hiện, tuy nhiên họ đã rất thành công khi thực hiện điều đó". Matthew đã liên hệ với chính phủ Việt Nam khi đợt bùng phát đầu tiên xảy ra kể từ đầu tháng 1. Theo ông, CDC có "niềm tin rất lớn" vào các hành động đối phó với cuộc khủng hoảng mà dịch Covid-19 gây ra của chính phủ Việt Nam.

Việt Nam đã tăng số lượng phòng thí nghiệm có thể xét nghiệm Covid-19 từ 3 cơ sở khi dịch bắt đầu bùng phát vào tháng 1, lên 112 cơ sở vào tháng 4.

Tính đến hôm thứ Tư, 213.743 xét nghiệm đã được tiến hành tại Việt Nam, trong đó 270 kết quả là dương tính, theo dữ liệu của Bộ Y tế.

Các chuyên gia cho biết, Việt Nam đã được hỗ trợ trong cuộc chiến chống Covid-19 bằng sự kết hợp giữa một sự chỉ đạo xuyên suốt cùng một nền kinh tế thị trường mở và một thế hệ người dân sẵn sàng hợp tác do đã có những trải nghiệm sâu sắc về các loại dịch bệnh trong quá khứ.

Guy Thwaites, Giám đốc Viện nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Việt Nam hoạt động theo một mô hình tổ chức và các quyết định do chính phủ ban hành được áp dụng trên toàn quốc một cách nhanh chóng và hiệu quả, không có quá nhiều tranh cãi". Tổ chức của Thwaites đã hỗ trợ thực hiện các xét nghiệm. Và ông cho biết, số lượng các ca xét nghiệm dương tính do cơ sở của ông thực hiện phù hợp với dữ liệu của chính phủ.

Ông cho biết bệnh viện nơi ông làm việc - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, phục vụ dân số 45 triệu người ở miền Nam Việt Nam, ghi nhận theo số liệu của chính phủ Việt Nam.

"Nếu có sự lây nhiễm trong cộng đồng và không được báo cáo, chúng tôi sẽ thấy các bệnh nhân nhiễm bệnh trong bệnh viện của chúng tôi. Nhưng tôi không hề thấy điều đó", ông nói. Thwaites cho biết, phòng thí nghiệm của tổ chức của ông đã tăng công suất từ khả năng thực hiện khoảng 100 xét nghiệm mỗi ngày lên khoảng 1.000 mỗi ngày.

Theo quản lí của 13 nhà tang lễ ở Hà Nội, không có sự gia tăng về số lượng người chết.

Todd Pollack, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Y Harvard có trụ sở ở Hà Nội cho biết, chỉ có gần 10% số người được xét nghiệm dương tính với virus ở Việt Nam là trên 60 tuổi - nhóm tuổi có khả năng tử vong cao nhất do Covid-19. Tất cả bệnh nhân, được theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế và được hưởng một chế độ chăm sóc y tế tốt. Theo Pollack, Việt Nam được so sánh với Hàn Quốc, một quốc gia khác đã triển khai một chương trình xét nghiệm qui mô lớn và giữ được tỉ lệ tử vong tương đối thấp.

"Tỉ lệ tử vong ở Hàn Quốc là khoảng 2%, một phần vì họ đang thực hiện xét nghiệm ở quy mô rộng lớn", theo ông Pollack: "Nếu chúng ta áp dụng tỉ lệ đó cho các trường hợp đã được xét nghiệm ở Việt Nam và xem xét các yếu tố khác này, chúng ta có thể biết vì sao họ không có bất kì một ca tử vong nào".

Krutika Kuppalli, một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An toàn Y khoa Johns Hopkins, cho biết: ‘Không có cách nào để biết chắc chắn, nhưng họ đã làm rất tốt với các hoạt động xét nghiệm và cách li mọi người".

Không chủ quan trước mọi khuyến cáo

Vào cuối tháng 2, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang xem nhẹ sự nguy hiểm của virus corona, Việt Nam và một số nước đã bắt đầu tìm nguồn cung ứng các thành phần quan trọng cần thiết để sản xuất hàng loạt bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 từ Mỹ và Đức.

Các nhà nghiên cứu tại Học viện Quân sự Việt Nam phối hợp với Việt Á Corp đã chế tạo một bộ dụng cụ xét nghiệm và được chính phủ Việt Nam cấp giấy phép để sản xuất hàng loạt bộ sản phẩm này. Ông Việt cho biết, bộ dụng cụ của công ty ông - có thể thực hiện nhiều xét nghiệm - với 250.000 xét nghiệm tại Việt Nam và đã xuất khẩu.

Ngay từ ngày 23/1, Việt Nam đã tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi dịch bệnh bắt đầu, ngay sau khi phát hiện ra hai trường hợp nhiễm virus đầu tiên. Quốc gia này đã hành động ngay cả trước khi Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo nên hạn chế đi lại. Một tuần sau đó, Việt Nam thực sự đóng cửa biên giới dài 1.400 km (870 dặm) với Trung Quốc ngoại trừ phục vụ các hoạt động thương mại thiết yếu.

Đến giữa tháng 3, Việt Nam bắt buộc phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng trên toàn quốc. Động thái này đã "bỏ xa" hầu hết phản ứng của các quốc gia khác. Thậm chí Việt Nam bỏ qua cả lời khuyên của WHO rằng, chỉ những người có triệu chứng mới cần phải đeo khẩu trang. Một số nhà máy may mặc của Việt Nam đã chuyển sang làm khẩu trang phẫu thuật và khẩu trang vải để đáp ứng nhu cầu.

Tháng 4, WHO cho biết đã khuyến cáo về việc đeo khẩu trang trong các tình huống không thể giãn cách xã hội nhưng nhấn mạnh khẩu trang y tế phải được ưu tiên cho nhân viên chăm sóc sức khỏe.

Cách li diện rộng

Chương trình xét nghiệm ở Việt Nam diễn ra đồng thời cùng với chương trình truy tìm dấu vết liên hệ với những người nhiễm virus một cách kĩ lưỡng và cách li hàng chục ngàn người. Nhiều người trong số họ là những người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước để thoát khỏi những đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ ở châu Âu và Mỹ.

Các xét nghiệm của Việt á Corp lần đầu tiên được đưa vào sử dụng hôm 4/3, ông Việt cho biết. Trong sáu tuần trước đó, Việt Nam đã tăng dần số lượng xét nghiệm nhưng số người nhiễm virus vẫn dưới ngưỡng 20 ca. Trong tuần thứ 2 của tháng 3, con số đó đã tăng hơn gấp đôi.

Đầu tháng 3, chỉ một phần nhỏ trong số hàng chục ngàn người đến cách li tại các trung tâm cách li do quân đội quản lí, theo dữ liệu của Bộ Y tế Việt Nam. Tuy nhiên, đến đầu tháng 4, số lượng người được xét nghiệm đã bắt đầu vượt qua số lượng những người bị cách li.

Các quan chức y tế đã kiểm tra lại các trường hợp nghi ngờ. Những người có kết quả xét nghiệm âm tính nhiều lần dần dần được ra khỏi các khu cách li. Nhiều xét nghiệm cũng được thực hiện trên các nhóm người không được cách li, những người có thể đã bị phơi nhiễm với virus.

chọn