Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng việc rút ngắn thời hạn bằng lái ô tô xuống còn 5 năm gây tốn kém, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Đoàn Lê |
Trưởng phòng CSGT Hà Nội, Đại tá Đào Vịnh Thắng vừa đưa ra đề xuất rút thời hạn bằng lái ô tô từ 10 năm xuống còn 5 năm. Theo ông Thắng, thời hạn bằng lái ô tô 10 năm là quá dài.
Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho rằng, trong khoảng thời gian trên tài xế có thể ốm đau, sức khỏe thay đổi dẫn đến việc lái xe không an toàn. Trong khi đó, 10 năm mới cấp lại thì cơ quan chức năng sẽ không quản lý được tài xế.
Nhằm làm rõ hơn về đề xuất trên của Đại tá Đào Vịnh Thắng, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.
"Cá nhân tôi không đồng tình với đề xuất này. Bởi vì Luật Giao thông đường bộ, các Nghị định của Chính phủ đã quy định sau 10 năm mới phải cấp đổi bằng lái xe. Thời hạn 10 năm này đã được tính toán kỹ và không nên tùy tiện rút xuống", ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, chúng ta cần lưu ý, trong kinh doanh vận tải, hàng năm doanh nghiệp đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe. Thậm chí, các doanh nghiệp còn tổ chức khám đột xuất khi phát hiện tài xế có dấu hiệu bất thường như sức khỏe giảm sút, dùng chất kích thích, ma túy... để quản lý lái xe và đảm bảo lái xe đủ sức khỏe làm việc.
"Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng kiểm soát lái xe trên đường chứ không thể nào thả lỏng. Vậy, tại sao phải rút xuống 5 năm? Lý do 10 năm quá dài và không quản lý được chưa ổn. Nếu nói không quản lý hoặc khó quản lý vậy có nghĩa là cơ quan quản lý nhà nước không kiểm tra lái xe, không kiểm tra doanh nghiệp thường xuyên'', Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nêu quan điểm.
Có ý kiến cho rằng nên tăng thời hạn bằng lái ô tô. Ảnh: Đoàn Lê |
Theo vị này, việc rút thời hạn bằng lái xe xuống 5 năm tức là tăng thêm thủ tục hành chính, điều này gây tốn kém cho xã hội là đương nhiên. Ông Thanh khẳng định rằng: "Chúng ta đang có cả triệu giấy phép lái xe ô tô nên ngoài việc tốn kém thì phiền hà là điều không tránh khỏi. Ngoài ra, chúng ta cũng không thể đưa ra lý do rằng trong thời hạn 10 năm thì sức khỏe lái xe thay đổi. Bởi lẽ, có nhiều trường hợp lái xe vừa lấy bằng xong thì gặp sự cố về sức khỏe ngay; ví dụ như gặp tai nạn".
"Cá nhân tôi thấy như vậy bởi những lý do của đề xuất rút ngắn thời hạn bằng lái xe ô tô chưa ổn. Hiện, Chính phủ đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp thậm chí cải cách thủ tục hành chính nhằm giúp doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi. Vậy tại sao lại sinh thêm thủ tục hành chính phiền hà làm gì? ông Thanh nhấn mạnh.
Đáng lẽ nên tăng thời gian bằng lái xe ô tô Cùng ngày, trao đổi với PV, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng việc nhận định thời hạn bằng lái ô tô 10 năm quá dài cần phải nghiên cứu và dựa trên tình hình kinh tế xã hội và trật tự an toàn giao thông. Ví dụ, sau khi nghiên cứu, khảo sát, chúng ta thấy 10 năm quá dài vì thế này thế kia thì mới nên có đề xuất rút ngắn hoặc tăng thêm. Theo ông Bình, việc rút ngắn thời hạn bằng lái ô tô sẽ gây khó cho người dân và tốn kém tiền bạc. "Quan điểm của tôi là nên kéo dài thời hạn bằng lái ô tô hoặc nếu không thì vẫn giữ nguyên", ông Bình nói. |